Năm 2022, xét điểm học bạ là một trong những phương thức tiếp tục được đa số trường đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào, với chỉ tiêu chiếm tỷ trọng khá lớn. Đây là phương thức luôn thu hút sự quan tâm từ phụ huynh, thí sinh bởi sự nhanh chóng, thuận tiện. Các trường cũng chủ động nhận hồ sơ sớm để thu hút thí sinh, nhất là những em học lực giỏi.
Xét tuyển sớm, chia nhỏ nhiều đợt
Từ ngày 15/2, ĐH Công nghệ TP.HCM đã tổ chức nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 vào 59 ngành đào tạo trình độ ĐH chính quy.
Do triển khai sớm nên trường áp dụng hai hình thức là xét theo tổng điểm ba học kỳ (học kỳ 1 và học kỳ 2 của lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12) và xét theo tổng điểm trung bình tổ hợp ba môn năm học lớp 12. Cả hai hình thức đều có mức điểm nhận hồ sơ từ 18 điểm.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng học bạ năm 2022 tại ĐH Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Ngọc Phương. |
Theo Th.S Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng Phòng truyền thông của trường, do dịch bệnh, hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ năm nay chủ yếu thông qua trực tuyến. Sau gần hai tuần, đã có hơn 300 thí sinh quan tâm nộp hồ sơ xét tuyển vào trường và trường sẽ nhận hồ sơ đợt 1 đến ngày 31/3.
Những ngành học thu hút thí sinh nhiều năm nay tập trung ở nhóm ngành công nghệ thông tin hoặc liên ngành, tích hợp, như Ôtô, Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử, Marketing, Digital marketing, Dược học.
Đáng nói, trường dự kiến sẽ có tám đợt xét tuyển, mỗi đợt kéo dài 15 ngày và đợt cuối kết thúc vào giữa tháng 9.
Lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cũng để sớm hút thí sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng lần đầu tiên nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ đầu tháng 1.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, cho biết trường xét học bạ sớm dựa trên trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của ba năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12. Điểm xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Còn từ tháng 5, trường sẽ bổ sung hình thức tính tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển.
"Năm nay, thí sinh quan tâm nhiều đến xét học bạ vì thủ tục gọn nhẹ nhưng thời điểm này các em nộp hồ sơ chưa nhiều. Do học phí của các trường đều cao nên thí sinh cân nhắc nhiều hơn về chọn trường, chọn ngành, thậm chí băn khoăn cả thu nhập sau khi ra trường", ông Sơn chia sẻ.
Không chỉ nhận hồ sơ xét tuyển sớm từ đầu tháng 1, để thu hút, ĐH Gia Định còn khuyến khích thí sinh bằng cách dành 300 suất học bổng (10% học phí) dành cho các thí sinh nộp hồ sơ sớm.
Yêu cầu xét học bạ của trường là thí sinh phải có điểm trung bình ba học kỳ (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12) đạt từ 16,5 điểm trở lên đối với chương trình đại trà, đạt từ 18 điểm trở lên đối với chương trình tài năng.
Th.S Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng trường, cho biết đây là phương thức được phụ huynh, thí sinh lựa chọn nhiều năm nay, nhất là trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Bởi đây là cơ hội để thí sinh có sự lựa chọn an toàn, tăng cơ hội trúng tuyển sớm vào ngành học yêu thích.
Lưu ý tiêu chí đi kèm, tránh "chọn đại"
Mặc dù năm nay các trường dành chỉ tiêu khá lớn cho xét tuyển học bạ, nhất là những trường ngoài công lập, thế nhưng các trường đều có những cách thức, tiêu chí đi kèm để sàng lọc được năng lực thí sinh.
Như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, từ ngày 1/3 tới 6/6 bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT. Trường sẽ xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ năm học kỳ (trừ học kỳ 2 của lớp 12) của từng môn theo tổ hợp từ 7 trở lên (có ba môn) vào học hệ chất lượng cao hoặc đại trà.
Tuy nhiên, trường lưu ý mỗi thí sinh được đăng ký nhiều diện nếu thỏa điều kiện, mỗi diện xét tối đa 20 nguyện vọng (theo thứ tự ưu tiên giảm dần), mỗi mã ngành chỉ đăng ký một tổ hợp có điểm cao nhất.
Và dù cùng một phương thức nhưng điểm trúng tuyển sẽ khác nhau theo ba nhóm trường, gồm học sinh trường THPT chuyên, trường thuộc top 200 và nhóm trường còn lại.
ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/3 tới, dựa vào kết quả học tập và thành tích bậc THPT theo quy chế riêng của trường. Tuy nhiên, trường chỉ áp dụng với người tốt nghiệp THPT trong ba năm từ 2020 đến 2022.
Điều kiện chung để tham gia phương thức này là đạt điểm trung bình học tập ba học kỳ (hai học kỳ của lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12) từ 6,5 trở lên.
Điểm xét tuyển là điểm quy đổi theo điểm trung bình tổ hợp môn ba học kỳ trên đạt từ 72 điểm trở lên (chưa gồm điểm ưu tiên và điểm quy đổi tiêu chí khác).
Gửi lời khuyên đến thí sinh khi tham gia xét tuyển học bạ, Th.S Nguyễn Trần Ngọc Phương (ĐH Công nghệ TP.HCM), cho rằng do việc dạy học và đánh giá học sinh ở bậc THPT năm nay tương tự năm trước nên mức điểm chuẩn dự kiến cũng không có nhiều thay đổi. Do đó, nếu thí sinh nào đã xác định được ngành học yêu thích thì nên đăng ký sớm, khi sự cạnh tranh xét tuyển chưa vào giai đoạn cao nhất để tăng cơ hội trúng tuyển hơn.
Xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm mạnh
Ba năm gần đây, khi các trường đại học ngày càng tăng tự chủ trong tuyển sinh, nhiều phương thức xét tuyển mới được triển khai và chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ngày một giảm.
Cụ thể, năm 2022, theo phương án tuyển sinh của các trường đại học, mỗi trường trung bình có 4 đến 7 phương thức xét tuyển. Trong đó, chỉ tiêu được nhiều trường tăng mạnh cho những phương thức riêng để tuyển được thí sinh phù hợp và chất lượng hơn, như thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp.
Như ĐH Bách khoa Hà Nội giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT 80%-85% xuống còn 10%-20%; ĐH Giao thông Vận tải giảm từ hơn 80% xuống còn gần 50% chỉ tiêu; ĐH Kinh tế Quốc dân cũng giảm từ hơn 80% còn chỉ 10%-15%; các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM dành 30%-70% chỉ tiêu cho xét điểm đánh giá năng lực, kế đến mới là xét điểm thi tốt nghiệp THPT.