Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh chế mô hình Su-37: 'Không phải mua về là bay được'

"Sơn rất có năng khiếu, mọi người đừng vội phán xét. Chúng ta có thể mua sẵn linh kiện, nhưng để mô hình bay được hoàn toàn không đơn giản", anh Nguyễn Mạnh Cường cho hay.

Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ clip ghi lại cảnh học sinh lớp 11 tại Bắc Giang cho chạy thử mô hình máy bay điều khiển từ xa mô phỏng Su-37 tự chế.

Trong vài phút, chiếc máy bay mô hình lao vút lên bầu trời với tốc độ 70-80 km/h. Nó còn có thể nhào lộn trên không và hạ cánh an toàn.

Màn biểu diễn nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn trên các diễn đàn. Bên cạnh ý kiến ngưỡng mộ nam sinh này, không ít người cho rằng đây là sản phẩm sẵn có trên thị trường.

Màn trình diễn mô hình máy bay thu nhỏ Su - 37 của nam sinh lớp 11 Chiếc máy bay điều khiến từ xa của Sơn - cậu học trò lớp 11 tại Bắc Giang có thể bay với tốc độ từ 70 - 80 km / h.

Mua về lắp ghép là bay được

Chủ nhân chiếc máy bay gây chú ý trên mạng là Ưng Sĩ Sơn, học sinh lớp 11A13, trường THPT Lục Ngạn Số 1, Bắc Giang.

Sơn cho biết cậu đam mê chế mô hình máy bay RC (điều khiển từ xa) từ khi còn nhỏ. Đến năm lớp 9, cậu mới có cơ hội tiếp xúc với thể loại máy bay này và biến ước mơ thành hiện thực.

Những ngày đầu, nam sinh Bắc Giang lên mạng tìm kiếm các câu lạc bộ mô hình RC để tìm hiểu và tự học hỏi.

Sau hơn một năm tích góp tiền trích từ quà ăn sáng mẹ cho, Ưng Sĩ Sơn đã mua được bộ linh kiện điện để lắp ráp và tạo nên chiếc máy bay mô phỏng Su-37. Tuy nhiên, việc điều khiển sản phẩm rất khó, không phải ai cũng thành công.

Ban đầu, Sơn vượt 40 km đến nhà một người anh cùng đam mê, học hỏi cách chế tạo điều khiển và phương thức hoạt động. Chỉ vài ngày sau, cậu đã có thể làm cho sản phẩm của mình tự bay được.

Hoc sinh che tao mo hinh may bay Su 37 anh 1
Ưng Sĩ Sơn cùng chiếc máy bay thu nhỏ mô phỏng loại Su-37.

Tuy nhiên, sau khi xem đoạn video trình diễn máy bay của Sơn trên mạng, nhiều người lại nhận xét đây là sản phẩm bán sẵn tại thị trường, không mang tính sáng tạo.

Võ Hồng Sơn bình luận: "Mình không ghen tỵ gì đâu, nhưng thời buổi bây giờ làm mấy cái mô hình thế này dễ lắm. Các bạn chỉ cần đi mua linh kiện về và lắp ráp thôi. Mọi thứ bán sẵn hết rồi, thêm chút sáng tạo, bạn có thể chế ra những thứ còn hơn như thế".

Đồng tình với ý kiến trên, Hùng Mạnh cho rằng việc điều khiển máy bay mô hình khá bình thường, không có gì đáng khen ngợi.

"Bản vẽ các mô hình này không thiếu trên mạng. Mọi người cắt xốp theo mẫu rồi làm. Phần mạch điện cần một người chỉ bảo một hôm là lắp ráp được. Những người không biết thường tưởng rằng việc này cao siêu lắm", tài khoản này viết.

Để giải đáp thắc mắc của dân mạng, Ưng Sĩ Sơn cho hay chiếc máy bay mô hình Su-37 được chế theo hình dáng của bản thật, tốc độ hoạt động khoảng 70-80 km/h. Đây là sản phẩm được những người chuyên chơi gọi là máy bay mô hình RC.

“Sản phẩm này có bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, để bay được như của mình không phải chuyện đơn giản. Mình không quá bận tâm về những ý kiến trái chiều trên mạng”, Sơn bày tỏ.

