Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh có nên 'chấm điểm' giáo viên?

Kết quả từ ý kiến học sinh là kênh tham khảo để giáo viên điều chỉnh tốt hơn, không nên sử dụng làm tiêu chí đánh giá, xếp loại.

Trường THPT Yên Khánh A, Ninh Bình, đã thực hiện việc lấy ý kiến học sinh về giáo viên 3 năm nay. Chia sẻ về cách làm của nhà trường, cô Nguyễn Thị Quỳnh Nhung cho biết thầy hiệu trưởng là người trực tiếp phát phiếu lấy ý kiến về giáo viên cho học sinh rồi thu lại, không cho bất kỳ giáo viên nào đọc; sau đó, trực tiếp tổng hợp thông tin.

Những giáo viên có vấn đề cần trao đổi được hiệu trưởng gặp riêng, góp ý trên tinh thần xây dựng. Nếu giáo viên thay đổi theo chiều hướng tốt thì không có vấn đề gì; nhưng liên tiếp các năm mà học sinh vẫn giữ ý kiến đó, giáo viên sẽ bị Ban giám hiệu nhắc nhở trước Hội đồng sư phạm.

cham diem giao vien anh 1
Việc lấy ý kiến học sinh về giáo viên đã và đang được không ít nhà trường triển khai. Ảnh: Minh họa. 

“Giáo viên không phải toàn mỹ, nên hầu như không có giáo viên nào là không có ý kiến này, ý kiến kia từ học sinh. Giáo viên bị phản ánh đều thực sự có vấn đề cần sửa đổi” - cô Nhung chia sẻ.

Từ thực tế, cô Nhung cho rằng cách làm của nhà trường đã khiến bản thân mình và đồng nghiệp có những thay đổi tích cực. Dù ban đầu giáo viên có thể cảm thấy khó chịu, nhưng thông tin tiếp nhận từ học sinh giúp giáo viên nhận diện, sửa chữa hạn chế của mình, từ đó hoàn thiện bản thân, đem lại những lợi ích tốt nhất cho học sinh. Tuy nhiên, theo cô Nhung, phiếu “chấm điểm” chỉ nên để tham khảo giống cách trường mình đang làm; nếu lấy đó để làm tiêu chí đánh giá, so sánh, xếp loại giáo viên lại là một áp lực; đôi khi tạo tác dụng ngược, làm giảm tình yêu nghề của giáo viên.

Một giáo viên đang giảng dạy tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khi được hỏi về vấn đề này bày tỏ quan điểm, giáo viên nói riêng, xã hội nói chung cần thay đổi quan niệm thầy cô luôn đúng, thầy nói gì trò cũng phải nghe theo. Trẻ cần được tôn trọng, chia sẻ, cần được người lớn mà ở trường là thầy cô “lắng nghe, thấu hiểu".

“Nhân vô thập toàn”, cả học sinh và giáo viên đều cần nỗ lực, điều chỉnh thì mới cùng phát triển và mang lại hiệu quả giáo dục thực sự. Tuy nhiên, không nên dùng từ “đánh giá” mà có thể dùng cụm từ nào đó phù hợp hơn, ví dụ như: “Con thấy thế nào về thầy cô của mình?".

Theo giáo viên này, khi lấy ý kiến học sinh về giáo viên, điều đặc biệt quan trọng là các câu hỏi. Những câu hỏi đưa ra cần được xây dựng bởi chuyên gia, dựa trên quan điểm giáo dục, khoa học phù hợp văn hóa tôn sư trọng đạo của người Việt và cần hoàn thiện dần theo từng năm; không nên sử dụng bộ câu hỏi “tự phát, tự xây”.

Các câu hỏi cũng không nên mang tính chất định hướng, ví dụ như: “Cô giảng bài có dễ hiểu không?”, mà nên thay bằng: “Trong bài giảng của cô, con thấy thích phần nội dung nào nhất, cử chỉ nào nhất, hay cảm thấy thú vị với điều gì nhất. Cô giáo nên bổ sung thêm điều gì?”.

Những câu hỏi như vậy khiến học sinh phải suy nghĩ cẩn trọng mà không chỉ tích bừa. Việc lấy ý kiến của học sinh cũng nên thực hiện với tất cả các giáo viên, tránh việc phân biệt đối xử.

“Có thể dùng hình thức lấy ý kiến học sinh về thầy cô của mình; nhưng việc này nếu làm không khéo sẽ trở thành 'con dao hai lưỡi'. Phụ huynh, học sinh có thể dẫn tới lạm quyền, gây cản trở trong quá trình giáo dục của nhà trường và của giáo viên; giáo viên có thể phát sinh cảm giác tiêu cực với nghề, dẫn tới thái độ “an toàn, thỏa hiệp”, ngại giáo dục, rèn giũa học sinh”, giáo viên này chia sẻ.

Điểm tổng kết trên 9 của cô gái đa tài trường Amsterdam

Nguyễn Đăng Hoa Huyền tổng kết các môn phần lớn đều trên 9. Trung bình cả năm học lớp 10 cô đạt 8,9. Năm cấp 2 cô đạt tổng kết trung bình là 9,2.


https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hoc-sinh-cham-diem-giao-vien-nen-chang-4035096-b.html

Theo Hiếu Nguyễn/Báo Giáo dục Thời đại

Bạn có thể quan tâm