Sau buổi kiểm tra, một số giáo viên đã phản ảnh, nhiều học sinh không hiểu “tình mẫu tử” là gì nên bỏ trống câu này. Đề ra như vậy là quá sức với học sinh lớp 6 - vốn mới rời môi trường tiểu học. Có giáo viên còn chứng kiến việc học sinh hỏi giám thị “mẫu tử là gì?” trong quá trình canh thi.
Đề thi quá sức học sinh?
Từ phản ánh trên, chúng tôi đã làm một khảo sát bỏ túi với 10 học sinh lớp 6, trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình và THCS Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận.
Khi đặt câu hỏi: “Theo em, tình mẫu tử là gì?”, có bảy em cho rằng: “Tình mẫu tử là tình yêu thương, chăm sóc của mẹ dành cho con mình” và ba em lại trả lời: “Tình mẫu tử là tình yêu, sự hy sinh của ba mẹ dành cho con cái”...
Trong đề thi này có câu 3 (4 điểm): “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”(Chế Lan Viên, Con cò). Từ ý thơ trên, em hãy kể một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử”. |
Về phía phụ huynh, chị Xuân, một phụ huynh có con học lớp 6 ở Phú Nhuận, không đồng tình về đề thi: “Các em mới lớp 6 mà ra đề như thế thì khó quá. Tại sao không chỉ rõ ra: “Em hãy nhớ lại và kể về một biểu hiện tình cảm sâu sắc của người mẹ dành cho con mình” thì sẽ không có gì phải tranh cãi!”.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thơm - Tổ trưởng Tổ phổ thông, thành viên ban ra đề môn ngữ văn lớp 6, Phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận - cho biết: “Quan điểm của Phòng GD&ĐT quận là ra đề theo hướng đổi mới - đề mở, có khơi gợi sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Câu 3 trong đề kiểm tra thể hiện đúng quan điểm ấy”.
Theo cô Thơm: “Suy nghĩ chủ quan của tôi thì với tầm nhận thức của học sinh ở TP HCM, đa số học sinh lớp 6 sẽ hiểu được tình mẫu tử là gì. Khi học sinh làm bài kiểm tra môn ngữ văn (diễn ra chiều 8/12), cũng có trường gọi điện cho tôi hỏi, học sinh không hiểu tình mẫu tử là gì, giám thị có được giải thích cho các em không?
Tôi không đồng ý cho giải thích, bởi nếu có em nào đó không hiểu thì khi đọc hai câu thơ dẫn dắt vào đề: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con” các em cũng có thể suy ra đề bài yêu cầu viết về tình mẹ - con. Và trên thực tế, buổi chiều 8/12 tôi đi nắm tình hình ở 2/12 trường THCS trên địa bàn quận thì thấy đa số các em đều làm được câu này”.
Đề ra theo tinh thần mở
Một giáo viên môn văn ở trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp cho rằng: “Trong chương trình môn ngữ văn lớp 6 học kỳ 1, học sinh đã được học câu chuyện Mẹ hiền dạy con.
Ở trường tôi, hầu hết giáo viên khi dẫn dắt học sinh vào bài học này đều có nhắc tới cụm từ 'tình mẫu tử' và có giải thích cho học sinh hiểu ý nghĩa của nó. Thế nhưng, rất có thể khi kiểm tra cũng sẽ có học sinh không hiểu và không làm bài được, vì các em không nghe cô giáo giảng. Đây cũng là điều đương nhiên!”.
Mặc dù vậy, một số giáo viên ở Phú Nhuận nói, họ cảm thấy bất ngờ với đề kiểm tra trên: “Trước khi kiểm tra, Phòng GD&ĐT có gửi các trường đề tham khảo. Thế là giáo viên cứ nương theo đó mà ôn cho học sinh. Không ngờ đề chính thức khác hoàn toàn, không giống tí nào. Đáng lẽ phải thông báo trước cho giáo viên chuẩn bị tinh thần...”.
