Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh chọn ngành: 'Bịt mắt' vào mê cung

Ở các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc…, chương trình hướng nghiệp là một phần thiết yếu tại các trường trung học và đại học.

Một cuộc thăm dò của Falmi (Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, thuộc Sở LĐTBXH TP.HCM) mới đây cho thấy cứ 4 học sinh đăng ký thi ĐH, CĐ thì có 3 em không hiểu gì về ngành nghề mình chọn.

Bịt mắt vào mê cung ngành học

Ngành nghề là lựa chọn mang tính quyết định, có ảnh hưởng lớn đến tương lai của học sinh.

P. Anh, 19 tuổi, sinh viên ngành truyền thông, bày tỏ: “Mình chọn học ngành truyền thông, quảng cáo vì thích được làm việc trong môi trường sáng tạo. Vào học rồi mới biết truyền thông không chỉ là đưa ra ý tưởng, mà còn phải thuyết phục được khách hàng chấp nhận ý tưởng, rồi đảm bảo ý tưởng đi đúng hướng khi đưa vào thực tế… Thời gian đầu mình cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cứ ước gì mình đã chuẩn bị kỹ hơn để khỏi bỡ ngỡ khi vào học”.

Cô bạn là một ví dụ trong số hàng ngàn bạn trẻ chọn ngành chỉ vì sở thích đơn thuần hoặc chạy theo xu hướng chung mà không có sự tìm hiểu kỹ càng. Thực tế, ngành nghề là lựa chọn vô cùng quan trọng, quyết định con đường sự nghiệp cả đời của các em. Sự băn khoăn, mù mờ từ bước chọn ngành sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như phí phạm thời gian, công sức học tập, không khai thác được tiềm năng của bản thân, dễ gặp khó khăn và nản chí khi đi làm…

Hướng nghiệp cho học sinh: tư vấn cá nhân bị bỏ ngỏ

Các em được khuyến khích tự tìm hiểu về bản thân, thị trường nghề nghiệp để có thể lựa chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng tương lai. Học sinh có băn khoăn về nghề nghiệp đều có thể tìm đến phòng hỗ trợ hướng nghiệp để được tư vấn riêng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, công tác tư vấn hướng nghiệp vẫn còn bị bỏ ngỏ, chỉ dừng lại ở các buổi trao đổi, hỏi đáp tập thể do đoàn thanh niên hoặc giáo viên phụ trách. Hình thức tư vấn chung này thường bỏ sót những học sinh có hoàn cảnh, nhu cầu riêng. Chưa kể, công tác hướng nghiệp cũng đòi hỏi người phụ trách phải có bằng cấp, chuyên môn cao để có thể dẫn dắt các em tìm câu trả lời về nghề nghiệp tương lai.

Nói về vai trò của tư vấn hướng nghiệp, cô Phoenix Hồ, thạc sĩ Quản trị giáo dục, thạc sĩ tư vấn (chuyên ngành Tư vấn hướng nghiệp), hiện công tác tư vấn hướng nghiệp tại ĐH RMIT Việt Nam, cho biết: “Hoạt động tư vấn nghề nghiệp dành cho học sinh, sinh viên rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cả đời người. Ở ngưỡng cửa vào đời, các em cần phải làm những quyết định rất quan trọng như đi học tiếp hay đi làm, học nghề hay học chữ, sẽ theo những nghề nghiệp nào, sẽ phát triển tương lai ra sao...”.

Cô Phoenix Hồ trong một buổi tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên trường ĐH RMIT Việt Nam.

ĐH RMIT Việt Nam cũng là một trong những trường tiên phong trong việc đầu tư mô hình hướng nghiệp quốc tế. Tại đây, phòng hướng nghiệp sẽ hỗ trợ học sinh từ trước khi các em tham gia học chính thức qua các buổi tư vấn cá nhân để tìm hiểu bản thân. 

Trong quá trình học tại trường, sinh viên sẽ được tham gia các lớp phát triển kỹ năng mềm, hướng dẫn viết CV xin việc, phỏng vấn, tạo mối quan hệ… Sau khi tốt nghiệp, những cựu sinh viên gặp vấn đề trong hướng đi nghề nghiệp vẫn có thể tìm đến phòng để được tư vấn, tâm sự.

Phoenix chia sẻ: “Điều quan trọng nhất của một người làm tư vấn hướng nghiệp là không cho học sinh câu trả lời, mà phải giúp các em tìm ra câu trả lời cho bản thân, từ đó dù trên chặng đường nghề nghiệp sau này gặp phải khó khăn, vất vả bao nhiêu các em cũng vững vàng xử lý được”.

Kết

Câu chuyện học sinh bịt mắt đi vào mê cung ngành nghề chỉ có thể được giải quyết khi công tác hướng nghiệp được quan tâm, đầu tư đúng mức. Bản thân học sinh cũng nên chủ động tìm hiểu về bản thân và thực tế ngành nghề để tránh lạc lối trong việc định hướng tương lai.

Tư liệu: RMIT

Bạn có thể quan tâm