![]() |
Học sinh từ 16 tuổi đã được phép lái xe máy dưới 50 cc hay các mẫu xe điện có công suất giới hạn. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu các cơ sở đào tạo kỹ năng và kiến thức giao thông cần thiết cho học sinh.
Học sinh phải tự học lái xe máy khiến nguy cơ va chạm tăng
Để chủ động di chuyển, nhiều học sinh chọn cách tự học lái xe máy hoặc học bởi người thân, bạn bè. Việc tìm hiểu chưa đầy đủ cộng với thiếu sự kinh nghiệm và kiến thức biến các tay lái trẻ trở thành "thỏi nam châm" trong các vụ tai nạn.
Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong năm 2024, 4.750 vụ tai nạn đã diễn ra liên quan đến học sinh.
Các vụ tai nạn liên tục diễn ra khiến phụ huynh lo lắng. Để giảm thiểu rủi ro, nhiều người lựa chọn từ đưa con em mình tới trường hoặc sử dụng xe ôm, taxi công nghệ thay vì giao xe cho học sinh sử dụng. Đây là giải pháp tạm thời hợp lý, nhưng khiến các bạn trẻ giới hạn khả năng làm chủ tay lái.
Chưa bàn đến nguy cơ va chạm, việc thiếu hụt kỹ năng lái xe và kiến thức về luật giao thông cũng khiến nhiều học sinh vô tình vi phạm, dẫn đến bị phạt hành chính hoặc ảnh hưởng quá trình học tập.
|
Nhiều người trẻ vi phạm giao thông do chưa tìm hiểu kỹ luật. Ảnh: An Huy. |
Gần đây, một số hãng xe đã đưa chương trình hướng dẫn lái xe cho học sinh vào các trường học. Tuy nhiên để chủ động hơn thì học sinh cần tự học các kỹ năng vì an toàn của chính mình.
Vậy, người trẻ cần nắm những kỹ năng nào để lái xe an toàn? Chỉ học lý thuyết có đủ?
Hiểu về xe
Đầu tiên, học sinh cần quen thuộc với vị trí các nút điều kiển và trang bị trên xe. Làm quen là việc quan trọng với bất kỳ ai khi tiếp xúc với một thứ mới, đặc biệt với các bạn học sinh khi chưa có kinh nghiệm trong việc sử dụng xe máy.
Với xe điện và xe tay ga, cách khởi động xe khá đơn giản, chỉ cần cắm chìa (với chìa khóa cơ) hoặc nút vặn trên xe với chìa khóa thông minh (smartkey).
Các nút điều khiển đèn pha/cos, xi nhan và vị trí phanh bắt buộc phải được chú ý, tránh xảy ra sai sót khi cầm lái, đặc biệt với học sinh ít kinh nghiệm cầm lái xe máy.
Với xe máy xe số, người lái cần hiểu đúng về từng thứ tự sang số.
![]() |
Học sinh phải hiểu rõ quy tắc sang số trên xe trang bị hộp số 4 cấp. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Không ít vụ tai nạn diễn ra khi học sinh cầm lái nhưng bất ngờ tăng ga ở đoạn đường đông phương tiện. Điều này đến từ sự thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong việc kiểm soát ga, phanh của xe.
Nhiều học sinh còn có thói quen sử dụng phanh bánh trước (phanh bên phải) khi xe đang ở tốc độ cao gây trượt và mất lái.
![]() |
Kiểm soát tay ga, nhớ vị trí đèn pha/cos và cách mở đèn xi nhan là các kỹ năng cần thiết khi vừa học lái xe máy điện. |
Không chỉ là nút bấm, hình dạng và khối lượng của xe cũng là thứ cần làm quen. Nên dành thời gian để ngồi trên xe và làm quen với các thao tác ở vị trí lái, dắt xe, dựng xe... để làm quen với không gian và cân nặng của chiếc xe.
Bình tĩnh, làm quen tình huống
Khi bắt đầu lái, yếu tố thăng bằng và khả năng bình tĩnh trước các tình huống là điểm quan trọng. Đây cũng là rào cản đối với các tay lái mới. Khi xảy ra tình huống bất ngờ, nhiều học sinh thường không giữ được bình tĩnh, dẫn đến mất thăng bằng xe, tăng nguy cơ tai nạn.
Quy tắc 3R bao gồm Review (kiểm tra), Reduce (giảm vận tốc) và Reaction (ứng phó) được sử dụng như kỹ năng quan trọng khi gặp tình huống bất ngờ, rủi ro va chạm trên đường.
