Tại Hội thảo giáo dục 2020 "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 27/11, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Dược TP.HCM, bàn luận về vấn đề học phí trong đào tạo y khoa.
Ông Trần Diệp Tuấn khẳng định chất lượng đào tạo ngành y là ưu tiên hàng đầu và mức học phí 68 triệu đồng/năm không cao. Ảnh: D.T. |
Theo ông, học phí được xác định dựa trên chi phí của trường, nhu cầu của người học và xã hội, lạm phát và thay đổi theo chính sách của Chính phủ.
Với năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện tự chủ tài chính, ĐH Y Dược TP.HCM đưa ra mức học phí mới. Mức thu này cao hơn nhiều so với các năm trước, có ngành thu đến 70 triệu đồng/năm.
Thực tế, khi trường công bố học phí của các ngành, dư luận thắc mắc và lo ngại. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mức thu này không cao, chỉ tương đương học phí của các trường mẫu giáo “kha khá” ở TP.HCM.
Tại hội thảo, ông cũng giải thích tầm quan trọng của việc đặt lại mức học phí mới.
“Chất lượng của ngành y là ưu tiên hàng đầu. Nếu không xây dựng lại mức học phí, với mức học phí như hiện nay, tức mấy triệu/tháng, chúng ta không thể nào đảm bảo được chất lượng đào tạo. Thực tế, trong thời gian vừa qua, nhà trường bù lỗ rất nhiều”, ông Tuấn nói.
Ông khẳng định ĐH Y Dược TP.HCM cam kết chất lượng hàng đầu. Trường đầu tư lớn vào trang thiết bị dạy học, thực hành đồng thời có đội ngũ giảng viên hùng hậu, là chuyên gia đầu ngành.
Trong tương quan với chất lượng, mức học phí như vậy không cao. Trừ các trường chưa tự chủ, học phí của trường còn thấp hơn khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM. Con số này cũng thấp hơn mức thu tại các trường ngoài công lập như ĐH Tân Tạo, ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
Ông cũng so sánh với học phí ngành y của các nước trên thế giới. Trong đó, ở các nước Đông Nam Á, trường công lập thu 8.800-35.500 USD, trường ngoài công lập thu 50.000-60.000 USD. Tại Mỹ, mức thu là 37.500-62.200 USD đối với trường công lập và 60.700-62.100 USD với trường ngoài công lập.
Ở châu Âu, trừ Anh, học phí rơi vào mức 0-10.000 euro hoặc 10.000-17.000 euro theo thu nhập, tức vẫn cao hơn mức thu của ĐH Y Dược TP.HCM.
Với mức học phí mới, trường tính toán chi 51% cho con người, 10% cho vật tư tiêu hao, trích khấu hao 5%, chi 5% cho nghiên cứu khoa học, 15% cho học bổng, 14% cho các quỹ.
Trong đó, 15% nguồn thu từ học phí được dùng để cấp học bổng hỗ trợ theo các mức 100%, 70%, 50%, 25% học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
“Đợt tuyển sinh vừa rồi, trường tuyển sinh được hơn 104%, tức đủ chỉ tiêu. Điều này chứng tỏ xã hội chấp nhận mức học phí. Chúng tôi dành 800 suất học bổng nhưng chỉ nhận 202 đơn xin học bổng hỗ trợ học phí. Như vậy, có lẽ nhiều sinh viên, gia đình nghĩ có thể nhường suất cho người khác”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Diệp Tuấn nói thêm với các khoản chi như vậy, trường không có kinh phí để làm những việc lớn lao hơn. Ông nhấn mạnh học phí không chỉ là chi phí cho hoạt động đào tạo hiện hành mà còn phải đầu tư để phát triển, hội nhập. Với tình hình hiện tại, ông đặt câu hỏi làm sao các trường hội nhập được với mức học phí như hiện nay.