Vụ hai nữ sinh lớp 8 và lớp 9 bị đánh hội đồng tại quận Hà Đông (Hà Nội) xảy ra ngày 26/12/2020 được quay lại và đăng trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, vì những cú đánh không thương tiếc vào đầu, người nạn nhân.
Trường THCS Tân Long (Hậu Giang). Ảnh: Giáo Dục & Thời Đại. |
Bạo lực từ ánh nhìn, câu nói
Nguyên nhân khiến em Đ.T.T. , HS lớp 9 (trường THCS Phú Cường) bị đánh là do vào can ngăn một nhóm thiếu nữ 10 người đánh em N.K.N. (HS lớp 8 trường THCS Phú Cường). Lý do đánh bạn chỉ là nhìn không thấy thích.
Nhóm HS đánh nữ sinh lớp 7 ở Hậu Giang ngày 15/12/2020 còn tung clip lên mạng xã hội khiến phụ huynh bất an. Nguyên nhân là nữ sinh L.N.M.Th. (HS lớp 7A3, trường THCS Tân Long) cự cãi với một bạn nam học chung.
Sau đó, bạn nam này có nói lại với nhóm nữ sinh. Khi các em nhắn tin qua lại, Th. có xin lỗi nhưng không được chấp nhận. Đến khi Th. vào lớp chưa kịp ngồi xuống bàn thì bị hành hung.
Những vụ việc trên cho thấy tình trạng đánh hội đồng có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, không chỉ HS nam đánh nhau mà xảy ra nhiều vụ nữ sinh đánh hội đồng. Nguyên nhân đôi khi vì nhìn không thích nên đánh, bị nhìn đểu hay “khó chịu” vì bạn xinh và học giỏi cũng… đánh.
Nhiều vụ đánh nhau đi từ “võ mồm” đến dùng tay chân đánh vào đầu, người nạn nhân gây hậu quả nghiêm trọng. Qua các vụ việc có thể thấy, những HS đánh bạn, cả những bạn học chứng kiến, quay clip đều tưởng rằng việc đó là bình thường, không lường hết hậu quả xảy ra với bạn bè và bản thân.
Thiếu hụt kỹ năng
Theo TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, HS đánh nhau, quay lại rồi tung lên mạng xã hội thể hiện lỗ hổng về kỹ năng sống.
Trước hết, các em thiếu kỹ năng ứng phó, giải quyết các tình huống. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giáo dục ý thức cho HS. Trong đó, nhấn mạnh kiến thức và những quy định của luật pháp liên quan hành vi xâm phạm thân thể, làm nhục người khác.
Ngoài học lý thuyết về pháp lý, HS cần được tạo không gian sinh hoạt, vui chơi bổ ích để tạo năng lượng và động lực sống tích cực mỗi ngày. Khi những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng sống được lấp đầy mới hy vọng bạo lực học đường giảm thiểu.
Luật sư Nguyễn Huế
TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh: Xã hội hiện đại luôn đòi hỏi con người cần kỹ năng ứng phó trước những tình huống xảy ra nên rèn luyện cho HS các kỹ năng mềm là nhiệm vụ quan trọng.
Giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho các em kiến thức, thái độ phù hợp, từ đó hình thành hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; tạo cơ hội cho HS có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra hàng ngày.
Đánh bạn vì không vừa lòng, tung clip đánh nhau lên mạng xã hội để “cho vui” chứng tỏ các em chưa hiểu rõ về các quy định trên không gian mạng; hành vi nghiêm cấm cũng như chế tài xử phạt trong việc sử dụng và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Chưa tự trang bị kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội để phục vụ nhu cầu học tập.
Luật sư Nguyễn Huế (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Bên cạnh giáo dục kỹ năng, cần sớm đưa các nội dung giáo dục pháp luật một cách bài bản vào chương trình. Từ đó, giúp học trò hiểu rằng cần phải sử dụng xã hội một cách có chọn lọc, không đăng tải, chia sẻ hình ảnh của người khác mà không xin phép hay những thông tin không đúng sự thật, có lời kích động xúc phạm đến người khác.
“Các em cần được học để phân biệt được hành vi vi phạm pháp luật, hành vi không được phép làm, từ đó có ý thức bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Chung quy của các vi phạm đều là do thiếu hiểu biết dẫn đến hành vi sai trái. Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến giới trẻ vẫn là nhiệm vụ chung của cả gia đình - nhà trường và xã hội”, luật sư Nguyễn Huế nhận định.