Tại buổi gặp gỡ đối thoại với hơn 100 học sinh tiêu biểu từ các khối giáo dục của thành phố, lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM đã lắng nghe nhiều ý kiến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những kế sách của các em học sinh.
Áp lực bài vở
Võ Trọng Tín (trường THPT Ngô Gia Tự, quận 8, TP.HCM), cho rằng việc học tập hiện nay quá nặng nề, học sinh không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Đây có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở lứa tuổi học sinh.
"Em mong muốn học sinh cấp một, hai không bị giao bài tập về nhà để có nhiều thời gian vui chơi bên gia đình và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Việc thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời sẽ kích thích não bộ phát triển tốt hơn các môn học lý thuyết", nam sinh nêu quan điểm.
Trọng Tín đề xuất không giao bài tập về nhà cho học sinh cấp một và hai. Ảnh: Minh Nhật. |
Hoàng Hạnh Nhi, lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nêu ý kiến em cũng như nhiều bạn khác thấy chương trình học hiện nay rất nặng nhưng lại sáo rỗng, giáo điều, không áp dụng vào thực tiễn được.
"Em đang học lớp 11 và là học sinh chuyên Anh nhưng vẫn phải học nhiều kiến thức Vật lý, ví dụ như chương trình 11 có học về lực Lo-ren-xơ. Thực sự, em không hiểu mình phải học về lực này để làm gì và ứng dụng nó như thế nào", nữ sinh này băn khoăn.
Theo Nhi, không nên áp đặt chương trình với 13 bộ môn đối với tất cả học sinh vì xu hướng hiện nay trên thế giới là giáo dục chuyên hóa. Tùy theo từng cá nhân cụ thể, không ai giống ai, việc áp đặt tất cả bộ môn lên mỗi học sinh là không cần thiết.
Nhi đề xuất ngành giáo dục nên để học sinh được lựa chọn những môn mình muốn học.
"Khi được lựa chọn, thứ nhất, chúng em sẽ xác định được định hướng cho mình, khi thi đại học hoặc chọn nghề sẽ dễ dàng hơn. Việc tinh chỉnh chương trình học sẽ tạo điều kiện phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ như định hướng hiện nay", nữ sinh nói.
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM - cho rằng chương trình sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT quyết định, vì hiện nay vẫn còn kỳ thi chung. Đến năm 2019, học sinh sẽ học bộ sách giáo khoa được giảm tải.
Giáo viên và học sinh có khoảng cách
Hoàng Hạnh Nhi, học sinh lớp 11 chuyên Anh, trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết em buồn vì mối quan hệ ngày càng xa cách giữa giáo viên và học sinh.
Hạnh Nhi băn khoăn trước mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường: Ảnh: Minh Nhật. |
Hoàng Hạnh Nhi bày tỏ thầy cô vừa vào lớp đã cầm phấn viết bảng ngay, không có thời gian sinh hoạt với học sinh. Thậm chí, nhiều thầy cô còn “tranh thủ” tiết sinh hoạt chủ nhiệm để chạy giáo án hoặc cho học sinh làm bài kiểm tra khiến cả học sinh lẫn giáo viên không có thời gian lắng nghe nhau và thấu hiểu.
Cùng quan tâm về vấn đề này, Nguyễn Lưu Ngọc Danh, THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho rằng môn Giáo dục Công dân trong nhà trường có thể dạy cho học sinh cách ứng xử với các mối quan hệ trong xã hội, trong đó có mối quan hệ thầy trò. Nhưng theo nam sinh này, hiện nay, môn học vẫn còn khô khan, giáo điều do đó chưa mang lại hiệu quả giáo dục tốt.
Ông Lê Duy Tân - trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM - cho rằng thầy cô đều thương yêu học sinh nhưng có thể nhiều người chưa biết cách thể hiện.
Ông Tân nói giữa nhà trường và học sinh nên có các diễn đàn nói và nghe, thầy cô nên lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em nhiều hơn. Vấn đề này sẽ được ngành giáo dục thành phố lưu tâm.
"Có thể các thầy cô vì áp lực, yêu cầu công việc, mải mê với bài vở, giáo án mà quên đi việc thể hiện tình cảm với học sinh, chưa trò chuyện, lắng nghe các em nhiều hơn", ông Tân nói.