Thuyết trình bằng clip
Draw my life là trào lưu thực hiện video ghi lại quá trình vẽ tay những hình ảnh về cuộc đời mình. Nhưng với ba bạn Hào Nguyên, Trường An, Đa Văn (học sinh THPT Trần Khai Nguyên, quận 5), trào lưu này đã được biến tấu thành “phiên bản Địa lý”.
Bạn Đa Văn (lớp 10) chia sẻ: “Ý tưởng thực hiện một video Draw my geography đến rất tình cờ. Có lần cô giao cho tụi mình thuyết trình về các vành đai núi lửa. Cả nhóm 3 đứa đang chụm đầu ngồi bàn làm sao tìm cách thuyết trình mà không bị chán thì mình xoay sang thấy bạn bên cạnh đang hí hoáy vẽ một bức tranh. Thế là mình nghĩ sao không tạo một video “vẽ” các kiến thức Địa lý về vành đai núi lửa? Vậy là cả ba tụi mình bắt tay vào làm”.
Diễn viên kiêm kỹ thuật viên
“Diễn viên chính”của video là bút lông, bảng trắng, máy quay và… cánh tay của bạn Trường An - người vẽ đẹp nhất nhóm. Lúc lên kế hoạch, cả ba đều rất hào hứng nhưng khi làm mới biết “không như mơ”.
Video chỉ có 5 phút nhưng các bạn đã mất tận 6 giờ để quay. Hào Nguyên kể: “Lúc tìm tài liệu để đưa vào nội dung video tụi mình mới phát hiện nhiều tài liệu tiếng Việt không có trên Google. Thế là cả bọn phải “căng mắt, cân não” ngồi dịch tài liệu nước ngoài”.
Trong lúc quay, có khi quên kịch bản “diễn viên” phải ngừng và quay lại nên việc cắt, ghép video rất phức tạp. Sau khi quay xong, các bạn dùng tính năng “time - lapse” để đẩy nhanh tốc độ video, xử lý âm thanh và ánh sáng. Tuy nhiên, cả “bộ ba” đều rất yêu Địa lý nên làm tù tì cả 6 giờ mà không biết mệt.
Học một, “lời” ba
Trường An chia sẻ: “Mình thích vẽ từ nhỏ. Khi bắt đầu làm video mình mới phát hiện rằng mình có thể vẽ được bản đồ, và vẽ được chính xác từng chi tiết gấp khúc của đất đai, vịnh, biển. Từ đó, mỗi lần học bài mình đều vẽ ra bản đồ trước mắt rồi chia nhánh sơ đồ tư duy. Biết được vị trí địa lý thì rất dễ suy ra được khí hậu, đất đai của vùng đất đó”.
Trải qua bài tập thuyết trình, cả ba bạn đều gật gù: “Mặc dù chỉ làm để phục vụ cho môn Địa lý thôi mà tụi mình còn được “luyện tay” cả ở môn Tin học và Anh văn nữa”.
Cô Hoàng Thị Hiền (giáo viên môn Địa lý trường Trần Khai Nguyên) cho biết: “Việc cô để học sinh tự do tìm hình thức để thuyết trình nhằm kích thích tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Cứ sau mỗi lần thuyết trình, các bạn không chỉ tích lũy được kiến thức bộ môn và còn có thêm nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống nữa. Nhìn học trò mình trưởng thành theo từng bài học, cô rất vui”.