Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học phí tăng vọt, thí sinh cân nhắc vào đại học hay không

Trước thông tin học phí tăng, nhiều thí sinh hoang mang, ngại vào đại học bởi áp lực tài chính. Dừng lại hay tiếp tục là bài toán khó cho các em trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Xem một lượt danh sách các trường đào tạo ngành kinh tế, quản trị để tham khảo học phí, Phan Anh (Hà Tĩnh) lo lắng bởi mức học phí tăng chóng mặt. Cô cân nhắc giữa việc học đại học và đi làm.

Phan Anh hiểu tăng học phí là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc tăng mạnh vào thời điểm mọi thứ còn khó khăn như bây giờ khiến cô và gia đình hoang mang.

Hoc phi tang vot anh 1

Phan Anh lo lắng bởi mức học phí tăng chóng mặt. Cô cân nhắc giữa việc học đại học và đi làm. Ảnh: Lan Anh.

"Chùn chân" vì học phí

Trước kia, nữ sinh xác định nếu đỗ đại học, cô sẽ kết hợp đi làm thêm, cộng với tiền phụ cấp của gia đình, cô vẫn có thể lo mọi chi phí sinh hoạt và học tập. Nhưng khi nghe thông tin các trường tăng học phí vào khóa tiếp theo, nữ sinh bắt đầu lo lắng.

Điều kiện gia đình Phan Anh không mấy khá giả. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai mẹ cô bởi bố đang thất nghiệp. Phan Anh còn 2 em đang học lớp 4 và lớp 7.

Hiện giờ, hàng tháng, tổng chi phí bao gồm cả tiền học của 3 chị em, ăn uống, sinh hoạt của cả gia đình 5 người, cộng thêm lãi suất ngân hàng, mẹ cô phải lo liệu khoảng 15 triệu đồng mới đủ chi trả.

“Với hoàn cảnh gia đình hiện tại, xét từ việc tăng học phí và điều kiện kinh tế, em sợ nếu học đại học, em sẽ trở thành gánh nặng cho cả gia đình”, Phan Anh đắn đo.

Cũng như Phan Anh, P.M. (Phú Thọ) ngồi trước máy tính, đau đầu khi phải lựa chọn ngành, chọn trường với mức học phí phải chăng, phù hợp với điều kiện gia đình.

Nữ sinh đang tìm hiểu Học viện Chính sách và Phát triển. Cô cho biết năm nay, học phí của trường với hệ chuẩn là 300.000 đồng/tín chỉ, tương đương 9,5 triệu đồng/năm học.

“Em tìm hiểu nhiều trường, đây là trường có mức thấp nhất, phù hợp với em hiện tại. Tuy nhiên, so với năm ngoái, học phí này cũng tăng lên”, P.M. chia sẻ với Zing.

Bố mẹ P.M. làm nông, tổng thu nhập mỗi tháng của 2 người trên dưới 10 triệu, vừa đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Trong khi đó, em trai M. đang học cấp 3, chưa có thu nhập.

Giữa lúc ôn thi nước rút, Phan Anh và P.M. đều "chùn chân" trước ngưỡng cửa đại học. Cả 2 tính đến việc từ bỏ đại học, đi học nghề hoặc làm công nhân với mức lương vừa đủ. Đó cũng là cách nhằm giảm áp lực đồng thời tạo thêm kinh tế cho gia đình.

P.M. dự tính xin học nghề thẩm mỹ, mỗi tháng thu nhập 7-8 triệu đồng để tự lo cho bản thân và phụ giúp bố mẹ. Còn với Phan Anh, nếu lựa chọn đi làm, cô sẽ xin vào làm phục vụ tại các chuỗi hàng ăn.

"Công việc vất vả nhưng có bảo hiểm, đãi ngộ, lương thưởng ở mức khá. Em có thể phụ giúp gia đình về kinh tế. Hai em của em cũng yên tâm học hành hơn", Phan Anh nghĩ ngợi.

Không chỉ P.M., Phan Anh, Lê Thị Thanh Thủy (TP.HCM) chia sẻ nhiều bạn của cô đang ngần ngại. Họ vốn có tâm lý nếu không đủ sức vào trường công lập sẽ chuyển qua trường tư.