Nam sinh lớp 11 cho biết thêm cậu chỉ muốn giới thiệu với mọi người về trò chơi RC này. Bên cạnh đó, cậu cũng hy vọng có thể giúp đỡ các đơn vị quân đội sử dụng máy bay thu nhỏ như một trang thiết bị diễn tập.

Không phải ai cũng làm được

Trước các bình luận khác nhau về sản phẩm của Ưng Sĩ Sơn, anh Nguyễn Mạnh Cường - người có ba năm kinh nghiệm chơi máy bay mô hình RC - chia sẻ: “Tôi khẳng định 100% rằng người mới mua máy bay về mà chưa chơi bao giờ sẽ không thể bay như vậy.

Mua linh kiện là một chuyện, việc mày mò lắp ghép để cài đặt thành những cơ cấu lái khác nhau là điều không phải ai cũng làm được”.

Theo anh Cường, cách đây ba năm, máy bay mô hình RC rộ lên tại miền Bắc. Ở miền Nam, trò chơi này đã xuất hiện khoảng chục năm trước. Các loại mô hình đều được chế tạo dựa trên máy bay thật. Những người có kinh nghiệm chơi nhiều mới có thể làm cho sản phẩm của mình bay với tốc độ cao.

Anh Cường nhận định Sơn là người rất có năng khiếu và nhanh nhẹn. Anh chỉ cho nam sinh này hai ngày là cậu đã thực hiện màn bay thành công.

“Sơn điều khiển mô hình rất tốt, làm chủ được sản phẩm. Khi mới chơi, tôi phải mất hàng tháng trời mới bay được như vậy”, người đàn ông này nói.

Hoc sinh che tao mo hinh may bay Su 37 anh 2
Các loại máy bay mô hình của nam sinh lớp 11 tại Bắc Giang.

Cùng chung quan điểm với anh Nguyễn Mạnh Cường, nhiều dân mạng cho rằng Sơn có năng khiếu và ham học hỏi. Tài năng của nam sinh lớp 11 rất đáng khen ngợi.

Lê Lâm bình luận: "Mình có chơi loại máy bay này. Thật sự chơi rất khó, nhất là khi điều khiển máy bay. Dòng RC bay nhanh, độ chính xác tùy vào người có trình chơi như thế nào. Em rất có năng khiếu, chúc mừng em!".

"Em này giỏi quá, mới học lớp 11 đã tự mày mò chế tạo được như vậy. Cá nhân tôi luôn đánh giá cao những học sinh giỏi thực tiễn hơn lý thuyết. Chúc em thành công và sáng tạo hơn nữa", Trần Tâm viết.

Bất bình trước những ý kiến tiêu cực trên mạng, tài khoản Mạnh Lê cho biết anh cũng là người chơi máy bay mô hình và khẳng định không phải ai cũng làm được như học sinh trên.

“Nhiều người không hiểu gì mà ngồi 'cào' bàn phím như thật. Các bạn không động viên người ta, chỉ giỏi bình luận chủ quan. Tôi thấy em ấy rất có kiến thức thực tiễn và nên được nuôi dưỡng tài năng”, thành viên này nói.

Trao đổi với Zing.vn, Ưng Sĩ Sơn cho hay cậu được đánh giá có năng khiếu về điện từ nhỏ. Hiện nay, mọi đồ điện hỏng hóc trong nhà đều do một tay nam sinh sửa chữa. Chàng trai đang có 4 chiếc mô hình của các loại máy bay Su. Ngoài máy bay, cậu còn chế ôtô, cánh tay robot tương tự bản thật.

"Mình muốn làm nhiều thứ lắm nhưng chưa có nguyên vật liệu. Cơ cấu những sản phẩm này gần giống cái có sẵn. Tuy nhiên, sản phẩm có sẵn được chế tạo bằng máy móc, còn mình làm bằng tay với vật liệu như gỗ, tre", Sơn tâm sự.

Trong tương lai, nam sinh Bắc Giang ước mơ được làm những công việc liên quan đến chế tạo điện, điện tử.

Học sinh lớp 11 chế mô hình thu nhỏ máy bay Su-37

Ưng Sĩ Sơn đã chế thành công mô hình thu nhỏ của chiếc máy bay Su-37 bằng cách mày mò, lắp ráp từ những linh kiện điện tử mua sẵn, tự tạo vỏ và điều khiển.

Hàn Triệt

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm