Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh Nhật Bản giỏi Toán nhờ... học vẹt

Điểm khác biệt giữa phương pháp dạy, học ở Nhật Bản và Australia cho thấy, học vẹt cùng môi trường cạnh tranh là những yếu tố cải thiện khả năng học Toán.

Hai quốc gia châu Á là Singapore và Nhật Bản lần lượt dẫn đầu trong chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong khi đó, Australia chỉ xếp thứ 14, BBC cho hay.

Những điểm khác biệt giữa cách dạy, học Toán ở Nhật Bản và Australia có thể là kênh tham khảo giúp trẻ em trên thế giới học tốt môn học mang tính ứng dụng cao này.

Trẻ em Nhật Bản học vẹt và tính nhẩm

Từ 7 hoặc 8 tuổi, trẻ em được dạy bài thơ kuku. Trong tiếng Nhật, ku có nghĩa là 9. Đây cũng là phần cuối của bài thơ "chín chín tám mươi mốt".

Các em chỉ học vẹt và phải đọc thuộc ở lớp, cũng như ở nhà. Học sinh lớp 2 sẽ tham gia cuộc thi nhằm tìm người có thể đọc thuộc 81 câu thơ với tốc độ nhanh nhất.

Phương pháp học này giúp học sinh có thể ngay lập tức đưa ra đáp án khi vừa thấy câu hỏi.

Nhật Bản khuyến khích trẻ em học vẹt để cải thiện khả năng Toán học. Ảnh: Asianscientist.

Theo Alex Bellos, người phụ trách chuyên mục Khoa học trên Guardian, trẻ em Nhật Bản biết 7 x 7 = 49 không phải vì các em nhớ Toán, mà nhờ giai điệu "bảy bảy bốn mươi chín".

Trẻ em nước này thường tham gia các chương trình ngoại khóa về Toán. Các trường ở thành phố Tokyo còn mở lớp dạy cách sử dụng bàn tính cho học sinh tiểu học và trung học. Sau khi tính toán thành thạo bằng bán tính, các em có thể tính nhẩm một cách nhanh chóng.

Học sinh Nhật Bản dành nhiều thời gian để học Toán. Hàng tuần, ngoài 4 tiết học Toán ở trường, các em còn tự học ở nhà trong hai đến 4 buổi tối.

Nhờ đó, với khoảng hai năm học theo phương pháp này, trẻ em Nhật Bản có thể tính nhẩm phép nhân lên đến 7, 8 con số thậm chí còn nhanh hơn trẻ em Australia tính nhẩm phép tính đơn giản 7 x 8.

Giáo viên Australia cấm học sinh học vẹt

Học sinh nước này không học Toán theo phương pháp của trẻ em Nhật Bản. Tại bang Victoria, giáo viên khuyến khích học sinh không phụ thuộc vào sách giáo khoa, bài tập hay lối học vẹt. Họ cũng không dạy các công thức Toán học.

Giáo dục Australia chú trọng việc học sinh tự tìm tòi, khám phá để hiểu các khái niệm. Họ cho rằng, học vẹt hạn chế khả năng tư duy, hình thành lối suy nghĩ nông cạn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc học bằng cách ghi nhớ vẫn là một trong những phương pháp quan trọng.

Theo nhà tâm lý học Daniel Willingham, trẻ em không thể hiểu mối liên hệ giữa các khái niệm Toán học nếu họ phải tập trung gần như toàn bộ sự chú ý vào những phép tính đơn giản.

Ở chương trình học cao hơn, lối học vẹt có thể tăng tốc độ tính toán, giúp các em có thời gian và tâm trí cho việc tìm hiểu khái niệm.

Đương nhiên, phương pháp này cũng có hạn chế. Đây chính là lý do các nhà giáo dục Australia không khuyến khích học sinh sử dụng nó. Họ lo ngại việc học thuộc lòng khiến các em nhàm chán và mất tính chủ động trong học tập.

Cạnh tranh tăng khả năng thành công

Học sinh Nhật Bản lại tỏ ra hứng thú với việc học sử dụng bàn tính để tăng tốc độ tính toán. Họ coi tính nhẩm như môn thể thao với rất nhiều cuộc thi ở cấp địa phương, khu vực, quốc gia.

Điều này trái ngược nguyên tắc hạn chế tính cạnh tranh trong giáo dục ở Australia. Việc nhà trường không đánh giá kết quả học tập của học sinh khiến các em không có động lực phấn đấu.

Nghiên cứu cho thấy, một người cần ít nhất 10.000 giờ tập trung học tập mới có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực. Những người đạt thành tích cao trong Toán học sẵn sàng đầu tư lượng thời gian lớn như vậy vì họ khát khao thành công.

Việc học thuộc rất nhàm chán nhưng Nhật Bản sử dụng các cuộc thi tính nhẩm để thúc đẩy động lực học của trẻ em. Trong khi đó, Australia dùng phương pháp tự khám phá. Nó thú vị hơn cách của Nhật Bản nhưng cũng kém hiệu quả hơn.

Như vậy, tính cạnh tranh và lối học vẹt là hai yếu tố có thể tăng khả năng học Toán của trẻ em. Điều này được chứng minh thông qua sự thành công của các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản.

Cách giải 32 - 12 = 20 đã lỗi thời ở Mỹ

Phụ huynh Mỹ thường xuyên phát cáu, thậm chí bật khóc khi giúp con làm bài tập, giải những bài toán đơn giản theo cách phức tạp của Bộ quy chuẩn Chương trình cốt lõi.

 

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm