Theo phương án thi chính thức của Bộ GD&ĐT, môn Ngữ văn ít có sự thay đổi. Tuy nhiên, thời gian làm bài sẽ giảm từ 180 phút xuống còn 120 phút.
Để hoàn thiện bài thi tốt, thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) giới thiệu phương pháp học văn bằng sơ đồ tư duy.
Cấu trúc thay đổi
Theo phán đoán của tôi, sự thay đổi lớn nhất trong đề thi Ngữ văn 2017 là phần nghị luận xã hội. Có thể, phần này chỉ chiếm 2/10 điểm, đồng nghĩa với việc chỉ yêu cầu thí sinh viết khoảng 200 chữ. Vấn đề nghị luận xã hội sẽ được lấy ngữ liệu từ chính văn bản đọc hiểu.
Đề thi Ngữ văn 2017 có thể khiến học sinh giỏi gặp khó khăn. Hiện, đề thi học sinh giỏi ở các tỉnh, thành phố yêu cầu thí sinh làm trong 180 phút, chú trọng kỹ năng làm văn. Tuy nhiên, với đề thi THPT quốc gia 2017, học sinh giỏi sẽ phải làm đề thi căn bản, đòi hỏi ngắn gọn, đủ ý trong thời gian 120 phút. Vì vậy, các em phải rèn luyện vừa viết đủ ý, sáng tạo lại phải ngắn gọn, hệ thống logic.
Với đề thi dạng 180 phút, nhiều em có thói quen viết dài và lan man. Tuy nhiên với 120 phút, dung lượng viết sẽ giảm đáng kể. Phương pháp tối ưu dành cho các em là lập ý bằng sơ đồ tư duy.
Phần câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần nắm vững lý thuyết về phương thức, phong cách, chủ đề và các biện pháp nghệ thuật của văn bản. Câu số 4 của phần đọc hiểu trả lời thật ngắn gọn, đảm bảo đủ 3 ý: Nhận thức, thái độ và hành động cần phải có.
Sơ đồ tư duy phần đọc hiểu môn Ngữ văn. |
Học sinh có thể tập giải bài đọc hiểu bằng sơ đồ, sau đó so với đáp án để đảm bảo viết ngắn gọn, xúc tích, rõ ràng, khiến giám khảo dễ dàng tìm ý cho điểm.
Về nghị luận xã hội, nếu đề yêu cầu chỉ viết trong 200 chữ, thí sinh cần thực hiện ngắn gọn, không lặp mà vẫn đủ ý.
Học sinh chỉ cần trả lời 4 câu hỏi: Cái gì (giải thích), ai (nêu dẫn chứng), tại sao (phân tích), làm thế nào (bài học cho bản thân). Nếu trả lời đầy đủ 4 câu hỏi trên, học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa.
Như vậy, 5/10 điểm hoàn toàn không phụ thuộc chủ quan của người chấm. Học sinh cũng hoàn toàn không phải học thuộc hay ghi nhớ kiến thức. Thậm chí, học sinh chọn ban tự nhiên có thể không cần rèn luyện nhiều, chỉ cần tư duy mạch lạc là tự tin lấy điểm trọn vẹn nội dung này.
Phần nghị luận văn học để phân hóa học sinh, trong đó lưu ý đề thi có thể đòi hỏi tổng hợp các thao tác nghị luận: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận và so sánh.
Học sinh phải nhận diện được yêu cầu và đảm bảo đầy đủ các thao tác nghị luận. Nhiều học sinh quá chú trọng thao tác phân tích mà quên mất các thao tác khác dẫn đến mất điểm.
Sơ đồ tư duy phần nghị luận văn học. |
Với phương pháp sơ đồ hóa, đề bài yêu cầu viết 600 chữ hay 200 chữ (180 phút hay 120 phút), cách học sẽ không khác nhau. Để viết đoạn văn ngắn, học sinh không cần phải diễn đạt thêm vẫn đảm bảo nội dung đầy đủ và không lặp ý.
Khi viết bài văn dài, các em chỉ cần diễn đạt theo khung có sẵn, sẽ có bài văn hoàn chỉnh với bố cục rõ ràng.
Lộ trình ôn tập
Năm nay dự kiến kỳ thi diễn ra sớm hơn một tháng, nhiều em lựa chọn dự thi nhiều môn, vì thế các sĩ tử phải có lộ trình ôn thi thích hợp.
Giai đoạn 1, học sinh cần hệ thống hóa toàn bộ kiến thức phần đọc hiểu, rà soát các văn bản đọc hiểu trong sách giáo khoa từ văn bản chính khóa đến văn bản đọc thêm.
Các em nên tổng hợp lại các chủ đề nghị luận xã hội căn bản trong sách giáo khoa như sống đẹp, lý tưởng, chia chiếc bánh của mình cho ai, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thông điệp phòng chống AIDS, vấn đề giao thông…
Giai đoạn 2, học sinh luyện các chủ đề nâng cao, chú ý những vấn đề xã hội mang tính thực tiễn. Nghị luận văn học, ngoài thao tác phân tích, phải rèn luyện thêm các thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận và so sánh.
Giai đoạn 3 là thời điểm sau khi đã hoàn thành chương trình, bắt đầu ôn tập theo chuyên đề như chuyên đề thơ, truyện, nghị luận một ý kiến bàn về văn học, so sánh các văn bản.
Giai đoạn 4 cần luyện đề tổng hợp, mở rộng đọc hiểu các văn bản ngoài sách giáo khoa. Khi nắm vững kiến thức căn bản, học sinh bắt đầu làm đề thi thử để đánh giá năng lực của mình.