Sáng 5/5, khoảng 200 phụ huynh có mặt tại trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (TP.HCM), phản đối chính sách thu học phí mùa dịch.
Chiều cùng ngày, hơn 40 phụ huynh hệ thống trường Song ngữ quốc tế EMASI có mặt trước cổng trường cơ sở Nam Long (quận 7, TP.HCM) yêu cầu lãnh đạo nhà trường đứng ra trao đổi công khai về việc hoàn học phí và tổ chức học bù.
Trước đó, một nhóm phụ huynh kéo đến trụ sở phản đối trường Sao Việt, TP.HCM, cũng liên quan vấn đề học phí.
Trước làn sóng phản đối của phụ huynh, trường Sao Việt thông báo hoàn trả 100% học phí khi học sinh nghỉ. Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc quyết định trong thời gian nghỉ, không thu học phí đối với bậc mầm non, giảm 70% học phí với bậc tiểu học và trung học.
Trong khi đó, trường Quốc tế Mỹ - Việt Nam thu 100% học phí trong mùa dịch. Trường cho rằng chất lượng học trực tuyến và trực tiếp như nhau nên không giảm học phí.
Khoảng 200 phụ huynh có mặt tại trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (TP.HCM), phản đối chính sách thu học phí mùa dịch. Ảnh: Minh Nhật. |
Học online không hiệu quả bằng học trực tiếp
Theo TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế), nhà trường và phụ huynh đều có cái lý của mình.
Phụ huynh vẫn phải trông con, hướng dẫn con học. Chất lượng học online, về cơ bản, không thể bằng 100% học trực tiếp. Điều này hết sức rõ ràng, không có gì phải bàn cãi.
Việc học online cũng như offline chỉ đúng với thiểu số. Với trẻ con, mức độ tập trung không tốt, học online vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, TS Trần Vinh Dự - cho rằng rất khó đánh giá học online hiệu quả hay không. Dạy online một số môn dễ hơn các môn khác. Độ tuổi cũng ảnh hưởng, cấp 3 học online dễ hơn; trẻ lớp 1, 2 lại khó.
Bên cạnh đó, chất lượng còn tùy thuộc nội dung có hấp dẫn không. Theo ông, nếu lớp học chỉ là bật video streaming lên, thầy cô giảng bài, học sinh ngồi nghe thì không ăn thua. Nhưng nếu hệ thống nội dung được phát triển riêng để dạy online và đủ mức độ phong phú, hấp dẫn, học online sẽ hiệu quả.
Giống như mua hàng, trước giá 10 đồng, nay chất lượng kém mà khách vẫn phải trả 10 đồng. Họ không hài lòng, dù chi phí sản xuất có thể cao hơn.
TS Đàm Quang Minh
“Đợt dịch, các trường hơi bị động vì từ trước tới giờ chưa được chuẩn bị để dạy như vậy, nay đột ngột chuyển sang dạy online, có nhiều khập khiễng. Thời gian ngắn, làm sao giáo viên chuẩn bị nội dung dạy online tốt được. Yêu cầu dạy online phải hiệu quả như bình thường là không làm được”, ông nêu quan điểm.
TS Đàm Quang Minh cũng cho rằng các trường gặp khó khăn trong giảng dạy thời gian qua. Để cố gắng dạy online, trường phải bỏ ra chi phí nhiều hơn.
Ông Minh phân tích nếu chuyên nghiệp, để dạy online, mỗi lớp cần 2 giáo viên. Một giáo viên dạy và một giáo viên quản lý lớp. Nếu không quản lớp, các bạn nhỏ rất khó tập trung và giáo viên rất khó giám sát. Kỹ thuật dạy online cho đối tượng phổ thông phải như vậy.
Như thế, tiền cho cơ sở vật chất, online hay offline, đều như nhau, vì khi dạy online, họ cũng không thể dùng cơ sở vật chất đó để cho thuê hay kiếm thêm nguồn thu nào khác, chưa kể một số trường thuê mặt bằng, cơ sở vẫn phải trả tiền thuê.
“Trong khi đó, chi phí cho giáo viên tăng, nếu áp dụng cách dạy một lớp 2 giáo viên như trên. Ngoài ra, trường còn phải bổ sung chi phí khác cho công nghệ, đường truyền, phần mềm dạy học”, ông Minh nói.
Câu chuyện học phí còn liên quan việc nên hay không kéo dài thời gian năm học, tức là cho các em học bù khoảng thời gian nghỉ vì dịch Covid-19. TS Trần Vinh Dự cho rằng tùy tình hình thực tế của trường.
Đứng ở góc độ phụ huynh, ông mong muốn trẻ có thời gian nghỉ hè để cả học sinh lẫn trường chuẩn bị tốt nhất cho học kỳ đầu của năm học mới. Việc nhồi nhét không hiệu quả, thậm chí có thể gây tác dụng ngược, khiến học sinh chán học.
“Theo quan sát của tôi, vấn đề học phí đang rơi vào bế tắc, trừ trường nào khéo léo vận hành, vừa được lòng phụ huynh mà vẫn giải quyết được vấn đề của họ. Còn lại, nói chung, đều bế tắc”, ông Dự nhận định.
