Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh chán Văn, nhầm Nam Cao thành tử tù

Có học sinh nhầm lẫn nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân thành nhà văn nên viết: “Nam Cao có chữ viết rất đẹp khiến cho người cai ngục phải cúi đầu”.

79,7% giáo viên  cho biết, học sinh  có tâm lý chán học môn Văn. 80% học sinh thì cho rằng, phương pháp dạy Văn chủ yếu là đọc chép và diễn giảng truyền thụ áp đặt. Đây là kết quả khảo sát của ông Chử Văn Lịch, Ủy viên ban chấp hành Hội khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện trên 207 giáo viên và 2.655 học sinh THPT trên địa bàn tỉnh.

Giáo viên nêu các tình huống giả định để học sinh được tiếp cận tác phẩm, trình bày ý kiến riêng của mình, đây là một trong những cách dạy văn gây hứng thú cho học sinh. Hình ảnh một giờ học Văn tại trường THPT Nguyễn Huệ (TP.Vũng Tàu).

Theo ông Chử Văn Lịch, trước khi tiến hành cải cách giáo dục, việc dạy học môn Văn trong nhà trường phổ thông khủng hoảng cả về mục tiêu, nội dung và phương pháp. Nhiều năm nay ngành GD-ĐT đã đổi mới phương pháp dạy và học môn Văn nhưng vẫn chưa đem lại kết quả khả quan. Giáo viên chưa thoát khỏi lối mòn của phương pháp truyền thống, việc vận dụng cách mới hay ứng dụng công nghệ thông tin còn rập khuôn máy móc.

Học sinh chán Văn

Một số ý kiến thì cho rằng tình trạng học sinh lười và chán học môn Văn do nhiều tác động từ bối cảnh xã hội như tâm lý xem nhẹ văn chương, ảnh hưởng từ truyền hình, internet... 

Các số liệu thống kê những năm học gần đây cho thấy, đa số học sinh lựa chọn ban khoa học tự nhiên, hay ban cơ bản tự chọn các môn Toán, Lý, Hóa. Trong các kỳ tuyển sinh CĐ, ĐH, tỷ lệ học sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu đăng ký thi khối C chỉ 1% - 2%. 

Hơn nữa, học sinh ngày càng xa rời văn hóa đọc. Nhiều em không có thói quen đọc sách mà chỉ say mê với phim ảnh, truyện tranh và internet. Một tập truyện ngắn phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi cũng không thu hút các em bằng các tập phim truyền hình hay vào các trang mạng xã hội Facebook, Youtube...

Nhiều giáo viên cho biết, khả năng cảm thụ văn học của học sinh ngày càng kém. Vì vậy, nhiều em thường có những nhầm lẫn ngô nghê trong các bài văn. Chẳng hạn, miêu tả nhân vật trong tác phẩm Người lái đò sông Đà có học sinh viết: “Ông lái đò có hai cánh tay lực lưỡng, khi con sóng đến ông lấy hai tay che bộ hạ”, hay nhầm lẫn nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân thành Nam Cao nên viết: “Nam Cao có chữ viết rất đẹp khiến cho người cai ngục phải cúi đầu”…

Cần đổi mới toàn diện

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có những hạn chế về nội dung chương trình SGK đang được Bộ GD-ĐT phân tích, đánh giá. Đây cũng là giai đoạn Bộ GD-ĐT soạn thảo đề án đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận xét, chương trình chưa nhất quán theo một trục qua các cấp học, nội dung còn nhiều trùng lặp, tính tích hợp giữa các hợp phần càng lên các lớp trên càng mờ nhạt. Chương trình và SGK vẫn nặng tính hàn lâm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh, nhất là phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo. Nhiều bài học trong SGK, nhất là ở các lớp trên, nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Thời lượng dành cho một số nội dung học tập chưa hợp lý.

Hầu hết tác phẩm dạy trong SGK THCS, THPT tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời quá lâu, nhiều tác phẩm không phù hợp với tâm lý của học sinh hiện nay. Mặc khác, việc kiểm tra đánh giá vẫn chủ yếu là kiểm tra kiến thức nhớ, tái hiện, làm theo, chép lại... học tác phẩm nào thi đúng tác phẩm đó, chưa đánh giá đúng được sự vận dụng kiến thức của học sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, định hướng đổi mới SGK sắp tới của Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn thay đổi cấu trúc môn học và cách biên soạn SGK, tuyển chọn các văn bản theo hướng phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, phục vụ có hiệu quả cho việc rèn luyện các kỹ năng (không phân biệt giai đoạn, thời kỳ, trong và ngoài nước). Vấn đề lịch sử văn học sẽ được hệ thống hóa ở các lớp cuối cấp, các chuyên đề chuyên sâu chỉ dành cho học sinh giỏi; các tri thức lý luận văn học sẽ được tích hợp vào quá trình dạy đọc văn và dạy viết văn nhằm nâng cao tính thiết thực, tránh lý thuyết hàn lâm…

Bên cạnh đó, phương pháp dạy học cần được đổi mới mạnh mẽ. Ông Chử Văn Lịch đề xuất: “Xây dựng mối quan hệ giao tiếp trong giờ học văn, trong đó học sinh là chủ thể giao tiếp với tác phẩm, giáo viên là trung gian hướng dẫn học sinh tiếp cận tác phẩm trên các phương diện cuộc sống của tác phẩm, nhân vật, các thế hệ độc giả, nhà văn và nhà giáo. Giáo viên có thể đưa ra các tình huống giả định khi phân tích, tìm hiểu các phương diện của tác phẩm, tạo cho học sinh cơ hội phát biểu ý kiến, cảm nghĩ. Bên cạnh đó, kết hợp với các phương tiện nghe nhìn, Thầy cô có thể giúp người học hình tượng hóa nhân vật, bối cảnh diễn biến tác phẩm bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói... để tạo sự kích thích, gây ấn tượng với học trò”.

Còn cô Đỗ Thị Thùy Dương, dạy Văn trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn cho rằng, cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo hướng gợi mở, gắn với các vấn đề cuộc sống, gây hứng thú sáng tạo và yêu thích tìm hiểu văn học. Thay vì rập khuôn các dạng đề văn theo mô tuýp thông thường, giáo viên có những đề văn “mở”, tạo không gian thoáng cho học sinh trình bày suy nghĩ riêng của mình.

 

http://infonet.vn/hoc-sinh-chan-van-nham-nam-cao-thanh-tu-tu-post116506.info

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Bạn có thể quan tâm