Học lái xe ở thời điểm hiện tại đang khá đắt đỏ và cũng không dễ. Ảnh minh họa: Ngọc Tân. |
Ở thời điểm hiện tại, việc sở hữu bằng lái ôtô các hạng B1 và B2 đang khá tốn kém. Khảo sát của Tri thức - Znews cho thấy tại khu vực TP.HCM, mức học phí các hạng bằng nói trên dao động trong khoảng 22-24 triệu đồng.
Thậm chí tại một trung tâm đào tạo lái xe có tiếng ở TP.HCM, mức học phí cho hạng bằng B1 là 31,8 triệu đồng và tăng lên thành 32,8 triệu đồng nếu học viên chọn học bằng lái xe hạng B2.
Dù vậy với không ít người, việc học phí dao động ở mức cao như hiện nay không quá quan trọng, bởi những giá trị nhận được trong suốt quá trình đào tạo mới là "khoản lãi" mà họ nhận được sau khi thi đạt, bên cạnh tấm bằng lái xe.
Tăng học phí, tăng giá trị
Theo một khảo sát do Tri thức - Znews thực hiện hồi đầu tháng 2/2023, mức học phí cao nhất đối với hạng bằng B2 tại TP.HCM là 25-27 triệu đồng. Như vậy, chi phí cao nhất mà học viên có thể phải trả để sở hữu bằng lái ôtô hạng B ở địa phương này đã tăng hơn 5 triệu đồng chỉ sau một năm.
Anh Đình Hải (28 tuổi, TP.HCM) cho biết bản thân vừa hoàn tất kỳ thi sát hạch ôtô hạng bằng B2. Anh cho biết mình đăng ký khóa học ở một trung tâm đào tạo tại quận 4 (TP.HCM) với chi phí trọn gói hơn 22 triệu đồng.
“Ban đầu tôi cũng hơi e ngại khi phải chi một khoản tiền lớn cho học và thi bằng lái xe. Tuy nhiên trong quá trình học, tôi cảm thấy đây là một khoản đầu tư đúng đắn và xứng đáng”, anh Đình Hải chia sẻ.
Theo anh Hải, mức học phí tương đối cao đi kèm với khoảng thời gian khá dư dả cho anh rèn tay lái trong suốt quá trình học, cả trên sa hình lẫn thực hành trên đường trường. Anh Đình Hải tin rằng những kinh nghiệm tích lũy được cùng giáo viên dạy lái trong thời gian thực hành là xứng đáng với số tiền đã bỏ ra.
“Nhờ quy định thực hành với xe có gắn thiết bị DAT, tôi được chạy trên nhiều cung đường khác nhau, cả trong đô thị lẫn trên các tuyến đường dài. Điều khiển xe ban đêm cũng là một trải nghiệm khiến tôi cảm thấy hài lòng”, anh Đình Hải cho biết.
Sở hữu bằng lái ôtô ở thời điểm hiện tại cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Theo nội dung quy định tại Thông tư 04 do Bộ GTVT ban hành vào năm 2022, học viên bằng lái xe hạng B2 và B1 số sàn cần phải thực hành trên 810 km đường trường với xe có gắn thiết bị DAT, bên cạnh 290 km thực hành lái xe trên sân tập lái. Với hạng bằng B1 số tự động, học viên cần được thực hành trên 710 km đường trường và 290 km trên sân tập lái, tổng cộng 1.000 km.
Từ góc nhìn của người đào tạo lái xe, anh Hoàng Tuấn (giáo viên dạy lái) cho biết hàng trăm km thực hành cùng học viên cũng là cơ hội để anh chia sẻ thêm nhiều về kỹ năng lái xe cũng như kinh nghiệm xử lý khi gặp phải các tình huống khó.
“Thời gian thực hành dư dả là lợi điểm cho cả giáo viên và học viên. Khi càng có nhiều thời gian thực hành, học viên sẽ càng có khả năng cao sẽ gặp phải những tình huống khó khi di chuyển trên đường. Với tôi, đó sẽ là những cơ hội tốt để học viên được rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm”, anh Hoàng Tuấn chia sẻ.
Quá trình thực hành trên cabin mô phỏng cũng nhận được sự đồng tình khá cao từ cả học viên lẫn giáo viên đào tạo. Theo anh Hoàng Tuấn, thời gian 4 giờ trên cabin mô phỏng là cơ hội để học viên làm quen với thao tác trong khoang lái, đồng thời được trải nghiệm những điều kiện lái xe có thể ít gặp trên đường như sương mù hay đường trơn trượt.
Chi phí cao nhưng xứng đáng
Anh Hoàng Tuấn cũng cho rằng việc học phí đào tạo lái xe ở mức trên 20 triệu đồng như hiện tại phần nào đã trở thành áp lực vô hình lên giáo viên, khiến đội ngũ đào tạo phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng hướng dẫn các học viên theo đúng tinh thần “học thật, thi thật”.
“Vì học viên đã phải bỏ ra số tiền lớn để đăng ký, đội ngũ giáo viên như tôi cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn họ một cách nghiêm chỉnh, cố gắng truyền đạt và chỉ dạy hết mức có thể nhằm cho ‘ra lò’ những tay lái tốt trên đường phố”, anh Hoàng Tuấn chia sẻ.
Không ít học viên tin rằng khoản chi phí phải bỏ ra khi đăng ký học bằng lái là xứng đáng. Ảnh minh họa: H.T. |
Về phía học viên, chị Hoàng Anh (28 tuổi, TP.HCM) cũng tin rằng mức học phí cao sẽ khiến chị phải tập trung và thực sự nghiêm túc trong quá trình học cũng như thi bằng lái ôtô.
“Đã đóng hơn 20 triệu đồng cho khóa học này rồi mà đến lúc thi lại không đạt thì tiếc lắm. Bởi vậy tôi đã hạ quyết tâm sẽ dồn hết tâm sức, cố gắng sao cho quá trình học và thi sát hạch đều diễn ra thành công”, chị Hoàng Anh chia sẻ sau khi đã đăng ký một khóa học bằng lái ôtô hạng B1.
Đồng tình với ý kiến này, anh Đình Hải tin rằng học bằng lái xe hiện tại đang không rẻ, lại chẳng dễ dàng bởi cần học viên phải đầu tư nhiều thời gian cũng như nỗ lực hơn trước. Tuy nhiên sau khi trải qua quá trình học và thi sát hạch thành công, tấm bằng lái nhận được sẽ không chỉ đơn thuần là “giấy chứng nhận” đã thi đạt.
“Lấy ví dụ trường hợp của mình, nhờ thời gian đào tạo kéo dài nên tôi đã được tiếp xúc với nhiều điều kiện giao thông khác nhau, được giáo viên chỉ dạy và chia sẻ nhiều kinh nghiệm mỗi khi gặp phải tình huống khó. Do đó, sau khi nhận bằng lái tôi không có cảm giác sợ vô lăng và luôn sẵn sàng cầm lái mỗi khi có cơ hội”, anh Đình Hải vui vẻ cho biết.
Nhìn chung, học phí đào tạo lái xe ở mức cao có thể là gánh nặng không nhỏ với học viên ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, quá trình đào tạo mà học viên nhận về cũng tương xứng với số tiền bỏ ra, giúp học viên có cơ hội rèn luyện tay lái, tăng sự tự tin và đảm bảo chất lượng của khóa đào tạo.
Bên cạnh đó, không ít cơ sở đào tạo cũng cho phép học viên thanh toán học phí theo nhiều đợt, phần nào giảm bớt áp lực tài chính cho học viên. Thông thường, các cơ sở đào tạo sẽ yêu cầu đóng 6-7 triệu đồng ngay tại thời điểm đăng ký, sau đó sẽ thanh toán phần còn lại thành 2 đợt theo quy định riêng.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.