Dân chuyên Anh của một trường nổi tiếng, từng vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh của tỉnh, điểm trung bình tiếng Anh luôn trên 9.5. Đó là tôi của vài năm trước.
Hiện giờ, khi nhắc đến tiếng Anh, tôi chỉ muốn tìm chỗ nào đó để trốn vì sợ người khác biết mình không còn giỏi như xưa.
Ở những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội... nhiều phụ huynh đã đầu tư rất mạnh cho con đi học thêm tiếng Anh với người nước ngoài tại những trung tâm nổi tiếng. |
Vừa vào đại học, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là phải cho bản thân khoảng thời gian nghỉ ngơi sau mười hai năm học tập căng thẳng. Tôi tạm gác việc học ngoại ngữ với suy nghĩ: Kiến thức và kỹ năng đã “ăn sâu” vào đầu, sẽ không dễ dàng mất đi. Cứ thế tôi dành nhiều thời gian thư giản, vui chơi cùng bạn bè, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động tình nguyện. Dần dần, tôi mất thói quen học tiếng Anh 1 tiếng mỗi ngày.
Đến cuối năm hai, khi cần chứng chỉ ngoại ngữ để có thể học tiếp năm ba, tôi cùng đám bạn mới vội vàng tìm lớp luyện thi cấp tốc, rồi đăng ký kỳ thi TOEFL nội bộ. May thay, bằng một số “mẹo” làm bài mà đa số chúng tôi đều thi đậu.
Sau kỳ thi ấy, tôi bắt đầu có cảm giác là lạ với kiến thức của mình. Đề thi không quá khó nhưng tôi rất vất vả mới hoàn thành.
Tôi tự hỏi: “Hình như mình từng biết từ này thì phải”, “cấu trúc này quen quen nhưng sao nghĩ mãi cũng không nhớ”. Khi ấy tôi mới vỡ lẽ, thì ra kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ không “ăn sâu” như tôi nghĩ.
Hồi phổ thông, vì học lớp chuyên nên tôi có đến 13 tiết Anh văn mỗi tuần. Đa phần trong số đó là các buổi chuyên đề học thuật, nghiên cứu thiên về ngôn ngữ học. Chúng tôi được giao nhiều bài tập về nhà, tiếp xúc với một lượng lớn từ mới, từ chuyên ngành, từ ít sử dụng.
Để đối phó, chúng tôi học thuộc lòng, cốt để trả bài cho buổi tiếp theo. Sau đó, hầu hết đều quên những từ đã học do không sử dụng thường xuyên, nói khác hơn là không có “cơ hội” sử dụng.
Hằng ngày lên lớp, chúng tôi được phát giáo trình, đề thi để ngồi giải. Sau đó giáo viên sẽ sửa bài theo hình thức “xoay vòng”, có nghĩa là lần lượt từng bạn đứng lên chọn đáp án từng câu và giải thích bằng tiếng Anh. Vì vậy, chúng tôi có thể đoán trước khi nào đến lượt và sẽ làm câu nào, nên cứ việc chuẩn bị trước câu đó và nói theo kiểu thuộc lòng.
Chúng tôi có nhiều buổi thực hành nghe - nói hơn các bạn lớp khác. Nhưng so với các buổi học đọc - viết và giải đề thi thì thời gian nghe nói vẫn còn khá ít và chưa giúp chúng tôi tạo được phản xạ trong giao tiếp. Những khi có dịp tranh luận về một vấn đề bằng tiếng Anh, mỗi nhóm đều cử bạn nói giỏi nhất làm “người đại diện phát ngôn”, và bạn này gần như sẽ nói trong hầu hết các buổi.
Chính vì thế, dù học nhiều, đọc nhiều, nhưng chúng tôi lại gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ của mình. Bản thân tôi phải nghĩ bằng tiếng Việt, sau đó dịch câu ấy ra tiếng Anh rồi mới bắt đầu nói. Do đó, tôi không tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài, vì phải để họ chờ quá lâu.
Có lần, một người ngoại quốc hỏi tôi đường đến Bưu điện thành phố, tôi nói mãi nhưng người đó không hiểu, phải hỏi lại nhiều lần. Lúc ấy, tôi chỉ còn biết lấy tờ giấy với cây viết để ghi ra lời chỉ dẫn…
Tôi thấy xấu hổ và giận bản thân mình vô cùng. Một học sinh luôn đứng trong top đầu, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh, vậy mà sau mấy năm, khả năng nghe - nói của tôi còn thua tiếng Anh “bồi” của bác xe ôm, chị bán bánh.
Thế mà tôi đã từng tiếp xúc và học giỏi những phần “hàn lâm” nhất của tiếng Anh đó!