Trong cuộc họp báo quý III chiều 9/9, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung thay vì tách thi tốt nghiệp và đại học như trước. Theo đó, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Kết quả của kỳ thi sẽ sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.
Những điểm còn gây nhiều thắc mắc
Trước hết, không ít em sinh năm 1997 bày tỏ sự bức xúc, bởi việc công bố thay đổi này quá muộn. Các em chỉ còn 9 tháng, khó có thể thích nghi ngay với phương án thi mới như vậy. Em Huỳnh Võ Nhật Huy cho biết: "Phương án này của Bộ GD vẫn còn đôi chỗ vô lý và gây khó khăn cho học sinh. Bản thân em cũng như những HS khác ngay từ năm lớp 10 đã xác định cho mình sẽ thi vào khối A (Toán, Lý, Hóa). Giờ đây khi Bộ GD thay đổi phương án thi, thì chỉ còn lại 9 tháng làm sao đủ để chúng em xác định lại còn đường của mình. Học thi đại học là cả một quá trình dài, đâu thể nào chúng em có thể thay đổi và nâng cao thêm kiến thức những môn khác chỉ trong thời gian ngắn?"
Bên cạnh đó, việc thi ba môn Văn, Toán, Tiếng Anh (bắt buộc) cộng với một môn tự chọn và lấy điểm đó xét vào tốt nghiệp khó có thể giúp đảm bảo được chất lượng đầu vào của những trường ĐH thi tuyển vào các ngành tự nhiên. “Có vô lý không khi ngành liên quan đến KHTN mà lại xét dựa vào những môn xã hội (Văn - Anh)? Không chỉ vậy, trừ những học sinh thi khối D và A1, những học sinh khác ví dụ như khối A, ngoài ba môn đã trau dồi từ những năm trước là Toán, Lý, Hóa, bây giờ phải học thêm 2 môn Anh và Văn, tổng cộng lên đến 5 môn, quá khó khăn khi mức độ kiến thức của từng môn thi đại học không phải thấp”, Huy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, em Linh nghĩ cách làm mới này mang đến nhiều thiệt thòi cho học sinh, bởi: "Em muốn thi khối A và B nhưng giờ cần thêm tiếng Anh và môn Văn để xét vào đậu đại học thì em phải làm sao? Làm như vậy, em lo lắng mình sẽ không đậu ĐH và rớt luôn tốt nghiệp".
Việc gộp kỳ thi sẽ khiến nhiều thí sinh chịu áp lực hơn. Ảnh: Tuấn Mark. |
Còn một bạn tên Nam góp ý, Bộ GD thay đổi phương án thi mới không phù hợp. Việc cho phép học sinh đăng ký vào các trường sau khi biết điểm thi là không hay. Nam ví dụ một ngôi trường lấy chỉ tiêu 1.000 học sinh nhưng có đến 900 bạn đăng ký nguyện vọng trường này, nhưng sau khi biết điểm và có đủ điểm đậu ngôi trường tốt hơn, có thể tất cả sẽ bỏ trường, dẫn đến trường có quá nhiều thí sinh "ảo".
Bên cạnh đó, phương án thi mới cũng vô tình khiến các trường THPT hình thành 2 khối giáo viên: dạy môn thi bắt buộc và không bắt buộc, như vậy sẽ nảy sinh thêm nhiều vấn đề tiêu cực.
Phân tích về vấn đề này, bạn Trí Kiên cho biết, việc tổ chức thi chung nhìn qua sẽ nghĩ là công bằng và minh bạch, nhưng cái 3 chung ấy chỉ mang tính chất của một kì thi tốt nghiệp. Trong khi đó, đối với thi đại học lại áp dụng quy chế: "Các trường hoặc sử dụng toàn bộ kết quả đó để tuyển sinh, hoặc sử dụng một phần kết quả, kết hợp kiểm tra thêm về năng lực, chỉ số thông minh…". Nghĩa là các trường đại học hoàn toàn có thể tuyển sinh hoàn toàn riêng biệt, chính là điều kiện để cho thầy X chuyên "ôn thi" trường A, học ở lớp cô Y thì chắc chắn đỗ đại học B.
Bạn bày tỏ sự băn khoăn: "Chẳng cần nói nhiều hơn nữa về những hoạt động ôn thi mờ ám có thể xảy ra khi các trường ĐH tuyển sinh riêng. Đó là hệ quả tất yếu của việc thay đổi trong lúc môi trường xã hội còn nhiều điểm tối mà thôi. Liệu phương án thi mới có thành công như Bộ mong đợi? Hay là ta phải quay trở lại cách thi cũ chỉ sau 1 năm?".
Ngoài ra, khá nhiều thí sinh trượt đại học của mùa tuyển sinh 2014 đặt câu hỏi, nếu muốn thi lại vào kỳ thi năm tới, họ sẽ phải làm thế nào. Đây cũng là thắc mắc của những người từng tốt nghiệp PTTH vào các năm trước đó, cũng như của sinh viên muốn thi lại vào trường mình yêu thích.
Giải pháp tốt để đánh giá khả năng học sinh?
"Rất nhiều nước đã áp dụng cách thi có điểm trước và xét tuyển, như vậy, tiện lợi và phù hợp với thí sinh lẫn các trường đại học. Có thể lúc đầu mọi người chưa quen, thấy khó thích nghi nhưng qua 1 năm, chắc chắn mọi người sẽ hiểu được lợi ích của nó. Ai giỏi học trường giỏi, ai khá học trường khá, không còn trường hợp điểm cao mà vẫn trượt đại học. Ngoài ra, các bạn nên đọc thêm nhiều sách về nền giáo dục các nước bạn sẽ hiều kỹ hơn và có cái nhìn toàn cảnh hơn", Ánh nói.
Trước rất nhiều lo lắng, phản đối phương án thi tốt nghiệp và ĐH chung, một số người lại đồng tình với cách làm này. Anh Minh Đức chia sẻ, việc chia cụm thi giúp những em cảm thấy kém nên thi hội đồng trường làng, ở đó sẽ như thi tốt nghiệp mọi năm. Còn ai tự tin về bản thân sẽ thi ở hội đồng các trường đại học. Ở đây sẽ trông chặt như thi đại học mọi năm. Như vậy có thể nói là phân loại được gần hết thực lực của học sinh bởi hơn ai hết các em hiểu rõ sức mình và mục đích của bản thân.
"Đây cũng là cứu cánh cho Bộ vì nếu ngay bây giờ tổ chức kỳ thi quốc gia và trông chặt như thi đại học, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của học sinh còn dưới 50%. Hy vọng là giải pháp quá độ này nhanh chóng chấm dứt và trong vòng 4 năm tới, kỳ thi quốc gia sẽ phản ánh 100% khả năng của học sinh", anh kỳ vọng.
Thanh Hùng cũng thấy việc thay đổi của Bộ GD là ổn. Nếu học sinh tự tin thì không sao, còn đối với những bạn tự ti sẽ gặp thiệt thòi. Sau khi thi xong, học sinh sẽ biết mình hợp với trường nào, như vậy tốt hơn so với việc học dở mà đòi vào trường có điểm đầu vào cao, giảm thiểu số lượng rớt ĐH, CĐ.