Sáng 4/10, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) tổ chức lễ chia tay hiệu trưởng Lâm Triều Nghi, trước khi thầy chuyển công tác về trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Nhiều học sinh, thầy cô rưng rưng nước mắt khi thầy hiệu trưởng tiến lại bắt tay, ôm vai.
Các bạn học sinh xuống sân trường, nhiều cựu học sinh khi vừa hay tin vội vã có mặt trong sáng 4/10. Buổi chia tay dự kiến diễn ra từ 5-10 phút nhưng đã kéo dài hơn rất nhiều, vì những tình cảm đặc biệt của học sinh, cựu học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Người thầy đặc biệt trong mắt học trò
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử của trường, cho biết trước đó, hôm 3/10, tập thể giáo viên nhà trường đã có buổi chia tay thầy Lâm Triều Nghi.
Thầy Lâm Triều Nghi bắt tay từng đồng nghiệp trước khi rời mái trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Thùy Trang. |
"Dù đã biết thầy chuyển công tác từ trước, đến giây phút chia tay, mọi người vẫn không khỏi xúc động. Với mình, thầy là người có tâm, người tốt và giản dị. Thầy thân thiện với mọi người và luôn chuẩn mực đối với giáo viên và học sinh. Thầy đóng góp cho trường rất nhiều, cả một công cuộc cải cách và xây dựng trường thân thiện và dân chủ", cô Thảo chia sẻ.
Cô Trần Thúy Hằng, từng là giáo viên dạy Toán trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhớ mãi hình ảnh người thầy giản dị, tận tụy. Dù đã không còn giảng dạy tại trường, khi nghe tin thầy chuyển công tác, cô vẫn xúc động.
Học sinh xúc động chia tay thầy hiệu trưởng. Ảnh: Thùy Trang. |
"Mình vẫn nhớ sự tận tụy, yêu thương học trò của thầy. Nhớ những sự ủng hộ của thầy cho mình làm những điều mới mẻ, đột phá. Thầy luôn đỡ nâng, động viên mình khi còn ở trường, bất cứ gặp khó khăn gì thầy đều gỡ giúp một tay.
Thầy còn là một 'cây' văn nghệ, hiệu trưởng 'chịu chơi'. Khiêu vũ trên sân trường thầy cũng 'dám', huýt sáo ca tưng bừng trong buổi họp tổ Toán, hát karaoke cực 'cool'. Nhớ thầy nhiều và chúc thầy luôn mạnh khoẻ, thành công ở bất cứ nơi đâu", cô Hằng nói.
Hồng Ân, cựu học sinh của trường, nhớ lại kỷ niệm khó quên với người thầy của mình: "Có lần, mình cùng bạn trai đi ăn ở quán gần trường, hai đứa thấy thầy rồi chào lễ phép, thầy chỉ gật đầu cười chào lại. Thầy đến ăn trước nên tính tiền về trước, khi tụi mình ăn xong ra tính tiền thì nhân viên nói thầy đã trả rồi. Mặc dù đã ra trường 3 năm, biết thầy đi, mình vẫn không cầm được nước mắt".
Thầy Nghi nhận được nhiều tình cảm của học trò, đồng nghiệp trong suốt thời gian công tác tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: CLB báo chí chuyên Trần Đại Nghĩa. |
Hình ảnh người thầy đứng ở kỳ đài quan sát học sinh mỗi buổi tan trường, luôn nở nụ cười đáp lại lời chào của các em học sinh đã in sâu vào ký ức của nhiều thế hệ học sinh Trần Chuyên (cách gọi THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thân thương của học sinh).
Học sinh tâm sự trên diễn đàn trường rằng những năm vừa qua, bao thế hệ học sinh Trần Chuyên đã quen thuộc với hình ảnh người thầy hiền lành, giản dị dù là hiệu trưởng của một trường chuyên, dù đã gặp phải nhiều hoài nghi ngày trước.
Thầy vì thân tình quá mà người khác e ngại và cũng vì thân tình quá mà giờ đây ai cũng thương, cũng quý. Hôm nay tạm biệt thầy, mỗi người lại nhớ thầy một kiểu.
"Trong những ngày mưa nhốn nháo, thầy luôn đứng lặng lẽ trên kỳ đài mà quan sát học sinh ra về, có lẽ vì sợ phụ huynh khó khăn khi đưa đón, sợ học sinh ướt mưa khi ra về và có lẽ cũng vì vậy mà có cô giáo đã nhớ thầy, bởi những ngày bắt gặp thầy như thế", trích tâm sự của học sinh.
Trong những ngày lớp 11 học Tin, thầy luôn nhận dạy lớp chuyên Văn để giúp đỡ phần chương trình nặng nhất, có lẽ vì cái tâm mà giữa bao công việc của một người hiệu trưởng, thầy vẫn dành thời gian để lên lớp, để ngồi dò từng dòng mã, để đưa từng ví dụ thực tế cho học sinh và có lẽ cũng vì vậy mà hôm nay, về trường đông nhất là lớp chuyên Văn.
"Thầy còn nhiều điều khiến chúng mình phải nhớ, thầy cô nhớ một người lãnh đạo gần gũi, học sinh nhớ một người thầy luôn mỉm cười, cúi người để chào lại, luôn hỏi thăm, động viên trước mỗi kì thi lớn và luôn tạo điều kiện để phát huy, học tập", học sinh Trần Đại Nghĩa viết.
Sứ mệnh xây dựng và kiến thiết
TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã dành những tình cảm quý mến, trân trọng cho đồng nghiệp của mình: "Có những người được sinh ra để thực hiện sứ mệnh xây dựng và kiến thiết. Thầy Lâm Triều Nghi là một người như vậy. THPT Nguyễn Hữu Huân, chuyên Trần Đại Nghĩa và bây giờ là Nguyễn Thượng Hiền. Ở những nơi anh đã làm việc và cống hiến, anh đều để lại những dấu ấn đặc biệt".
Ông Dũng vẫn còn nhớ trường Nguyễn Hữu Huân đã vượt qua khó khăn để lớn mạnh như thế nào, và chuyên Trần Đại Nghĩa có những đổi mơi ra sao.
"Anh còn có nhiều ý tưởng táo bạo nữa mà nay các đồng nghiệp của anh sẽ tiếp sức. Anh lại về nhận nhiệm vụ mới ở một ngôi trường mới. Để lại xây dựng và kiến thiết", TS Trần Nam Dũng viết.
Dù ở cương vị hiệu trưởng, thầy Lâm Triều Nghi luôn giản dị, gần gũi với học sinh. Ảnh: Minh Tài. |
TS Dũng cho biết dù chỉ gặp thầy Nghi vài lần khi còn là giáo viên dạy Toán, phong cách hiệu trưởng Trần Chuyên không lẫn vào đâu được: Giản dị, thoải mái, thân tình.
Thời gian tới, thầy Lâm Triều Nghi sẽ tiếp tục vị trí hiệu trưởng tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - ngôi trường luôn có điểm đầu vào lớp 10 thuộc hàng "top" của Sài Gòn.
Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM được điều động về làm hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.