Bộ GD&ĐT đề xuất các trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển các phương thức tuyển sinh sớm sau ngày 31/5. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
“Em ngỡ ngàng khi nghe tin các trường đại học có thể không được công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước 31/5. Điều này dễ khiến chúng em bị động”, Minh Thư (học sinh lớp 12 tại TP.HCM) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Hôm 31/10, tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, đề xuất thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần phải sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học - tức sau ngày 31/5.
Điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm cần được công bố sau thời gian này, tránh ảnh hưởng đến kì thi tốt nghiệp THPT và việc học tập của học sinh. Nhiều học sinh cho rằng đề xuất này khiến các em thấp thỏm, giảm sự chủ động trong xét tuyển đại học.
Học sinh lo lắng trước đề xuất mới
Năm 2025, dù các trường chưa công bố phương án tuyển sinh, Minh Thư dự tính đăng ký chính vào Đại học Sư phạm TP.HCM và Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Hai trường này, Thư tính đăng ký xét tuyển sớm bằng điểm của kỳ thi riêng và chứng chỉ quốc tế. Ngoài ra, nữ sinh cân nhắc xét học bạ vào một số trường khác.
Thư nói đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức giúp em tăng cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, nếu sớm biết kết quả xét tuyển sớm, em sẽ giảm bớt gánh nặng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Khi các trường công bố muộn, nếu kết quả trượt, em sẽ có ít thời gian để cân nhắc các nguyện vọng, định hướng bản thân cũng gấp gáp hơn”, Thư nói.
Tương tự, Minh Trang (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng cảm thấy hoang mang, thấp thỏm nếu sang tháng 6 các trường mới công bố kết quả. Trang nói thời điểm này sát với kỳ thi tốt nghiệp THPT, em lo ngại không kịp xoay xở nếu kết quả không như mong muốn.
Hiện tại, nhiều trường giảm chỉ tiêu cho phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT. Vì vậy, Trang muốn xét tuyển sớm để tăng cơ hội, giảm áp lực. Nhưng nếu sau 31/6 mới công bố, Trang nói áp lực tăng gấp đôi khi vừa thấp thỏm chờ kết quả xét tuyển sớm, vừa căng mình ôn thi tốt nghiệp THPT.
“Biết kết quả sớm, dù đỗ hay trượt, chúng em cũng sẽ chủ động kế hoạch của mình hơn. Năm đầu tiên thi theo hình thức và đề thi mới, chúng em căng thẳng nên cũng mong được giảm áp lực phần nào hay phần đó”, Trang nói.
Xét tuyển sớm giảm áp lực thi tốt nghiệp cho thí sinh nhưng cũng có nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Tuyển sinh sớm có mặt tích cực nhưng cũng tác động tiêu cực
Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện các trường sử dụng hơn 20 cách xét tuyển.
Trong đó, nhiều trường lựa chọn phương thức xét tuyển sớm, không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT như xét tuyển bằng học bạ THPT, xét tuyển bằng điểm các kỳ thi riêng, chứng chỉ quốc tế…
Mỗi năm, trong số hơn 600.000 thí sinh, khoảng 50% vào đại học bằng cách này.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Mai Đức Toàn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Đại học Gia Định) nhận định ưu điểm của phương thức này là giúp các trường đại học chủ động, học sinh cũng được tạo điều kiện thuận lợi, có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành học, trường học phù hợp. Bên cạnh đó, các em cũng giảm áp lực thi cử khi không chỉ có một lựa chọn duy nhất dựa vào điểm thi tốt nghiệp.
Đây cũng là nhận định của ThS Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng và Hướng nghiệp, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM). Tuy nhiên, theo ông Nguyên, xét tuyển sớm vẫn có một số hạn chế nhất định.
Cụ thể, nhiều trường công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm từ tháng 3, 4. Căn cứ xét tuyển thường là điểm học bạ tính đến học kỳ 1 lớp 12, không có kỳ 2 lớp 12 do học sinh chưa kết thúc năm học.
Ông Nguyên cho rằng điều này gây ảnh hưởng nhất định đến quá trình dạy và học cũng như kết quả học tập của học sinh. Nhiều em khi biết kết quả trúng tuyển sớm dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc học ở giai đoạn cuối.
“Các em không nỗ lực để có kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt nhất mà chỉ cần đủ điểm đỗ tốt nghiệp là được”, ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, xét tuyển sớm cũng làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo được tỷ lệ nhập học, gây nhiễu trong xét tuyển. Cụ thể, phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học luôn thu hút được số lượng lớn học sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, các trường đại học không thể chắc chắn được thí sinh có chọn trường mình hay không, vì một thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường khác nhau.
“Chỉ khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin chung của Bộ GD&ĐT, các trường mới biết chắc là thí sinh đó chọn xét tuyển vào trường mình. Tỷ lệ thí sinh ảo của phương thức xét tuyển sớm hàng năm rất cao, ở mức 200-500%, tùy trường”, ông Nguyên cho biết.
Với những lý do trên, ông Nguyên ủng hộ đề xuất công bố kết quả xét tuyển sớm sau ngày 31/5.
Vị này cho rằng việc các trường đại học công bố kết quả xét tuyển sớm sau khi thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục không gây ảnh hưởng gì đến kế hoạch tuyển sinh của các trường. Bởi từ năm 2022, các trường không được yêu cầu thí sinh nhập học sớm hơn lịch chung của bộ, mà chỉ được công bố danh sách đủ điều kiện trúng tuyển.
Như vậy, dù thí sinh có kết quả xét tuyển sớm, các em vẫn phải chờ đến thời điểm quy định của Bộ GD&ĐT.
TS Mai Đức Toàn cũng đồng ý về quan điểm này, dù học sinh đã đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm, các em vẫn phải đảm bảo tốt nghiệp THPT thì mới chính thức trúng tuyển.
Chính vì vậy, các em nên bình tĩnh, không quá lo lắng trước đề xuất của Bộ GD&ĐT vì cơ hội của các em vẫn còn nguyên, dù trường công bố kết quả xét tuyển có điều kiện sớm hay muộn. TS nhấn mạnh kết quả xét tuyển sớm chỉ mang tính tham khảo để các em đưa ra quyết định.
TS Toàn cũng nhìn nhận đề xuất mới tạo sự công bằng cho thí sinh và giữa các trường đại học, đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường khi các em tập trung học đến cuối chương trình, phản ánh đầy đủ khả năng của học sinh.
Tuy nhiên, TS Toàn cho rằng Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh, được chủ động về thời gian và hình thức tuyển sinh. Vì vậy, đề xuất mới của bộ sẽ khiến các trường bị giảm tính tự chủ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.