Thấy nhiều bạn bè vì ngồi sai tư thế trong khi học tập nên bị vẹo cột sống, cận thị, Tâm đã sáng chế thành công thiết bị cảnh báo những khuyết tật học đường này, đồng thời tích hợp thêm một số tính năng hỗ trợ học tập.
Nguyễn Duy Tâm (học sinh lớp 12TL1, trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã đặt tên cho sáng chế của mình là “Thiết bị đa năng chống khuyết tật học đường và hỗ trợ học tập”.
Cảnh báo thế ngồi
Đó là thiết bị hình hộp chữ nhật bằng nhựa, lớn hơn chiếc hộp đựng bút, thước kẻ của học sinh một chút, có hai “con mắt” cảm ứng được kéo nhô lên ở giữa chiếc hộp để quan sát “thân chủ” và dẫn tín hiệu về bộ vi xử lý Arduino nhằm điều khiển toàn bộ thiết bị.
Nguyễn Duy Tâm bên thiết bị đa năng chống khuyết tật học đường. |
Bên phải chiếc hộp có một màn hình LCD để hiện menu và các thông số, còn phần phía trước, gần với đáy hộp, là một dãy các bóng đèn LED nhỏ hơn chiếc cúc áo. Thiết bị này được dùng chung với một thiết bị tương tác khác cũng dạng hình hộp, kích thước cỡ bàn tay người lớn, có chức năng phát ra âm thanh, kết nối với đèn bàn.
Theo Tâm, chức năng chính của sản phẩm là phát hiện và cảnh báo các khuyết tật học đường. Nó tự động phát hiện, cảnh báo học sinh ngồi sai tư thế, giúp hạn chế các bệnh lý về mắt và cột sống.
“Thiết bị đo được khoảng cách từ mắt đến bàn học cho phép trong khoảng 30-70 cm (tùy chiều cao của học sinh). Nếu người sử dụng khom lưng, mắt đặt sát vở, nghĩa là sai tư thế, thì ngay lập tức nguồn sáng trắng từ hệ thống đèn LED sẽ chuyển sang màu đỏ chiếu vào vở, đồng thời phát ra âm thanh cảnh báo liên tục, buộc chúng ngồi thẳng đúng tư thế cho phép” - Tâm vừa “thị phạm” vừa giải thích.
Thiết bị này có thể hoạt động tương tác với sản phẩm khác. Khi học sinh ngồi vào bàn, kết nối đèn với thiết bị tương tác. Nếu ngồi đúng tư thế, đèn bàn sẽ sáng, nếu sai đèn tắt và hệ thống phát ra âm thanh: “Bạn đã ngồi sai tư thế”. Bên cạnh đó, nó còn “nhắc” giúp học sinh cần nghỉ ngơi vài phút để bớt căng thẳng đầu óc, để thị giác thư giãn sau mỗi 45 phút hoạt động.
Sản phẩm còn có chức năng tiết kiệm năng lượng: khi học sinh rời khỏi bàn học mà quên tắt đèn thì hệ thống sẽ đếm trong 6 giây và tự động tắt đèn bàn, nếu học sinh quay lại bàn thì đèn tự động bật sáng ngay.
Là chiếc đồng hồ luyện thi
Ngoài bốn chức năng chính trên, sáng tạo của Nguyễn Duy Tâm còn có bốn chức năng hỗ trợ gọi là “thước kẻ thông minh”. Chiếc hộp của Tâm có thể thông tin chính xác về thông số môi trường như ánh sáng, độ ẩm, CO2. Đây cũng là “chiếc đồng hồ luyện thi” để học sinh tự cài đặt thời gian 15, 45 phút nhằm thực hành phân phối thời gian làm bài kiểm tra; là thước đo góc chuẩn xác và đo những vật kích thước to lớn, ở xa theo thuật toán hình học phẳng, hình học không gian.
Tâm kể, em sáng chế món đồ này vì thấy nhiều bạn bè bị cận thị, vẹo cột sống trong quá trình học tập nhưng không được cảnh báo để chỉnh sửa, giảm thiểu các khuyết tật trên.
“Ý tưởng thì có từ khi học lớp 9, nhưng em thực hiện từ giữa năm 2014” - Tâm cho hay. Vốn là học sinh ở huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên), năm 2014 Tâm tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh phổ thông toàn quốc nhưng không đoạt giải chính thức.
Tại hội thi ấy, Tâm quen với Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, đoạt giải nhất quốc gia hội thi năm 2014 với sáng chế “Robot đa năng”). Tâm đã xin cha mẹ (làm nông dân ở Sông Hinh) chuyển đến Trường THPT Nguyễn Huệ ở TP Tuy Hòa để học tập nhằm được Khánh hướng dẫn về lập trình máy tính.
Từ tháng 5/2014, Tâm cặm cụi nghiên cứu, lập trình, cưa cắt, hàn tiện, lắp ráp... để tháng 1/2015, sản phẩm hoàn thành giai đoạn một và đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo KHCN học sinh phổ thông tỉnh Phú Yên. Mới đây, sản phẩm này đã được trao giải nhì toàn cuộc Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh phổ thông toàn quốc năm 2015.
Với kết quả này, Tâm đủ điều kiện được tuyển thẳng vào ĐH. “Đã có hai trường ĐH liên lạc đề nghị em về học, nhưng có lẽ em sẽ chọn vào lớp sinh viên tài năng của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP HCM) hoặc ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM” - Tâm cho biệt.