Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh đứt gân chân, hiệu trưởng nói chuyện có gì lớn mà làm ầm lên

Trong giờ thể dục, học sinh lớp 5 ở Thanh Hóa vướng gót chân vào tấm tôn, bị cứa đứt gân, phải nghỉ học gần một tháng. Thế nhưng, hiệu trưởng nói chuyện có gì lớn mà làm ầm lên.

Sáng 6/5, một lãnh đạo UBND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã giao phòng GD&ĐT vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin nam học sinh lớp 5, trường Tiểu học Tân Ninh (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn), bị đứt gân chân trong trường. Em này phải điều trị cả tháng, chưa thể tới trường.

Theo phản ánh của gia đình em L.Đ.Q.V. (SN 2008, ngụ xã Tân Ninh, học sinh lớp 5C, trường Tiểu học Tân Ninh), vào tiết học thể dục ngày 7/4, thầy Quân bận nên nhờ cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Minh trông hộ. Tuy nhiên, cô Minh cũng có việc nên nhờ cô giáo lớp khác tên Thư trông lớp.

Do không có người dạy, học sinh tập trung chơi trong sân thể dục. Quá trình chạy nhảy, V. có vướng chân vào tấm tôn cửa (khu vực nhà được quây tôn kín cho thầy cô đánh cầu lông) và bị cứa gần như đứt lìa ngón chân trái.

Em V. được sơ cứu, sau đó được đưa tới bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị đứt tới 2/3 gót chân trái, phải khâu vết thương, bó bột để giữ không cho gân dịch chuyển.

Sau 10 ngày điều trị, em V. được xuất viện, tiếp tục theo dõi, điều trị tại nhà. Do chân vẫn đau nhức và không thể đứng lên đi lại được, một tháng trôi qua, nam sinh chưa thể tới lớp.

hoc sinh dut gan chan trong gio hoc anh 1
Dù đã một tháng trôi qua, V. vẫn chưa thể đến trường do vết thương chưa khỏi. Gia đình phản ánh nhà trường không hề quan tâm động viên. Ảnh: Tuấn Minh / Người Lao Động.

Điều khiến gia đình V. bất bình là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường. Theo phản ánh của gia đình, kể từ ngày em bị đứt gân chân ở trường, hiệu trưởng, thậm chí hiệu phó, không ai ngó ngàng, có động thái thăm hỏi động viên.

"Hôm cháu bị thương, cô giáo chủ nhiệm có đưa tới trường và vài hôm sau có tới thăm. Kể từ hôm đó, chẳng có ai ngó ngàng đến cháu cả, dù cháu bị tai nạn trong giờ học và một tháng rồi chưa thể đến lớp", bà Lê Thị Hòa, bà nội cháu V., bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Ninh, thừa nhận học sinh L.Đ.Q.V. bị đứt gân chân trong giờ học là chính xác.

"Hôm đó, em V. vướng gót chân vào mái tôn nhà đa năng mới làm hơi cao và bị tôn cứa đứt gân chân. Nhà trường đã giao trách nhiệm cho cô giáo chủ nhiệm đưa em V. đi bệnh viện rồi và cho sửa mái tôn thấp xuống", ông Cương nói.

Ông Cương cũng cho biết dù em V. bị tai nạn trong giờ học, mọi chi phí thuốc thang phải do gia đình tự lo, vì không có quy định nào bắt nhà trường phải lo cả.

"Chúng tôi làm hết trách nhiệm rồi, nhà trường có hơn 500 học sinh, lo cho từng người sao được. Đến thầy cô chúng tôi còn không thể lo hết được nữa là. Chuyện có gì lớn mà làm ầm lên", ông Cương nói.

Khi được hỏi, sau sự việc nhà trường có họp bàn để rút kinh nghiệm, có báo cáo phòng GD&ĐT về việc này không, ông Cương nói: "Em nó đứt có tí ở gót chân, có gì đâu mà phải báo cáo".

Ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Triệu Sơn, cho biết: "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, yêu cầu nhà trường báo cáo sự việc và xem lại các quy định xem cụ thể như thế nào rồi sẽ có thông tin tới báo chí sau".

Thứ trưởng GD&ĐT: 'Không cấm học sinh dùng mạng xã hội để phản biện'

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, với thông tư 06, lần đầu tiên quy định ứng xử trong cơ sở giáo dục, thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, hành vi được ban hành bằng văn bản.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-sinh-lop-5-dut-gan-chan-trong-gio-hoc-hieu-truong-noi-chuyen-co-gi-lon-ma-lam-am-len-20190506101320072.htm?fbclid=IwAR0mWMB-YNv-bMcZ2yeLy64xeVF-ZlPz2yNREDIXXYImu7y0oEYVmgGdBzc

Theo Tuấn Minh / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm