Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh nên làm gì khi nghỉ trọn 3 tháng hè?

Để mùa hè của trẻ không trôi qua vô nghĩa, phụ huynh có thể cho con học thể thao, kỹ năng mềm.

Từ năm học tới, học sinh cả nước sẽ có 3 tháng hè trọn vẹn theo lịch trình năm học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Nhiều phụ huynh và học sinh không muốn mùa hè chỉ có học, ôn thi, thời gian trôi qua lãng phí. Sử dụng mùa hè đúng cách để trẻ có trải nghiệm trọn vẹn, nhiều kỷ niệm là việc đáng để suy nghĩ và lựa chọn.

hoc sinh nghi he 3 thang anh 1

Thời gian nghỉ hè dài, trẻ vẫn có thể vui chơi và học hỏi thêm điều mới lạ, nếu phụ huynh biết cách sắp xếp. Ảnh: Quỳnh Trang.

Học các môn vận động và kỹ năng mềm

Học bù để đuổi kịp kiến thức với bạn bè đồng trang lứa là lựa chọn chỉ dành cho học sinh đặc biệt. Đó là những em không theo kịp chương trình chính trong năm học hoặc bỏ lỡ những nội dung quan trọng vì đau ốm, di chuyển, đổi trường.

Trong các trường hợp như vậy, việc học thêm mùa hè là tích cực. Các em thoát khỏi áp lực của lớp học chính khóa để bổ sung, củng cố những gì mình chưa đạt. Việc học cần tổ chức khoa học, cân bằng giữa các hoạt động, thay vì nhồi nhét kiến thức. Nhiều học sinh tự tin hơn khi trở lại trường sau mùa hè học bổ sung các môn như Tiếng Anh, Tiếng Việt, Toán, Khoa học.

Lựa chọn khác, phụ huynh nên hướng con học thể thao. Những trẻ đam mê thể thao thường có thể lực, sức bền, ý chí mạnh mẽ.

Các trường phổ thông ở Việt Nam thường xem giáo dục thể chất là môn phụ. Tuy nhiên, với trường học hiện đại, giáo dục thể chất và câu lạc bộ thể thao quan trọng, thậm chí là tâm điểm của hoạt động của nhà trường. Nếu trường của con quá nghiêng về học thuật, mùa hè là cơ hội để phụ huynh cân bằng bằng cách tăng cường thể chất cho con thông qua thể thao.

Nghỉ hè cũng là khoảng thời gian thích hợp để trẻ học các môn nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, múa. Nghệ thuật là “thể thao của tâm hồn”.

Gần đây, các trường phổ thông ở Việt Nam có các câu lạc bộ nghệ thuật nhưng thường chỉ dạy ở mức căn bản. Nếu trẻ muốn học chuyên sâu hoặc có đam mê đặc biệt, phụ huynh nên dẫn con tới những trung tâm nghệ thuật hoặc tìm học những thầy đào tạo nghệ thuật danh tiếng.

Trẻ không nên học các môn nghệ thuật với giáo viên không có chuyên môn và không có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật. Họ có thể khiến trẻ đánh mất hứng thú, thậm chí hiểu sai, có ấn tượng sai về một bộ môn nghệ thuật nào đó và sớm bỏ cuộc vĩnh viễn.

Nghe có vẻ mới lạ nhưng trong những năm gần đây, học kỷ luật là một trong những điều các gia đình có điều kiện hướng đến, trong đó có học kỳ quân đội. Đây là một ý tưởng tốt, đặc biệt với học sinh trung học, cần sự rèn luyện về tác phong, tinh thần kỷ luật, ý chí vượt khó. Thực ra, phụ huynh trả số tiền lớn cho các trường nội trú ở nước ngoài, cũng là để học những điều này.

Kỹ năng sinh tồn, sự nhạy bén, lối sống ưa vận động, tuân thủ giờ giấc, tinh thần đồng đội là những điều vô giá mà trường học chính khóa ít có điều kiện dạy trong không gian thực hành. Đây là khóa học trẻ phải xa nhà, tham gia các hoạt động thực tế ngoài khuôn viên nhà trường, nên phụ huynh bắt buộc phải lựa chọn các đơn vị có uy tín, chuyên gia huấn luyện và đảm bảo an toàn. Phụ huynh tuyệt đối không cho con theo học các trung tâm có chuyên gia không được huấn luyện và cấp bằng về đảm bảo an toàn, vì có thể rủi ro tới tính mạng.

Học về phép lịch sự là nội dung những khóa học chuyên biệt dạy học sinh về cách cư xử. Phép lịch sự học cả đời không đủ, trẻ nên được học những khóa thực hành cơ bản để hiểu những nguyên tắc tối thiểu. Cách học môn Giáo dục công dân của Việt Nam ít tính thực tiễn, thực hành nên học thêm là cần thiết.

