Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh lớp 1 'cõng' 23 đầu sách - ngược mục tiêu giảm áp lực học tập

Theo ý kiến của một số phụ huynh và chuyên gia giáo dục, việc trẻ lớp 1 phải “cõng” 23 đầu sách là đi ngược với mục tiêu đổi mới giáo dục.

Ngày 7/9, 23 triệu học sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Đây là năm học được đặt nhiều kỳ vọng, mở đầu chặng đường đổi mới giáo dục, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.

gia sach lop 1 anh 1

Phụ huynh đưa con chọn sách giáo khoa và sách tham khảo lớp 1 tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn/Lao Động.

“Quá tải” với học sinh và phụ huynh

Có con vào lớp 1 trường Tiểu học An Phong (quận 8, TP.HCM) năm học này, chị Ng. bất ngờ với khoản tiền dành cho việc mua sách, vở đầu năm. Người mẹ cho hay từ giữa tháng 7, trường mầm non của con làm hồ sơ cho trẻ vào lớp 1, báo tiền mua sách giáo khoa là 807.000 đồng.

Trong danh sách hơn 23 đầu sách, vở bài tập cho trẻ vào lớp 1, các cuốn sách giáo khoa là Toán, Tiếng Việt (tập 1, tập 2), Đạo đức, Tự nhiên Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), sách Tiếng Anh I-learn smart start; còn lại là vở bài tập các môn, sách tham khảo và bộ thực hành.

Phụ huynh trên cho rằng năm nay, học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nên phụ huynh không dám mua sách ngoài thị trường, vì sợ sẽ không đủ cho con học hoặc không trùng sách mà trường dạy nên đăng ký mua sách tại trường.

Với những người lao động thu nhập thấp, đây là khoản tiền không nhỏ đầu năm khi phải lo tiền đồng phục, giày dép, dụng cụ học tập, bán trú cho con.

Cùng nỗi lo trên, một phụ huynh có con vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận 12 (TP.HCM) nhìn nhận, nhiều đầu sách, vở bài tập cho học sinh vào lớp 1 lo sợ sẽ quá tải với các cháu.

“Ngoài 8 cuốn sách giáo khoa bắt buộc và sách tiếng Anh, con tôi phải mua thêm vở bài tập. Vở này đi kèm cũng chiếm chi phí rất lớn mà không biết trong quá trình học có cần nhiều hay không? Có quá nhiều sách vở cho các con mới 6 tuổi, chỉ soạn sách vở đủ cho buổi học đã vất vả rồi, chưa nói đến tiếp thu kiến thức” - vị phụ huynh nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phong - Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong - nhà trường không yêu cầu, bắt ép phụ huynh phải mua đủ toàn bộ sách giáo khoa, bài tập, bổ trợ trong danh mục. Trường đã làm sai khi thông báo không rõ ràng, phân định sách bắt buộc với sách tham khảo, gây hiểu lầm với phụ huynh.

Trước đó, khi gửi thông báo nhập học cho học sinh lớp 1, nhà trường có đính kèm danh mục sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học, mục đích để phụ huynh có đi mua sách cho con ở ngoài thị trường thì mua đúng loại mà trường sử dụng. Sau phản ánh của phụ huynh, trường đã đăng thông báo rõ ràng những sách nào cần mua lên bảng tin của trường.

“Nếu không tự đi mua, phụ huynh có thể đăng ký những sách nào cần và nhờ nhà trường mua hộ. Chúng tôi không kinh doanh, buôn bán gì ở đây” - hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong khẳng định.

Theo kết quả lựa chọn sách giáo khoa mới năm học 2020-2021 trên địa bàn TP.HCM, bộ sách Chân trời sáng tạo (một trong 5 bộ sách khoa mới) được 80% các trường lựa chọn (không đều ở các môn, môn tiếng Anh hơn 60%). Đây cũng là bộ sách được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn.

Ngoài ra, một số trường chọn bộ Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Số tiền mà phụ huynh phải bỏ tiền ra mua sách cho con dao động từ 300.000-500.000 đồng/bộ, trong khi giá niêm yết của các bộ sách giáo khoa mà NXB công khai cao nhất chưa đến 200.000 đồng/bộ.

Tại sao lại có sự chênh lệch này? Nguyên nhân là phụ huynh phải mua thêm quá nhiều sách tham khảo, sách bổ trợ được bán kèm SGK.

