Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Học sinh 'ăn cơm chan nước mắt' chỉ vì thi trượt lớp 10 trường công

Trong lúc tinh thần xuống dốc vì trượt lớp 10 trường công hoặc trượt nguyện vọng mơ ước, những thiếu niên 15 tuổi lại thêm áp lực vì bị cha mẹ trách mắng, chỉ trích.

thi truot lop 10 anh 1

Nhiều học sinh suy sụp, tự trách bản thân chưa đủ nỗ lực để đạt điểm cao hơn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đã 3 ngày trôi qua kể từ khi biết điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, Vũ Minh (học sinh tại TP.HCM) vẫn chưa vực lại tinh thần khi trượt cả 3 nguyện vọng.

“Mấy ngày nay, em đều tự dằn vặt bản thân rồi ước gì mình chăm học hơn, cẩn thận hơn thì có lẽ kết quả đã khác”, Minh chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Những thí sinh khủng hoảng vì thi trượt

Vũ Minh là một trong số hàng chục nghìn thí sinh trượt lớp 10 công lập tại TP.HCM năm nay. Nam sinh tự nhận em không phải học sinh giỏi, nhưng cả năm lớp 9, em đã cố gắng rất nhiều trong việc ôn tập. Không chỉ học kín tuần trên lớp, nam sinh còn đăng ký các lớp học thêm vào buổi tối và tự học vào cuối tuần, phấn đấu để có một suất vào trường công

Những lần thi thử, em đạt khoảng 17 điểm, cao hơn khoảng 1-3,5 điểm so với điểm chuẩn năm ngoái của những trường em đăng ký. Nhưng trong kỳ thi, Minh làm bài không tốt, nhất là môn Toán quá khó so với sức học của em, khiến điểm thi thấp hơn hẳn.

“Lúc biết trượt cả 3 nguyện vọng, em suy sụp tinh thần và hoảng loạn. Nhưng cũng do em đặt nguyện vọng cao so với học lực nên phải chịu”, Minh chia sẻ việc em thi trượt cũng khiến bố mẹ buồn lòng và buông lời trách mắng.

Những lúc đó, em cũng chỉ biết im lặng lắng nghe bởi “ba mẹ đi làm cũng mệt rồi, có mắng thì em nghe chứ không muốn phiền ba mẹ”. Nhưng dù vậy, nhiều lần, Minh cũng muốn được bố mẹ lắng nghe và chia sẻ bởi việc thi trượt cũng đã khiến em suy sụp.

Không riêng Minh, khi các địa phương lần lượt công bố điểm chuẩn vào lớp 10, bên cạnh niềm vui của thí sinh trúng tuyển là nỗi buồn của các em thi trượt. Mới đây, một nam sinh tại Hà Nội cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội khiến nhiều người day dứt.

"Mọi người ơi, con trượt nguyện vọng rồi ạ…”, nam sinh mở đầu câu chuyện của mình.

thi truot lop 10 anh 2

Theo đó, năm nay, em đặt nguyện vọng 1 vào trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) nhưng lại thiếu 0,25 điểm để đỗ. Khi biết em trượt nguyện vọng 1, cả thầy cô và bạn bè đều thấy sốc và tiếc nuối bởi em là học sinh khá giỏi, điểm luôn đứng nhất nhì lớp.

“Con cố tỏ ra rằng mình ổn nhưng con rất buồn, nghĩ rằng giá như mình cẩn thận hơn một chút…. Chỉ 0,25 điểm thôi nhưng dường như cả thế giới trước mắt con như sụp đổ”, nam sinh chia sẻ.

Đáng chú ý, theo nam sinh này, từ khi biết điểm, không khí trong gia đình em trùng xuống. Bố mẹ chẳng nhìn em lấy một lần và cho rằng em là “một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng chẳng xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành”.

“Con chỉ biết lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khen hay khích lệ từ họ - trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất. Con vẫn cảm thấy sụp đổ, nghi ngờ khả năng của bản thân”, trích chia sẻ của nam sinh.

Trong một hội nhóm Facebook dành cho học sinh TP.HCM với hơn 402.000 thành viên, một học sinh khác cũng đăng bài viết, nói rằng em cũng không muốn bản thân trượt cấp 3 công lập nhưng mẹ vẫn mắng chửi. Bị mẹ mắng, em buồn đến mức ăn uống không nổi.

Học sinh khác chia sẻ vấn đề tương tự, tâm sự rằng “thật ra em cũng không muốn rớt đâu nhưng kết quả không như mong đợi. Ba mẹ chửi em khá nhiều, em ăn cơm chan nước mắt luôn".

thi truot lop 10 anh 3

Hàng loạt bài viết chia sẻ tâm trạng được đăng tải lên mạng xã hội.