Dù có ý định cho con du học hay không, văn hóa toàn cầu cũng là điều cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Ra khỏi lãnh thổ đất nước, trẻ có tầm nhìn của một người từ xa nhìn về “lũy tre làng” của mình để gạt bỏ thành kiến, ngộ nhận và cởi mở hơn với nhiều giá trị văn hóa khác nhau.

Nếu không du học hay sống ở nước ngoài, người trẻ vẫn nên học tôn trọng sự khác biệt, đa dạng, đa chiều, so sánh được các giá trị văn hóa của Việt Nam với nước khác. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị văn hóa Việt Nam.

hoc sinh nghi he 3 thang anh 2

Học kỳ quân đội cũng là lựa chọn của những gia đình có điều kiện cho con trong mùa hè. Ảnh: Chí Toàn.

Mùa hè 'bất động'

Học online những điều chưa bao giờ được học. Chương trình học phổ thông của Việt Nam có nhiều môn nhưng nội dung lại thiếu tính cập nhật, không hấp dẫn. Những gì trẻ muốn học về robotics, thiên văn, trí tuệ nhân tạo, tôn giáo, chủng tộc, tâm lý thực hành... đều có thể tìm trên các diễn đàn hoặc lớp học online.

Thực tế, phụ huynh có thể cho con học nghề trong hè. Một đứa trẻ biết sửa chữa đồ đạc, thiết kế vật dụng, nấu món ăn… sẽ sinh tồn được ở bất cứ đâu. Rất nhiều trường dạy nghề có các khóa học ngắn hạn về pha chế cocktail, nấu ăn Âu - Á, may quần áo, đóng đồ gỗ, sửa chữa đồ điện gia dụng, đồ điện tử, xe đạp, xe máy…

Kỹ năng sử dụng đồ dùng phổ thông, đồ gia dụng, thiết bị điện và điện tử vô cùng quan trọng với cuộc sống của trẻ sau này, dù ở góc nhà nào của thế giới. Những khóa học này tại Việt Nam có nhiều, chi phí rẻ.

Nhiều khóa học cho trẻ khám phá khoa học. Các trường quảng cáo STEM nhiều, nhưng tìm được những chỗ học có chiều sâu về khám phá khoa học, tư duy khoa học, thực hành khoa học không hề dễ.

Phụ huynh phải sàng lọc để chắc chắn trẻ được tiếp xúc với các nhà khoa học thực thụ, không làm mất thời gian với những thứ “giả khoa học” có nhiều trên thị trường. Có nhiều sự kiện STEM thực ra chỉ là những màn trình diễn, không có nhà khoa học tham gia.

Mùa hè lười biếng, tại sao không? Mùa hè không làm gì cũng là một lựa chọn. Lựa chọn này dành cho những bé đã học quá nhiều, quá bận rộn trong năm đến mức “hụt hơi”.

Nếu trẻ bị kiệt quệ trong năm học vì quá nhiều bài vở, áp lực thi cử thì một mùa hè “bất động” không phải là quãng thời gian vô nghĩa. Đó là quãng thời gian “phục hồi”. Người lớn hãy để trẻ được lắng nghe tiếng nói từ chính mình, thích gì, không thích gì.

Trẻ không nên bị ép đọc sách văn học, nghe nhạc, làm các điều có ích khác khi không sẵn sàng. Điều tốt nhất bạn nên làm là “bỏ mặc” trẻ trong sự nhàn rỗi tuyệt đối để chúng lấy lại nguồn năng lượng đã mất.

Cuộc sống có vô vàn cách khác nhau để sử dụng mùa hè. Trên đây chỉ là một vài ý tưởng như những điểm khởi đầu, phụ huynh hoàn toàn có thể cùng con tìm ra những điều thú vị để học và làm ngay xung quanh mình.

Ông Bùi Khánh Nguyên là cử nhân ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Ngoại thương. Ông nhận bằng thạc sĩ ngành Báo chí & Truyền thông, ĐH Stirling (Vương quốc Anh) và hoàn tất chương trình MBA của ĐH Hawaii (Mỹ) tại Việt Nam.

Từ năm 2002-2007, ông Nguyên dạy tiếng Anh tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Hội Anh văn Việt Mỹ, đồng thời là nghiên cứu viên quan hệ quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Sau đó ông chuyển sang làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia của Anh và Mỹ (Prudential, BAT và Amway) trong các vai trò giám đốc Quan hệ công chúng, giám đốc Truyền thông và giám đốc Đối ngoại.

Năm 2017, ông quay lại làm việc trong ngành giáo dục với vai trò cộng tác viên cho một dự án nghiên cứu về các trường quốc tế tại TP.HCM của Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM. Hiện tại, ông làm việc trong ngành ngân hàng và trở thành chuyên gia độc lập về giáo dục.

Bộ GD&ĐT quyết định học sinh được nghỉ hè 3 tháng

Bộ GD&ĐT thông tin năm học 2020-2021 sẽ kết thúc trước ngày 31/5. Thời gian tựu trường sớm nhất là 1/9.

Bùi Khánh Nguyên

Bạn có thể quan tâm