Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021, ngành kỹ thuật nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh, đặc biệt về cơ hội việc làm khi robot từng bước thay thế con người ở một số lĩnh vực.
"Ngành Kỹ thuật lắp ráp ôtô có bền vững không? Sau này, trong cuộc cách mạng 4.0, nhân lực ngành này có bị robot thay thế không?", em Phan Đức Mạnh (học sinh trường THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên), đặt câu hỏi.
Trả lời băn khoăn của Đức Mạnh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin hiện tại, rất nhiều ngành nghề đã robot hóa. Thầy nêu ví dụ tại nhà máy Samsung, việc lắp màn hình tinh thể lỏng do robot thực hiện 100%.
Theo thầy Điền, trong hệ thống Internet vạn vật (IoT), robot có thể quản lý cả phân xưởng.
"Tuy nhiên, con người vẫn có tác động lớn, là người lập trình, thiết kế quy trình cho robot thực hiện. Việc bảo trì, bảo dưỡng robot đều có bàn tay con người", phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định.
Cùng quan điểm, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, khẳng định ngành Kỹ thuật nói chung luôn "hot" và dù robot tham gia thị trường lao động hay không, con người vẫn là yếu tố quan trọng.
TS Đồng Văn Ngọc khẳng định robot không thể thay thế hoàn toàn con người trong ngành Kỹ thuật ôtô. Ảnh: N.S. |
Theo thầy Ngọc, việc bảo trì, lập trình, bảo dưỡng, vận hành robot đều do con người phụ trách. Điều kiện để robot xuất hiện là con người làm ra và điều khiển chúng.
"Các em không lo robot thay thế con người. Robot xuất hiện kéo theo ngành nghề mới xuất hiện. Một chiếc ôtô có cả hệ thống lạnh, hệ thống thông minh, hệ thống tự động hóa, cơ khí, động lực. Quan tâm đến ngành kỹ thuật, em hiểu rằng để lắp ráp một chiếc ôtô cần đến nhiều ngành nghề, kể cả sản xuất bu lông, dây điện. Đất nước phát triển, cũng như Y, Dược, Kỹ thuật ôtô luôn 'hot'", TS Đồng Văn Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, liên quan ngành này, em Dương Thành Công (THPT Kim Anh, Hà Nội) thắc mắc sinh viên Kỹ thuật ôtô sẽ được học những gì và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp ra sao.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền khẳng định Kỹ thuật ôtô không phải ngành mới nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của người học và thị trường lao động rất tốt. Nhiều trường đào tạo ngành này.
Sinh viên được học mọi thứ liên quan các bộ phận trong ôtô. Việc đào tạo ngành này chia làm hai cấp độ.
Thứ nhất, sinh viên học theo định hướng nghề nghiệp để trở thành thợ lành nghề.
Thứ hai, các em học theo hướng của Bách khoa, thiên về thiết kế, chất xám nhiều hơn, từ động cơ đốt trong, hệ thống điện, hệ thống điều khiển trong ôtô đến kết cấu khung, gầm, toàn bộ vấn đề liên quan đến cơ học…
TS Đồng Văn Ngọc bổ sung ở bậc học cao đẳng, đối với ngành Kỹ thuật ôtô, sinh viên được học lý thuyết về ôtô, kỹ năng để sửa chữa các bộ phận ôtô, kể cả vấn đề sơn lại vỏ xe.
Ông thông tin thêm Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có chương trình đào tạo song hành với 2 công ty ôtô. Sinh viên sẽ được học một nửa thời gian tại trường, một nửa tại công ty sản xuất ôtô. Hai công ty cùng nhà trường lo bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Trường cam kết việc làm, sinh viên ra trường đạt mức lương tối thiểu 8 triệu đồng/tháng.