Nhà trường không phải nơi kinh doanh giáo dục

Không riêng ở TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng xảy ra câu chuyện học sinh lớp 1 phải “cõng” quá nhiều đầu sách, cả sách giáo khoa và sách tham khảo. Trong khi với lứa tuổi này, các em cần thời gian làm quen với môi trường mới, để thấy việc học là niềm vui chứ không phải áp lực, có cảm giác sợ học vì bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức.

Ngoài ra, có tình trạng này còn do nhà trường và đơn vị phát hành không biết vô tình hay cố ý “nhập nhèm” giữa sách giáo khoa và tham khảo, khiến phụ huynh phải bỏ số tiền lớn để mua. Cứ mỗi khi năm học mới bắt đầu, vấn đề sách vở, các khoản thu đầu năm lại trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.

Trước tình trạng này, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) - cho biết bộ vừa ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở GD&ĐT các tỉnh, thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.

Theo đó, Bộ GD&ĐT nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc phải mua.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, quy định chỉ có sách giáo khoa là bắt buộc, vở bài tập và các sách tham khảo khác tuỳ phụ huynh lựa chọn.

Phụ huynh có thể tự do lựa chọn mua sách ở đâu nhưng sách phải đúng loại do trường chọn. Các trường không được ép buộc phụ huynh mua sách tại trường cũng như giới thiệu các sách tham khảo.

GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng để giảm thiểu nỗi lo đối với gia đình khó khăn trong việc mua sắm sách đầu năm học cho con, các nhà trường cần đẩy mạnh phong trào tặng sách, xây dựng “thư viện sách giáo khoa, sách tham khảo, thiết bị giáo dục dùng chung”.

Học sinh chỉ cần mua vài cuốn bắt buộc, còn lại sách tham khảo, đồ dùng có thể mượn ở thư viện. Nếu làm được như vậy, hàng năm, sẽ tiết kiệm số tiền lớn chi cho việc mua sách như hiện nay.

“Với học sinh lớp 1, quan điểm của tôi là không cần thiết phải mua sách tham khảo, tránh gây lãng phí cho phụ huynh. Chúng ta hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực học hành cho học sinh, việc phải mua nhiều sách như vậy là đi ngược chủ trương này. Bộ GD&ĐT cần vào cuộc ngăn chặn tình trạng này”- GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Khan hiếm sách giáo khoa lớp 6

Đến nay, không ít phụ huynh có con em vào lớp 6, nếu không đăng ký mua sách giáo khoa ở trường từ trước, phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm mua SGK cho con.

Anh N.H.H. (có con vào lớp 6 trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội), cho biết những ngày qua vợ chồng anh đi nhiều nhà sách lớn ở khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm nhưng không mua được sách cho con. Đến đâu cũng được nhân viên thông báo là hết sách giáo khoa lớp 6.

Quá lo lắng, phụ huynh này nhắn lên nhóm Zalo của lớp, thấy nhiều người khác cũng gặp tình trạng tương tự. Dù trường của con đã đi học từ tuần trước, vì không mua được sách, nhiều học sinh phải dùng chung sách giáo khoa. Để khắc phục việc này, phụ huynh phải đi mượn sách giáo khoa của những bạn đã mua được sách để photo cho con dùng tạm.

Việc khan hiếm sách giáo khoa lớp 6 được đại diện NXB Giáo dục lý giải là năm nay số học sinh đầu cấp tăng, ngoài ra là năm cuối dùng sách giáo khoa cũ, nên một số đại lý, cửa hàng có tâm lý không nhập nhiều sách giáo khoa về bán.

Nhà xuất bản đang khẩn trương cung ứng bổ sung SGK và sẽ phục vụ đầy đủ nhu cầu của học sinh. Hoặc phụ huynh có thể đến các cửa hàng sách và thiết bị giáo dục của NXB Giáo dục để mua đủ sách giáo khoa cho con.

Mạnh tay xử lý lạm thu đầu năm học

Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo.

https://laodong.vn/giao-duc/hoc-sinh-lop-1-cong-23-dau-sach-di-nguoc-muc-tieu-giam-ap-luc-hoc-hanh-thi-cu-833945.ldo

Đặng Chung - Anh Nhàn - Bích Hà / Lao Động

Bạn có thể quan tâm