Tại Hà Nội, chiều 20/10, học sinh và thầy cô giáo trường THPT Trần Nhân Tông hoảng sợ khi nhiều mảng vữa trần tại nhiều lớp học bị vỡ, rơi xuống sàn. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ tai nạn thời gian gần đây xảy ra ở trường học.
Học trong lo lắng
Học sinh Nguyễn Hà Phương, trường THPT Trần Nhân Tông, cho biết: “Khi đến trường, em rất lo lắng. Thậm chí, em còn không muốn vào lớp vì sợ ngày nào đó nạn nhân chính là mình”.
Một nam sinh của trường chia sẻ cảm giác đi học bất an: “May mắn hôm vữa rơi trong lớp học, em ở ngoài, nếu ở bên trong không biết sẽ thế nào”.
Một số em thậm chí còn muốn đội mũ bảo hiểm đi học vì lo tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Lớp học xuống cấp ở trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: D.T. |
Cô Đinh Thị Hà, giáo viên của trường, kể những ngày mưa kéo dài, cô rất lo lắng khi học sinh đến trường. "Dịp này, thời gian mưa kéo dài lâu quá nên trần nhà bị thấm và vữa trần có thể rơi bất cứ lúc nào”, cô Hà thông tin.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Phan Thanh Tùng - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông - nói vữa trần nhà rơi xảy ra trong phòng học của lớp 10A12 và 12A13. Rất may trong hai lần đó, cả trường được nghỉ và học sinh đang ngoài sân tập thể dục nên không có tai nạn đáng tiếc.
“Qua kiểm tra, chúng tôi thấy nhiều phòng khác cũng có dấu hiệu không ổn. Nhà trường đã chủ động làm cho vữa rơi khi trong phòng không có người. Việc này sẽ làm giảm nguy cơ tai nạn. Những người thực hiện nhiệm vụ được khuyến cáo đội mũ bảo hiểm, mũ cối. Chúng tôi không yêu cầu học sinh đội mũ bảo hiểm vào lớp học”, ông Tùng nêu.
Nhà trường cũng cảnh báo giáo viên và học sinh nâng cao cảnh giác để quan sát các khu vực, lớp học có dấu hiệu bong tróc, rơi vữa trên tường hoặc trần nhà, chủ động phòng tránh.
Nói về các giải pháp trước mắt, vị hiệu trưởng cho hay đã bố trí hai lớp của khối 10 và hai lớp của khối 12 học ở hội trường. Tuy không được như ở phòng học, hội trường cũng đầy đủ bàn ghế, máy chiếu, bảng ghi, phấn... để đảm bảo các em không bị ảnh hưởng tiến độ học tập.
Liên tục tai nạn đáng tiếc
Thời gian gần đây, nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra trong trường học, trong đó có những vụ liên quan cơ sở vật chất xuống cấp.
Ngày 24/10, sinh viên ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM (Hutech) hoảng sợ, phản ánh phòng học bong tróc, tòa nhà rung lắc.
Trước đó, tối 17/10, Nguyễn Thanh Long, sinh viên ngành Kỹ thuật Môi trường, ĐH Hutech, tử vong do bị bê tông rơi trúng tại sân trường. “Tại sao con tôi chỉ đi học mà cũng chết?", mẹ Long nghẹn ngào thốt lên.
Chiều cùng ngày, một học sinh lớp 8, trường THCS Đoàn Thị Điểm (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị ngã từ tầng 2 xuống đất, do đu lên lan can để tập xà và bị trượt tay.
Một học sinh khác của trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) cũng bị rơi từ tầng 3 xuống đất, bị chấn thương vùng xương chậu và chân.
Ngày 12/10, con anh Phạm Văn Đạt (ở huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) học lớp 1 trường Tiểu học Tam Quan, bị cánh cổng trường đổ sập xuống người dẫn đến gãy xương quai xanh.
Cùng ngày, Bùi Văn Thành, học sinh lớp 4D, trường Tiểu học Đại Bản (An Dương, Hải Phòng) tử vong tại trường do bị điện giật.
Một vụ việc đáng tiếc khác là học sinh lớp 7 trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏng cồn ngay trong trường, phải nhập viện điều trị với nhiều vết bỏng.
Bộ GD&ĐT nên chỉ đạo rà soát công trình không đảm bảo
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - khẳng định môi trường giáo dục an toàn phải đặt lên hàng đầu. Không thể để xảy ra tình trạng mất an toàn cho học sinh và giáo viên.
TS Tùng Lâm đề xuất các công trình trong trường học phải thường xuyên được kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn, không để đến khi tai nạn xảy ra mới nói đó là sự cố đáng tiếc. Nếu có tai nạn trong trường học, người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng, không thể đổ lỗi cho học sinh hay gia đình.
Ông Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị trong trường hợp phát hiện trường học xuống cấp, mất an toàn, đe dọa tính mạng, sức khỏe của học sinh, thầy cô giáo, hiệu trưởng phải cho tạm dừng dạy học hoặc chuyển lớp khác.
Ông Lâm cũng cho rằng ngành giáo dục cần có công văn yêu cầu các trường tổng kiểm tra, rà soát các hạng mục kém chất lượng, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn.
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc công ty luật Bảo An, Hà Nội - nhà trường cần có những quy định cụ thể hơn về đánh giá chất lượng công trình công cộng, đặc biệt là trường học, bệnh viện, nhà ga..., những nơi tập trung đông người, thời gian hoạt động 24/24.
Định kỳ hàng năm hoặc 5 năm một lần (tùy theo hạng công trình), cơ sở vật chất trường học cần phải được kiểm định mức độ an toàn mới có thể hạn chế tai nạn.
"Trước mắt, cơ quan chủ quản của ngành giáo dục cần có công văn yêu cầu các trường tổng kiểm tra, rà soát công trình, hạng mục kém chất lượng và có phương án xử lý kịp thời. Những trường hợp phức tạp phải thuê cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm định", ông Vinh nêu quan điểm.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường công tác an toàn, an ninh trường học.
Công văn nêu rõ các nhà trường phải đẩy mạnh việc phối hợp với gia đình trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường tuyên truyền để cha mẹ học sinh thấy rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ biết cách phòng, tránh nguy cơ mất an toàn cho bản thân; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các cơ quan liên quan trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề không may xảy ra.
Ông Nguyễn Thế Sơn - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội, vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư xây dựng hệ thống phòng học. Tuy nhiên, đây là kinh phí của năm 2018 nên sớm nhất cũng phải đến quý I năm sau mới có thể thi công.
Các công việc liên quan như thiết kế, lập kế hoạch đầu tư cũng đã hoàn thiện. Sau khi Sở Xây dựng thẩm định dự án, trường sẽ được xây mới toàn bộ dãy nhà mà có phòng học vừa xảy ra sự cố.
“Thời điểm chờ thi công này, nhà trường cần tránh các lớp học hỏng, luân chuyển học tập sao cho hợp lý”, ông Thế Sơn nhấn mạnh.