Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), đề thi môn ngữ văn trước đây chỉ gói gọn trong một số tác phẩm văn học có trong SGK.
Nhưng lần này, đề thi hướng đến kiểm tra năng lực, phẩm chất người học, chứ không kiểm tra nội dung kiến thức học thuộc, các em học sinh hoàn toàn có thể sử dụng các ngữ liệu khác nhau để đáp ứng yêu cầu của đề thi.
Chương trình môn Ngữ văn sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học.
Cô trò Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 - Tân Triều trong tiết Ngữ văn. |
Trong yêu cầu của môn học, nhóm soạn thảo cũng đặt ra điều kiện dạy học tối thiểu là ngoài SGK, các nhà trường cần có tủ sách tham khảo với nhiều loại sách, có đủ các văn bản từ tác phẩm văn học đến văn bản thông tin.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên môn Ngữ văn mới, về mục tiêu, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình lần này chính là coi trọng năng lực giao tiếp (với 4 kỹ năng chính là đọc, viết, nói và nghe).
Vì thế, sẽ chỉ có những kiến thức giúp cho việc phát triển năng lực có hiệu quả mới được lựa chọn vào. Chương trình cũng được xây dựng thống nhất từ lớp 1 cho tới lớp 12 chứ không tách làm 3 cấp như trước đây.
Về nội dung, chương trình sẽ không tổ chức theo trục lịch sử văn học hay kiểu văn bản như chương trình (THCS và THPT) hiện hành.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: Tất cả kiến thức được chọn đều nhằm hướng tới mục tiêu hình thành năng lực giao tiếp cho học sinh, trong đó đặc biệt chú trọng tới chủ thể người học và khả năng ứng dụng tri thức ngữ văn vào cuộc sống. Các kiến thức văn học, tiếng Việt sẽ tích hợp thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và phục vụ cho các kỹ năng này.