Kiến nghị cho học sinh, sinh viên cả nước nghỉ đến hết tháng 3 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 của UBND TP.HCM nhận được sự chú ý của người dân cả nước.
Dù thận trọng, đại diện nhiều sở GD&ĐT địa phương cho rằng sẽ khó lòng cho học sinh cả nước cùng nghỉ hết tháng 3, bởi Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt.
"Rất khó để học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3"
Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết UBND tỉnh sẽ quyết định thời gian đi học lại của học sinh trong tỉnh, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.
Hiện tại, tâm lý của giáo viên, phụ huynh, học sinh đều mong muốn cho con sớm đi học, nếu tình hình dịch bệnh tích cực. Vì vậy, Quảng Bình mong muốn lãnh đạo các cấp sớm có quyết định về việc này.
“Dịch bệnh được kiểm soát tốt, nên xem xét cho học sinh đi học trở lại. Không phải cứ có dịch là chúng ta đóng cửa tất cả mọi việc”, người này nói.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, với tình hình địa phương hiện nay, sở Y tế và sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh quyết định cho học sinh trở lại trường vào đầu tháng 3.
“Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, công tác kiểm soát dịch tốt. Một số trường hợp trở về từ vùng có dịch đã hết thời gian cách ly, không bị nhiễm bệnh. Sáng 21/2, tại hội nghị toàn ngành, chúng tôi quán triệt tinh thần có thể tuần tới sở GD&ĐT và sở Y tế sẽ kiểm tra điều kiện an toàn trường học. Nếu không có vấn đề xảy ra, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh cho học sinh đi học lại”, ông Tân nói.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho rằng rất khó để học sinh cả nước cùng nghỉ hết tháng 3. Bộ GD&ĐT có thể đưa ra hướng giải quyết thích hợp cho TP.HCM và các địa phương khác.
“Có thể Bộ GD&ĐT sẽ cho mốc thời gian kết thúc năm học muộn hơn và thời điểm thi THPT quốc gia lùi lại vào giữa tháng 7 hoặc cuối tháng 7 như đề xuất của TP.HCM. Như vậy, các địa phương, tùy tình hình thực tế mà cho nghỉ đến hết tháng 3, hay tổ chức đi học trở lại. Nơi nào đi học và kết thúc năm học sớm hơn thì học sinh có thời gian nghỉ, ôn tập chuẩn bị dài hơn, nhưng vẫn đảm bảo học sinh 63 tỉnh, thành thuận lợi bước vào kỳ thi THPT quốc gia”, ông Tân đề xuất.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, thông tin theo thông báo từ trước, học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ đi học lại từ ngày 2/3. Đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh của tỉnh khá tốt, chưa có vấn đề gì phát sinh nên nhiều khả năng các em sẽ trở lại trường như dự kiến.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định, nói sở tiếp tục theo dõi, 3-5 ngày tới có ý kiến tham mưu UBND tỉnh về việc học sinh có quay lại trường không.
Học sinh nghỉ dài ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động của ngành giáo dục và xã hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chuẩn bị tốt đón học sinh đến lớp
Ông Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho rằng dịch bệnh kéo dài gần hai tháng, nếu cứ sợ hãi, cho học sinh ngồi nhà chờ hết dịch, sẽ không biết đến khi nào.
"Học sinh cả nước đã nghỉ ba tuần. Không có bất kỳ học sinh, giáo viên nào trong cả nước nhiễm Covid-19. Bốn ngày gần đây, cả nước không phát hiện thêm bệnh nhân", ông Vĩnh phân tích và cho rằng đây là thời điểm an toàn để học sinh đến lớp.
Theo ông, hoạt động của học sinh, đặc biệt các em mẫu giáo và tiểu học, không chỉ ảnh hưởng ngành giáo dục mà còn ảnh hưởng cả xã hội.
Trên cơ sở những thông tin chính thức của Bộ Y tế cho thấy học sinh, giáo viên không cần thiết phải nghỉ học đến hết tháng 3. Nếu tiếp tục lo lắng, cho học sinh nghỉ, chúng ta sẽ nghỉ đến hết năm 2020.
Hiệu trưởng trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang
"Ai sẽ chăm sóc các em? Đặc biệt, hàng triệu công nhân đứng máy tại các khu công nghiệp không thể ở nhà để điều khiển máy móc, cũng không thể xin nghỉ làm vài tuần để trông con. Nhiều người cũng không thể nhờ cậy ông bà. Họ sẽ giải quyết khó khăn bằng cách nào?", ông Vĩnh nêu câu hỏi.
Ông khẳng định sức khỏe của người dân là quý giá nhất, nhưng cách thận trọng quá mức là thiếu hợp lý và thiếu khoa học.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) - học sinh hoàn toàn có thể quay lại trường vào ngày 24/2. Bởi theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 16 bệnh nhân nhiễm bệnh Covid-19, 15 người đều đã khỏi bệnh, chỉ còn một ca đang theo dõi, chưa có bệnh nhân nào tử vong. Từ ngày 13/2, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh mới.
Với những kết quả tích cực này, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng các địa phương có thể tự tin đón học sinh quay trở lại trường.
“Trên cơ sở những thông tin chính thức của Bộ Y tế cho thấy học sinh, giáo viên không cần thiết phải nghỉ học đến hết tháng 3. Nếu tiếp tục lo lắng, cho học sinh nghỉ, chúng ta sẽ nghỉ đến hết năm 2020”, thầy Khang nêu quan điểm.
Hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng nếu tiếp tục cho học sinh nghỉ học kéo dài sẽ không có quỹ thời gian bổ sung để học bù và thời gian kết thúc năm học sẽ thay đổi nhiều, ảnh hưởng mốc của các kỳ thi chuyển cấp.
Học sinh nghỉ dài ngày cũng sẽ tạo ra các hệ lụy: Nhiều giáo viên trường tư thục thất nghiệp, bố mẹ lúng túng trong cách chăm sóc, giáo dục con… Do đó, ông đề xuất sớm quyết định cho học sinh trở lại trường.
Bộ GD&ĐT xem xét cho học sinh, sinh viên đi học từ ngày 2/3
Sáng 21/2, tại cuộc họp Ủy ban quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thời gian qua, các trường học tiến hành các biện pháp phòng dịch, tiêu trùng khử độc nhiều lần. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp Bộ Y tế xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo người học đến trường an toàn.
Theo quy định, chỉ địa phương có dịch mới được cho học sinh, sinh viên nghỉ. Việc kéo dài thời gian nghỉ học sẽ rất khó khăn thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo. Bộ GD&ĐT đang xem xét phương án cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3 tới.
Trên cơ sở xem xét phân tích điều kiện thực tiễn công tác phòng chống dịch, điều kiện về y tế và kinh nghiệm các nước, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng tình với đề xuất cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đối với các trường hợp như học sinh THPT, các cháu đã lớn, có ý thức và tự chăm sóc được bản thân, có thể tổ chức cho đi học trở lại ngay tuần tới để tránh ảnh hưởng tới việc học tập, thi cử.