Ví dụ khi băng qua các đoạn đường gồ ghề, trơn trượt, nhiều tay lái trẻ vẫn có thói quen tăng tốc, sau đó bất ngờ phanh gấp nếu gặp vật cản.
Điều này chính là nguyên nhân xảy ra các va chạm ở góc cua, hay mố cầu, nơi thường có địa hình không bằng phẳng hoặc có nhiều phương tiện di chuyển cùng và ngược chiều.
Ôtô hay xe tải thường có các "điểm mù" nhất định ở đầu và 2 bên thân xe. Nếu học sinh chủ quan và cố ý tăng tốc, giành đường, nguy cơ xảy ra va chạm tăng cao.
Ví dụ trong trường hợp xe tải rẽ cùng chiều, đã bật đèn xi nhan và đang áp sát, học sinh nên chủ động quan sát tình huống, nhường đường cho xe lớn để tránh rủi ro va chạm.
![]() |
Các bài tập thực hành là cần thiết để hoàn thiện kỹ năng lái xe máy của học sinh. Ảnh: Đan Thanh. |
Với những tay lái mời làm quen xe, để đảm bảo khả năng bình tĩnh khi điều khiển xe, học sinh nên tập di chuyển ổn định ở đường thẳng, bằng phẳng, sau đó thực hành rẽ trái, phải ở tốc độ thấp. Khi đã bắt đầu thành thạo, người lái có thể tăng dần vận tốc để học cách kiểm soát.
Với các trang bị an toàn như bọc đầu gối, khuỷu tay và nón bảo hiểm đạt chuẩn, người lái có thể bắt đầu luyện tập mà không lo ngại nếu vô tình té ngã.
Các tình huống giả định như đi qua "ổ gà", hố sâu sụt lún giữa đường, lái xe khi đường trơn trượt, người đi bộ băng qua đường bất ngờ hay ôtô tải rẽ cùng hướng cũng thường bị học sinh "ngó lơ", dẫn đến thiếu khả năng xử lý khi gặp sự cố.
Các bạn học sinh nên học cách giảm tốc, chuyển hướng hay phanh gấp bất ngờ để không bị giật mình khi lái xe ngoài đường phố.
Việc áp dụng quy tắc 3R không dễ với người mới khi có quá nhiều thứ mới cần phải ghi nhớ, từ giữ thăng bằng, các thao tác với chiếc xe, quan sát những phương tiện xung quanh. Vì vậy, việc điều khiển xe máy thành thạo đòi hỏi thời gian luyện tập.
Học sinh nên chủ động giả lập các tình huống bất ngờ trên đường, luyện tập lái ở nơi vắng người, ít phương tiện trước khi lái xe đến các đoạn đường đông đúc.
Học kỹ luật
Để có thể đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường, học sinh, sinh viên cần nắm rõ luật giao thông. Các giới hạn về tốc độ, làn đường, sức mạnh động cơ cho học sinh cũng nên được làm quen từ sớm, tránh việc vô tình vi phạm khi điều khiển xe máy.
Hiện tại, học sinh trong từ 16 đến dưới 18 tuổi được phép điều khiển xe máy dưới 50 cc. Vì vậy người trẻ cần lựa chọn các mẫu đúng quy chuẩn, ví dụ Honda Icon e:, VinFast Motio, Honda Cub 50 cc, SYM Priti hay SYM Galaxy 50.
Người trẻ cũng cần biết cách phân loại hình ảnh, chức năng của các biển báo hiệu, biển cấm nhằm tránh vi phạm luật giao thông khi điều khiển xe máy.
![]() |
Học sinh cần nắm rõ luật giao thông, bao gồm biển báo và các giới hạn theo quy định. Ảnh: Đan Thanh. |
Tuy nhiên, chỉ học lý thuyết và luật thôi là chưa đủ. Với mật độ phương tiện dày đặc và tình trạng giao thông phức tạp tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, các kiến thức về thứ tự di chuyển ở giao lộ hay quy định nhường đường cũng cần được hiểu rõ.
Ví dụ, khi điều khiển xe đến ngã 4, học sinh phải nhường đường cho xe từ bên phải không có biển báo hiệu vòng xuyến. Nếu đường giao nhau có vòng xuyến và có biển báo, người lái cần nhường đường cho xe đi bên trái.
An toàn giao thông không chỉ là lý thuyết mà cần thực hành và ý thức. Vì vậy để có thể sẵn sàng "cầm lái", làm chủ hành trình, người trẻ nên được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm chắc luật và luôn rèn luyện kỹ năng điều khiển xe.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.