TS Trần Vinh Dự và TS Trần Quang Minh cho rằng việc học online không thể đảm bảo chất lượng 100% như học trực tiếp. Ảnh minh họa: Straitstimes. |
Khó dung hòa hai bên
TS Đàm Quang Minh nhấn mạnh rất khó có giải pháp để nhà trường và phụ huynh cùng hài lòng. Giải pháp mang tính trung dung là không xét học phí theo tháng, chú trọng đầu vào và đầu ra trong năm nay.
Tức là, học sinh học đến khi hết chương trình, đạt chuẩn đầu ra, trường sẽ thu đủ học phí như bình thường. Phụ huynh đồng ý con mình lên lớp, vẫn có kiến thức như bình thường là được. Bình thường tháng 7, 8 không học, nhưng giờ trường cho học bù để bổ sung.
Vấn đề ở đây là nhiều trường quốc tế vẫn muốn kết thúc năm học như lịch đã định sẵn, bất chấp việc học sinh nghỉ hơn 3 tháng vì dịch bệnh.
Phụ huynh vẫn muốn con học đầy đủ chương trình. Nhưng các trường nói rằng không thể kéo dài năm học vì một số lý do. Trong đó, quan trọng nhất hợp đồng thuê giáo viên có kỳ hạn năm học nhất định, các trường không thể phá vỡ hợp đồng.
Vấn đề học phí đang rơi vào bế tắc, trừ trường nào khéo léo vận hành, vừa được lòng phụ huynh mà vẫn giải quyết được vấn đề của họ. Còn lại, nói chung, đều bế tắc.
TS Trần Vinh Dự
Giáo viên hết thời hạn năm học, họ cũng bay về nước để nghỉ hè, các trường không có người dạy. Ngoài ra, họ còn có chi phí gia hạn thị thực cho giáo viên nước ngoài.
Là phụ huynh có con học online thời gian qua, đồng thời đang vận hành trường tư, TS Đàm Quang Minh rất hiểu cái khó của cả hai bên, khi trường phải trả chi phí lớn hơn, còn phụ huynh chắc chắn không hài lòng với chất lượng học online.
“Giống như mua hàng, trước giá 10 đồng, nay chất lượng kém mà khách vẫn phải trả 10 đồng. Họ không hài lòng, dù chi phí sản xuất có thể cao hơn”, ông Minh so sánh.
Theo ông, những trường tư thục mọi người thấy hoạt động tốt, thật ra là phần nhỏ của tảng băng. Vì thế, rất khó để các trường thỏa hiệp với phụ huynh về vấn đề học phí.
“Mặt khác, cũng khó có sự can thiệp nào từ cơ quan chức năng như sở GD&ĐT hay Bộ GD&ĐT. Đây là giao dịch dân sự giữa các bên, sẽ không thể can thiệp, áp đặt ý chí của họ. Kể cả ở nước ngoài cũng vậy”, TS Minh nói thêm.
Câu chuyện học phí trường quốc tế trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19 rơi vào bế tắc. Ảnh: Minh Nhật. |
Hai bên nên tôn trọng, lắng nghe nhau
Khi bế tắc trong tìm giải pháp xử lý hợp tình hợp lý, cách duy nhất, hai bên cần nhượng bộ lẫn nhau.
TS Trần Vinh Dự cho rằng chuyện phản đối lượng kiến thức con mình được học khác với phản đối, yêu cầu trường giảm học phí. Về mặt tâm lý, người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm không được như lúc đầu đương nhiên không vui.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần xem trường đã cố hết sức chưa để đòi hỏi cho đúng. Một số trường chiết khấu học phí năm học tới cho những phụ huynh có con học trong học kỳ vừa rồi. Hai bên cần thấu hiểu, nhượng bộ để giải quyết nhanh chuyện học phí.
Ông Dự mong muốn nhà trường có hành động thể hiện sự thấu hiểu, dám nhượng bộ, hy sinh một phần lợi ích để cha mẹ học sinh cảm thấy được chia sẻ.
Phụ huynh cũng cần biết thông cảm. Cho con học trường quốc tế, ông Dự không thắc mắc chuyện học phí vì thấy trường, từ hiệu trưởng đến giáo viên, đều cố gắng rất nhiều và trải qua thời kỳ dịch bệnh không mấy dễ dàng.
TS Dự nói thêm trường của con ông cũng đề xuất nếu cho con học tiếp, năm tới, họ sẽ chiết khấu một phần học phí. Do đó, trong vấn đề học phí, ông đánh giá còn tùy thuộc cách lãnh đạo các trường xử lý như thế nào.
Ông muốn cho con học ở trường có tính nhân văn, cảm nhận được trường chăm lo học sinh, quan tâm, chia sẻ với phụ huynh. Ngược lại, phụ huynh cũng tôn trọng giáo viên, nhà trường. Nếu quan hệ hai bên căng thẳng, phụ huynh không nên cho con học tiếp ở đó.