Nhưng khi nghe học phí tăng cao, các bạn e dè, thậm chí, một số bạn từ bỏ ước mơ đại học. Thanh Thủy cho hay nhiều bạn đã xin nghỉ, bảo lưu học bạ hoặc chỉ đợi thi xong tốt nghiệp là dừng lại.

Hoc phi tang vot anh 2

Nhiều thí sinh loay hoay tìm cách giải cho bài toán đại học. Ảnh minh họa: Nguyễn Hằng.

Loay hoay tìm cách

Bản thân Thanh Thủy không muốn từ bỏ. Nữ sinh dự định đăng ký thi ngành Nhật Bản học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM (VNUHCM-USSH). Học phí của ngành dự kiến tăng lên 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm học bắt đầu từ năm học tới theo cơ chế tự chủ.

Biết thông tin này, Thanh Thủy hoang mang, lúng túng. Cô cân nhắc lại về việc đặt nguyện vọng. Bố mẹ Thủy đều làm nông. Thủy xác định nếu cô vào đại học, bố mẹ sẽ vất vả hơn nhiều. Nữ sinh lo lắng nếu học phí lên cao, bố mẹ khó gồng gánh nổi.

“Em nghĩ trường tăng học phí đồng nghĩa chất lượng được nâng lên nhiều hơn, điều này có lẽ ảnh hưởng khá nhiều đến việc đặt nguyện vọng đại học của em”, Thủy tâm sự.

Mặc dù đã tham khảo thêm một số trường có học phí thấp hơn, Thanh Thủy vẫn cân đo, đong đếm mãi. VNUHCM-USSH là ước mơ Thủy theo đuổi.

Bố mẹ Thủy lo lắng không kém. Dù vậy, họ luôn bên cạnh, động viên con gái vào đại học. Chính vì vậy, nữ sinh lấy đó làm động lực, cố gắng và nỗ lực hơn nữa để vượt qua khó khăn, không để cánh cửa ĐH khép lại vì vấn đề kinh tế.

Thủy xác định nếu trúng tuyển, cô sẽ sắp xếp thời gian, vừa học, vừa làm thêm để có trải nghiệm, tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng cho ngành học sau này và tiền bạc trang trải sinh hoạt. Có thể, số tiền đó không nhiều nhưng nhờ nó, Thủy sẽ đỡ đần bố mẹ phần nào.

Cũng giống như Thủy, Ngọc Nhi (Vĩnh Long) đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán học đại học. Nhi muốn đặt nguyện vọng 1 là ĐH Tôn Đức Thắng. Khối ngành kỹ thuật cô theo đuổi dự kiến có mức học phí 24 triệu đồng/năm.

Nhưng không may mắn như Thủy, Ngọc Nhi không được gia đình ủng hộ bởi điều kiện kinh tế cả nhà chỉ ở mức đủ sống. Thời gian qua, cô thuyết phục rất nhiều, bố mẹ mới tạm đồng ý.

Ngọc Nhi có học lực tốt. Chính vì vậy, cơ hội trúng tuyển lớn. Tuy nhiên, với mức học phí cao, vừa ôn thi, Nhi vừa lo lắng con đường vào đại học bị thu hẹp. Cô sợ nếu trúng tuyển, cô vẫn khó tiếp tục do kinh tế.

Dù vậy, trước mắt, nữ sinh Vĩnh Long cố gắng vào đại học rồi sẽ tìm con đường để duy trì việc học. Cô đã tìm hiểu chính sách vay vốn hỗ trợ sinh viên học tập. Đồng thời, Ngọc Nhi cân nhắc thêm các trường khác có đào tạo ngành học tương tự với học phí thấp hơn.

Ngoài ra, giống như Thủy, Nhi dự định làm thêm phụ giúp cha mẹ. Nữ sinh tin tưởng mình có thể vượt qua khó khăn đến từ học phí tăng cao.

Sĩ tử rơi vào cảm xúc tiêu cực vì áp lực phải đỗ

Các sĩ tử đang tích cực ôn luyện từ sáng đến khuya những ngày cuối cùng. Đây là thời gian “vàng” để “chạy nước rút” nhưng không tránh khỏi những áp lực, căng thẳng và lo âu.

Ngọc Bích - Lan Anh

Bạn có thể quan tâm