Chia sẻ tại hội thảo quốc tế “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh 4.0” do ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, tổ chức ngày 23/4, TS Amie Pollack nêu vấn đề về tham vấn học đường trong thế kỷ XXI.
Học sinh bị stress từ nhiều phía
Theo TS Amie Pollack, thế kỷ XXI có quá nhiều sự thay đổi gây tác động, căng thẳng cho học sinh nói riêng và trẻ em nói chung như cấu trúc gia đình, cơ hội nghề nghiệp, toàn cầu hóa và công nghệ.
Trong đó, mô hình đại gia đình có thể không còn nữa. Bố mẹ trong xã hội hiện đại phần lớn tự nuôi con, sự hỗ trợ của ông bà, người thân không còn nhiều. Nếu ngày xưa cha mẹ dành nhiều thời gian cho con cái thì bây giờ họ làm việc nhiều hơn, đồng nghĩa việc chăm sóc, dạy dỗ con giảm đi.
TS Amie Pollack, ĐH Vanderbilt, Mỹ. Ảnh: Thành Long. |
Cơ hội nghề nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Nhiều ngành nghề mới ra đời, bố mẹ căng thẳng vì không biết định hướng nghề gì cho con. Các nhà giáo dục cũng căng thẳng khi phải xác định kỹ năng đi liền công việc.
Đặc biệt, bà Amie Pollack cho rằng trong xã hội toàn cầu hóa, mọi người có thể kết nối, phụ thuộc nhau, mang lại nhiều điều tốt nhưng cũng gây stress. Trong đó, tác động của công nghệ không hề nhỏ.
“Học sinh bây giờ dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại, máy tính. Thậm chí, có em sử dụng thiết bị điện tử hơn 10 tiếng mỗi ngày. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ thay đổi hoóc môn, gây trầm cảm”, TS Amie Pollack nói.
Ngoài ra, học sinh ngày nay thường sử dụng việc trò chuyện trên mạng (chat) như phương thức kiểm soát cảm xúc. Không ít em dùng thiết bị công nghệ để làm giảm nỗi buồn. Nó có thể có ích trong thời điểm hiện tại nhưng gây hậu quả cho tương lai.
Giải thích về điều này, nữ TS cho hay nhiều em chưa học được cách lành mạnh để đương đầu khó khăn của hiện tại. Ngoài ra, em nào dùng điện thoại càng nhiều thì ngủ càng ít, ảnh hưởng sự phát triển não.
Việc trẻ em sử dụng nhiều sản phẩm công nghệ cũng làm giảm các kỹ năng và gây thêm stress.
Sự quan trọng của tham vấn học đường
Bà Amie Pollack chỉ ra rằng với tất cả thay đổi trong cuộc sống hiện đại, bố mẹ cảm thấy quá tải và con cái lại thêm căng thẳng. Vì vậy, trẻ cần sự hỗ trợ tốt từ nhiều phía như gia đình, giáo viên tham vấn trường học, chuyên gia tâm lý học đường, chuyên gia học tập.
Trong đó, môi trường tham vấn học đường tốt có thể giúp các em phòng ngừa căng thẳng, bởi một học sinh thành công bao giờ cũng có kỹ năng làm chủ cảm xúc và giao tiếp tốt.
Nữ TS đánh giá đối với sức khỏe tâm thần, trường học là nơi nhận diện phòng ngừa sớm, trước khi vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi học sinh cần có sự cân bằng giữa mục tiêu học tập và lành mạnh về cảm xúc xã hội.
“Chuyên gia tâm lý hoặc tham vấn học đường có trách nhiệm nặng nề là giúp giáo viên và lãnh đạo trường hiểu việc lành mạnh trong cảm xúc xã hội sẽ giúp kết quả học tập tốt hơn. Sự hỗ trợ về tham vấn tâm lý là một trong những mục tiêu quan trọng của xã hội”, bà Amie Pollack nói.
Nữ TS phân tích bạo lực học đường có nguyên nhân từ nhiều phía, và học sinh có thể bị vấn đề về y khoa như tăng động, giảm chú ý hay sức khỏe tâm thần, trầm cảm, gây hấn… Các em có thể bị stress ở nhà hoặc gặp sang chấn nào đó.
Học sinh cũng có thể gặp vấn đề về khuyết tật học tập, không thể theo được chương trình, biểu hiện ra ngoài là gây hấn, hoặc thiếu kỹ năng xã hội... Tất cả vấn đề trên cần được nhận biết qua công tác tham vấn học đường. Chúng ta cần có sự đánh giá tổng hợp hành vi để hỗ trợ học sinh.