Đừng trách con không chịu cố gắng

Khi đọc những dòng tâm sự của học sinh, cô Trần Thanh Trúc, giáo viên tại TP.HCM, đau lòng vì trong lúc buồn bã nhất, các em không thể tìm đến cha mẹ làm chỗ dựa tinh thần mà phải lên mạng để tâm sự, nhận những lời động viên, an ủi từ người xa lạ. Cô giáo nói rằng điều này đáng lẽ không nên xảy ra với các em - những đứa trẻ đang ở tuổi dậy thì, rất dễ bị tổn thương.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, cô Trúc hiểu vì sao nhiều cha mẹ lại thấy hụt hẫng vì con trượt cấp 3 công lập. Trong suy nghĩ của họ, khái niệm “trường công lập” vẫn dễ dàng hơn và có thể khiến họ nở mày nở mặt.

Dù hiểu tâm lý này của phụ huynh, cô Trúc vẫn không đồng tình với việc mắng chửi con chỉ vì con không thi đậu. Là giáo viên THCS, thường xuyên tiếp xúc với học sinh và hiểu rõ quá trình học tập của trẻ, cô Trúc biết rằng khi trượt cấp 3, người buồn và tổn thương nhất bây giờ chính là các em.

“Con đang ở giai đoạn thất vọng, tự ti nhất, cha mẹ không động viên, ngược lại mắng chửi con chỉ khiến mọi chuyện tệ hơn. Cha mẹ làm như vậy có thể khiến các con tổn thương tâm lý, tệ hơn là có thể phát sinh suy nghĩ, hành động dại dột”, cô giáo nhấn mạnh.

Nói thêm về việc trẻ suy sụp vì trượt cấp 3, cô Thanh Trúc nói rằng đây là phản ứng bình thường ở một đứa trẻ. Ở tuổi dậy thì, tâm sinh lý chưa hoàn thiện, các em rất dễ bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh, nhất là những chuyện tiêu cực.

Bị chính những người mình yêu thương, tin tưởng trách mắng, trẻ có thể hình thành 2 dạng tâm lý, một là phản kháng, chống cự, hai là tổn thương, suy sụp và dần thu mình với thế giới xung quanh. Nghiêm trọng hơn nữa, việc bị mắng vì thi trượt có thể khiến đứa trẻ hình thành bóng ma tâm lý, từ đó trở nên sợ, chán ghét việc học tập, thi cử.

Trong giai đoạn này, người lớn không nên trách trẻ “không chịu cố gắng” hay “lười biếng” vì có thể các em đã cố gắng hết mức có thể, nhưng khả năng học tập có hạn nên không thể đạt được kết quả như ý. Thi cử là chuyện khó lường trước, trượt cấp 3 không có nghĩa là đánh mất tất cả, các em vẫn còn nhiều cơ hội và con đường phía trước.

Theo đó, cô Thanh Trúc khuyên cha mẹ và trẻ nên bình tĩnh lại, cùng nhau nhìn nhận vấn đề để tìm hướng giải quyết ổn thỏa nhất. Cha mẹ có thể cho con nộp nguyện vọng bổ sung theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, học trường tư thục, dân lập, trường nghề hoặc theo học tại trung tâm GDTX-GDNN.

Còn về phía các học sinh, cô Trúc khuyên rằng nếu chưa thể tâm sự với cha mẹ, các em có thể tìm đến một người bạn hoặc giáo viên để được tâm sự và nhận lời khuyên phù hợp.

Kết quả đã có, không thể thay đổi, các em cũng không nên vì thế mà ủ rũ, mãi thu mình trong nỗi buồn đó. Thay vào đó, các em có thể lấy chuyện này làm bài học để làm động lực cố gắng hơn.

“Các em mới chỉ 14-15 tuổi, con đường phía trước còn rất dài. Chỉ cần chọn được con đường phù hợp và không ngừng nỗ lực, vài năm tới, các em sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn hiện tại. Các em đừng sợ không có cơ hội, cơ hội chỉ khép lại với những người không chịu cố gắng mà thôi”, cô Trúc gửi gắm.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Phụ huynh 'đau đầu, cân não' khi con đỗ 2-3 trường chuyên

Con đỗ 2-3 trường chuyên, nhiều phụ huynh đối mặt với bài toán khó: Nên chọn trường nào cho con?

Ngọc Bích - Thái An

Bạn có thể quan tâm