Năm nay tôi đã tốt nghiệp đại học Y khoa 20 năm. Sắp đến mùa tuyển sinh vào đại học, rất nhiều em học sinh phổ thông và phụ huynh có mơ ước học và làm thầy thuốc. Tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ từ trải nghiệm cá nhân của mình trên con đường học ngành Y và hành nghề Y.
Mẹ tôi kể: Khi tôi mới được 3 tháng tuổi, bị tiêu chảy cấp nặng, bệnh viện huyện chuyển đi Hà Nội. Gia đình tôi không có điều kiện, bố mẹ đưa tôi về nhà lúc nửa đêm. Bố đã đến gõ cửa ông lang Tiến trong vùng. Ông không quản ngại đêm tối, đến xem mạch cho tôi và cùng bố tôi đi đào cây thuốc giữa đêm khuya. Tôi sống được nhờ những bát thuốc của ông lang Tiến và các thìa cơm nhai mớm của bố mẹ.
Năm tôi học lớp 6, mẹ ốm nặng, các khớp sưng vù, không đi lại được, tôi đã cùng bố xách một bao tải chè xuống Hà Nội bán ở bến Nứa, sau đó tìm địa chỉ một ông thầy thuốc ở phố Nguyễn Khắc Nhu để kể bệnh và lấy thuốc cho mẹ.
Sinh viên trường ĐH Y Hà Nội đang thực hành một ca cấp cứu. ẢNH: Tiền Phong. |
Ông thầy thuốc đó đã cho thuốc chữa khỏi bệnh mẹ tôi, ông hiền từ, ân cần khiến tôi rất ngưỡng mộ. Lần khác, năm tôi học lớp 8, bố tôi ốm nặng, phải nhập viện. Tôi lên thăm bố, được chứng kiến các bác sĩ chữa khỏi bệnh cho bố, tôi rất khâm phục và biết ơn họ.
Mặc dù tôi say mê học Vật lý, mơ ước trở thành nhà nghiên cứu, nhưng từ những kỷ niệm kể trên, khi thi đại học, tôi quyết tâm chuyển sang khối B và bắt đầu nghiệp Y từ đó.
Chắc những ai từng được nhận bằng bác sĩ đều cảm thấy đó là một quá trình thật sự không dễ dàng chút nào.
Thời gian học rất dài, tôi học đại học Y khoa 6 năm liên tục không có ngày nghỉ kể cả dịp hè và Tết, học chuyên khoa 2 năm, nghiên cứu sinh 5 năm, sau đó mới gọi là bắt đầu hành nghề.
Số bài học quá nhiều, chắc những người thông minh hơn tôi có thể học ít, còn tôi, tôi thấy các bài học cứ dài dằng dặc, toàn chữ là chữ. Các cuốn sách giáo khoa dày hàng nghìn trang, hình vẽ giải phẫu quá phức tạp. Những tên thuốc thì rất giống nhau; các cây thuốc vô cùng dễ lẫn; chất có trong cơ thể thì không thể nhớ hết nổi…
Tôi rất sợ trượt, vì trượt là mất học bổng, là về địa phương và không bao giờ được học nữa, thế là cứ mài mông suốt ngày trên giảng đường, thư viện.
Học y khoa là đi đôi với thực hành, thực tập, kiến tập. Hai năm đầu chỉ học lý thuyết thôi, (đã thấy già người rồi), đến năm thứ 2 bắt đầu đi học bệnh viện thực tập và kéo dài cho đến lúc ra trường.
Các môn học cơ sở như giải phẫu, mô học, vi sinh y học, sinh hóa, sinh lý học, dược lý học, sinh lý bệnh học, phôi thai học, giải phẫu bệnh học, sinh học, lý sinh y học... cứ học lý thuyết sáng, chiều lại lên phòng thí nghiệm triền miên, không ngừng nghỉ.
Ai chỉ cần nghỉ một buổi là rất nguy hiểm, vì mỗi bài thực tập, nhà trường phải tốn nhiều hóa chất, động vật, bệnh phẩm, nhân viên chuẩn bị… rất tốn kém, rất khó tổ chức một buổi khác chỉ cho một sinh viên thực tập, cho nên ốm nhẹ là cũng phải đi.
Học các môn này cực kỳ quan trọng vì là cơ sở để hiểu về con người, về bệnh con người, thiếu nó không bao giờ trở thành bác sĩ!
Đến học các môn chuyên lâm sàng, nghĩa là các môn chữa bệnh, học rất thú vị, nhưng rất khó và tốn nhiều công sức. Cứ buổi sáng phải đi học tại phòng bệnh, đi theo các anh chị, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng để học khám, cách tập chẩn đoán bệnh, ai mà không học sẽ không bao giờ trở thành thầy thuốc.
Đã đi học lâm sàng ở bệnh viện là phải trực đêm, cứ 5 ngày hoặc 6 ngày sẽ phải trực bệnh viện một ngày, có tuần trực hai buổi, đã trực là thức suốt đêm.
Muốn học được lâm sàng tốt, phải có bệnh nhân và phải có thầy thuốc giỏi, thiếu một trong hai thuộc tính trên, không thể học lâm sàng tốt được.
Trong việc học lâm sàng, có nhiều bước mà sinh viên phải vượt qua từ chỗ hiểu đến chỗ làm được gồm có: Phải học thuộc lòng thủ thuật, phẫu thuật mình sẽ làm, ví dụ “tiêm” thì phải học lý thuyết tiêm thật thuộc; phải tập tiêm trên các chất liệu nhân tạo để cho thạo các động tác; phải nhìn xem các bác sĩ bậc thầy tiêm thật nhiều lần, đứng xem không được hỏi, vì lúc đó các bậc thầy đang tập trung cho kết quả thủ thuật; xem nhiều lần sẽ ghi nhớ hình ảnh vào trong đầu.
Phải làm sao cho các thầy biết là “mình biết”, thật khó đấy. Một lớp 50 sinh viên, ông thầy không thể biết hết, cho nên phải là sinh viên nổi trội, chăm chỉ, hiểu bài khi thầy truy bài.
Khi đã tin tưởng, các thầy sẽ chỉ cho bí quyết từng động tác để thực hiện chính xác. Nếu may mắn, sẽ được thầy cho phép làm dưới sự giám sát của thầy và sự sẵn sàng ủng hộ của bệnh nhân.
Sau vài lần giám sát thấy học trò làm tốt, không sơ suất, các sinh viên ưu tú sẽ được giao những công việc nho nhỏ. Dần dần như vậy, mới tích lũy được kỹ năng thực hiện các kỹ thuật y khoa.
Còn những sinh viên không được làm, thì sẽ chỉ là bác sĩ chữa bệnh trên giấy thôi, trên bệnh nhân thật, không thể thành công, không ai dám giao tính mạng cho các thầy thuốc chỉ mới biết lý thuyết.
Sau nhiều năm thực hiện các kỹ thuật y khoa như trên, các thầy thuốc tiếp tục phải đúc rút kinh nghiệm, đọc sách cập nhật, tham khảo đồng nghiệp, ghi nhận phản hồi từ bệnh nhân, tất cả những điều đó mới kết tinh thành kỹ năng thầy thuốc.
Trong quá trình xây dựng hình thành các kỹ năng Y khoa, sự thông minh chỉ là một loại phương tiện thôi, còn đam mê, sự chặt chẽ trong tư duy, cẩn trọng trong động tác và đức tính chăm chỉ mới là quyết định.
> Tranh luận về đại học dân lập đào tạo Y Dược |