Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh không biết tả cánh đồng, cô giáo đưa cả lớp ra ruộng

Để học sinh quan sát, hình dung và miêu tả được cánh đồng quê hương, cô giáo ở Lai Châu đã đưa cả lớp ra ruộng lúa.

Học sinh ra đồng ruộng học làm văn Cô giáo ở Lai Châu hướng dẫn học sinh quan sát, miêu tả cánh đồng lúa chín.

Hình ảnh cô giáo dắt học sinh ra quan sát những thửa ruộng bậc thang để học tập làm văn được đăng trên diễn đàn "Chúng tôi là giáo viên tiểu học"nhận được nhiều lời khen của giáo viên.

Tài khoản Lăng Tím Bằng khen: "Tuyệt quá. Nếu giờ học về cảnh thiên nhiên mà học sinh được trải nghiệm thế này thì hiệu quả rất cao". 

Giao vien tieu hoc ủng hộ cách làm của cô giáo: "Giáo dục vùng cao mà còn hơn cả thành phố. Đã mạnh dạn dạy tập làm văn theo hướng trải nghiệm".

Một giáo viên khác chứng kiến hình ảnh này lại liên tưởng đến học sinh thành phố: "Tự nhiên thấy tội nghiệp mấy bé ở thành phố lắm. Như con mình học tới bài 'Tre Việt Nam' lại hỏi mẹ cây tre là cây gì, hạt thóc là hạt gì". 

hoc tap lam van anh 1
Học sinh được hướng dẫn quan sát và ghi lại những điều mình thấy để về làm bài tập miêu tả. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với Zing.vn, cô Phạm Thị Diệu, giáo viên trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu), cho biết đây là tiết học tập làm văn của học sinh lớp 5.

Chương trình không yêu cầu nhưng do học sinh gặp khó khăn khi vận dụng từ ngữ, liên tưởng, sáng tạo để miêu tả cánh đồng lúa quê mình, cô Diệu dắt học trò ra đồng ruộng để dạy học. Các tiết Tiếng Việt, Toán, cô Diệu hay dùng phương pháp quan sát, tương tác với cuộc sống thực tế để giúp buổi học sinh động, học trò nhanh hiểu bài.

"Các bài tập làm văn tiểu học có nhiều bài yêu cầu tả cảnh, tả con vật nên mình thường cho học sinh đi thực tế, hướng dẫn các em quan sát, liên tưởng. Khi học Toán đến những bài đo diện tích, chu vi chẳng hạn, mình cũng đưa các em ra ngoài vừa giảng vừa thực hành", cô Diệu chia sẻ. 

hoc tap lam van anh 2
Cô Diệu thường cho học sinh tiếp xúc cảnh vật để học làm văn. Ảnh: NVCC.

Nhiều giáo viên thắc mắc học sinh ở vùng quê, hàng ngày tiếp xúc đồng ruộng, động vật, việc dẫn các em đi quan sát là không cần thiết. Cô Diệu cho hay dù hàng ngày học trò tiếp xúc cảnh vật, con vật quen thuộc nhưng các em không biết dùng từ ngữ để miêu tả vì ngôn ngữ dân tộc khác tiếng phổ thông. Do đó, thầy cô vừa cho các em học từ thực tế vừa cung cấp vốn từ.

"Học sinh ở đây là người dân tộc nên hạn chế từ ngữ tiếng Việt. Để viết được một bài tập làm văn rõ nghĩa, nhiều em cũng gặp khó khăn. Các em phải được nhìn, sờ vào vật, ngửi được mùi hương mới miêu tả được. Thầy cô phải hướng dẫn từng bước", cô Diệu cho biết.

Bài hát 'Sóng gió' thành mã đề kiểm tra của học sinh TP.HCM

Những bài hát thu hút bạn trẻ trở thành mã đề trong bài kiểm tra khiến học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) thấy thích thú.

Thanh Thanh

Bạn có thể quan tâm