Cô Thơm phân tích: “Những năm trước đây, đề kiểm tra cuối học kỳ khối 6, 7, 8 do nhà trường tự ra, nên việc kiểm tra diễn ra khá êm thắm, bởi giáo viên ôn tập cho học sinh dạng nào thì đề kiểm tra na ná như thế, học sinh cũng dễ làm hơn. Đây là năm đầu tiên Phòng GD&ĐT ra đề kiểm tra chung cho học sinh lớp 6 toàn quận (theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP, để đánh giá trình độ học sinh theo mặt bằng chung) lại ra đề mở, nội dung hơi lạ so với trước đây, nên có thể một số học sinh làm bài không như ý giáo viên mong muốn”.
Cô Thơm kết luận: “Vẫn biết việc đổi mới không dễ dàng được chấp nhận ngay, nhưng tôi vẫn hy vọng đề kiểm tra lần này góp phần định hướng cho việc dạy và học văn trong trường phổ thông. Trên cơ sở đó, giáo viên cần có cái nhìn khác đi trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Dạy văn là dạy cho học sinh kỹ năng, cách cảm thụ văn chương chứ không phải dạy các em học vẹt, học tủ. Tuy nhiên, đây cũng là một bài học cho ban ra đề, sau này chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và cân nhắc nhiều hơn về nội dung đề, nhất là phần câu, chữ sẽ rõ ràng hơn”.
Nhiều thắc mắc về nội dung đề
Ngoài câu 3 thì một số giáo viên cũng nêu băn khoăn về nội dung câu 2 trong đề kiểm tra: “Em hãy viết một văn bản ngắn (khoảng 6-8 câu) nêu suy nghĩ của em về một âm thanh quen thuộc trong cuộc sống, trong đoạn văn có sử dụng một cụm danh từ và một cụm động từ (gạch dưới và chú thích)”.
Các giáo viên cho rằng: học sinh lớp 6 chưa bao giờ gặp dạng đề “nêu suy nghĩ” cả. Các em chỉ được yêu cầu tả, kể, phát biểu cảm nghĩ mà thôi.
Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thơm giải thích: “Trong các đề mẫu mà trường THCS gửi về phòng, đúng là hầu hết đều yêu cầu “Em hãy viết một đoạn văn nói về...”.
Tôi lại nghĩ nếu muốn viết, muốn tả thì học sinh cũng phải suy nghĩ. Và lệnh của đề là “nêu suy nghĩ” thì cũng không có gì xa lạ với học sinh. Ngay trong đáp án cũng rất mở: học sinh có thể tả, nêu cảm nhận, cảm nghĩ, kể chuyện... đều có điểm”.
PGS.TS Trần Hữu Tá (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP HCM): Đề này là tốt, có chất văn!
Theo tôi, nên khuyến khích dạng đề như đề kiểm tra của Phòng GD-ĐT Phú Nhuận, TP HCM, bởi nó kích thích sự cảm thụ văn chương của học sinh.
Tuy nhiên, hai câu thơ trong bài Con cò của Chế Lan Viên hơi “già” so với học sinh lớp 6. Nhưng không sao, “lệnh” của đề rất rõ ràng: “Hãy kể một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử”, không có gì đánh đố cả. Hai câu thơ dẫn dắt vào đề tạo được sự xúc động, tạo đà và tạo cảm hứng để học sinh làm bài hay hơn.
Theo tôi, đa số học sinh lớp 6 hiểu được ý nghĩa cụm từ “tình mẫu tử”, mặc dù trên thực tế có thể có em viết nông cạn, có em viết không hay, có em không viết được...
Điều cần rút kinh nghiệm ở đây là lần sau người ra đề nên chọn những câu thơ dễ hiểu hơn, phù hợp hơn với lứa tuổi và nhận thức của học sinh. Nhìn chung, đề này là tốt, có chất văn và khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ trong học sinh.