Theo báo cáo của Ban giám hiệu trường Tiểu học Tuy Lai A (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), vào khoảng 9h sáng 24/10, trong giờ ra chơi, em Hoàng Gia Huy (học sinh lớp 2B, sinh năm 2012) cùng một 2 bạn học sinh khác ra khu vực bãi cỏ, phía sau trường bất ngờ vướng vào dây điện, bị giật dẫn đến tử vong.
Đoạn dây điện bị võng xuống đất, có thể là nguyên nhân gây tử vong cho học sinh. Ảnh: Giáo dục & Thời đại. |
Nhà trường cho rằng đoạn dây điện này bị rơi vào tối ngày 23/10 do một trận mưa lớn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản ánh rằng đoạn dây điện này đã bị võng xuống trong một thời gian dài mà nhà trường không có biện pháp xử lý.
Liên quan đến sự việc, đại diện Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết: Đơn vị đã cho kiểm tra, xác minh nội dung "dây điện bị đứt" được nêu và khẳng định dây điện này là dây điện sau công tơ, thuộc phạm vi quản lý và trách nhiệm của nhà trường.
Sự việc xảy ra là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các trường học trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm yêu cầu các nhà trường cần kiểm tra hệ thống điện, ban công, cầu thang và một số vị trí khác có thể gây nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho học sinh, không để những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn trong trường học và phòng, chống bạo lực học đường. Trong công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc phòng, chống tai nạn thương tích HSSV.
Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15/4/2010 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non; Quyết định số 4458/QĐ-BGDĐT ngày 22/8/2007 quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông.
Bộ yêu cầu các nhà trường, các cơ sở giáo dục kịp thời sửa chữa, hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn có nguy cơ xảy ra tai nạn, nhằm đảm bảo an toàn đối với HSSV.
Đầu năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 3593/ SGDĐT-CTTT về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông năm học 2019-2020.
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội giao Hiệu trưởng các nhà trường chủ động dành thời gian 1 buổi tập huấn đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên về tăng cường kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay và quán triệt đầy đủ nội dung những văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học.
Các nhà trường cần kiểm tra cơ sở vật chất (tường bao, móng, trần, tường, cống rãnh, máng, cây xanh…), hệ thống điện phát hiện các nguy cơ mất an toàn có biện pháp khắc phục kịp thời, không để xảy ra tai nạn thương tích trong trường học. Rà soát các điều kiện chiếu sáng, bàn, ghế, bảng… đảm bảo đúng quy định.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Mỹ Đức cũng cho biết đã có công văn gửi các trường học, lưu ý việc đảm bảo an toàn cho học sinh. Phòng đã yêu cầu các trường phải thường xuyên rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Sau vụ việc, huyện Mỹ Đức đã lập tức yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn huyện (tổng số 79 trường từ mầm non đến THCS) tăng cường tổ chức rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc đơn vị mình nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
Vụ việc xảy ra là tai nạn đáng tiếc và cần chờ kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân của sự việc. Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Sự việc là bài học lớn đối với các trường học cả nước để tránh những sự việc đáng tiếc sẽ có thể xảy ra.