Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống trao đổi việc tăng cường kiểm tra, xử lí học sinh và phụ huynh không đội mũ bảo hiểm đến trường.
Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết: Đây là việc làm nhân văn, liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng cho học sinh, cần được toàn xã hội ủng hộ. Bởi hàng năm có hàng ngàn trẻ chết vì tai nạn giao thông với 50% lí do đến từ việc không đội mũ bảo hiểm là con số hết sức đau lòng.
Tại Hà Nội, từ năm học 2012-2013, chúng tôi đã ký quy chế phối hợp giữa giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, giám đốc CA TP Hà Nội và giám đốc sở GTVT Hà Nội, bí thư thành đoàn về phối hợp giáo dục pháp luật, an toàn giao thông giai đoạn 2013-2018, trong đó có nội dung yêu cầu học sinh đội mũ khi tham gia giao thông.
Sau này có thêm quy định học sinh từ 6 tuổi trở lên đội MBH. Hiện Hà Nội có khoảng 1,1-1,2 triệu em/1,6 triệu học sinh nằm trong diện phải đội MBH. Với Hà Nội, chỉ cần 1% trong số học sinh không thực hiện đã có 10.000 học sinh không chấp hành.
Việc sở GD-ĐT phối hợp với CSGT để xử phạt các trường hợp không đội MBH có mục đích duy nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho các con.
Với phụ huynh, chúng tôi tha thiết mong cha mẹ học sinh cùng đồng hành. Đã đến lúc không thể chậm chễ mà phải quyết liệt, ráo riết thực hiện việc này.
- Ngoài xử lý học sinh, ngành GD-ĐT Hà Nội còn quy trách nhiệm cho nhà trường. Trong khi các vi phạm ở bên ngoài nhà trường. Điều này có tạo áp lực cho thầy cô, thưa ông?
Phó GĐ sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống trao đổi chiều 9/4. |
- Vi phạm ATGT nói chung và cụ thể là trò không đội mũ bảo hiểm chúng ta đã ghi rõ trách nhiệm nhà trường trong tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở....
Với học sinh nếu vi phạm lần một, nhắc nhở công khai tại trường và thông báo cho gia đình; vi phạm lần 2 làm kiểm điểm có chữ ký của gia đình; vi phạm các lần tiếp theo, tùy mức độ vi phạm sẽ hạ hạnh kiểm từ trung bình đến yếu.
Với nhà trường khi trò vi phạm thì đánh giá thi đua không thể không tính tới. Việc này sẽ có khó khăn nhưng phải làm vì tính nhân văn.
Chuyện trò vi phạm, xử lý trách nhiệm nhà trường cũng giống như ở một tỉnh dù xe nơi khác đến gây tai nạn, chủ tịch tỉnh đó cũng bị Thủ tướng nhắc nhở, phê bình.
Nhà trường ở đây có trách nhiệm khi giáo dục chưa thấu đáo, chưa phối hợp tốt với phụ huynh trong nhắc nhở con em đội MBH nên cần phải quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.
CSGT cùng các cơ quan chức năng cũng sẽ tích cực phối hợp để thực hiện nội dung này.
CSGT ghi nhật ký và nhắc nhở phụ huynh đội MBH cho con. Ảnh chụp sáng 9/4. |
- Sau 10/4, với tuần lễ cao điểm xử lý vi phạm giao thông học sinh không đội MBH đến trường, Hà Nội có biện pháp gì để việc này đi vào nề nếp?
- Mong muốn 100% học sinh chấp hành việc đội MBH có thêm hôm nay, ngày mai làm tốt nhưng chỉ cần chút lơ là có thể trò sẽ quên ngay. Cao điểm là cần thiết nhưng cần phải làm thường xuyên, liên tục: giáo dục tuyên truyền song cần có xử phạt, răn đe để tạo nề nếp. Cũng như ngày trước ta quen với việc không yêu cầu đội mũ bảo hiểm nay đã không đội thì thấy thiếu gì đó và không an toàn.
Với riêng ngành giáo dục, dịp cuối năm nay sẽ có việc để bàn về chuyện đánh giá, xếp loại thi đua của các trường và cơ sở giáo dục.