Phát biểu tại hội thảo do ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây, GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới - cho hay khi đi tập huấn, giáo viên thường hỏi về thi cử nhưng ông không dám trả lời.
“Nếu thi tuyển sinh vào lớp 10 như Hà Nội vừa qua, chương trình môn Toán sẽ 'chết từ trong trứng'. Chúng ta còn thi như thế thì việc học sẽ như vậy. Thứ bảy tuần trước, tôi thấy thi vào lớp 6 trường THCS Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, khó ngang với tuyển sinh vào ĐH Harvard. Chúng ta còn học như thế thì không bao giờ thay đổi được giáo dục”, GS Thái nêu quan điểm.
Ông nói thi vào lớp 6 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, số thí sinh có điểm tổng kết từ lớp 1 đến lớp 5 toàn 10 nhiều vô kể. “Ngày xưa, tôi học rất giỏi nhưng cũng không làm được như vậy. Chúng ta đang làm ‘hàng fake’ từ nhỏ”, ông Thái nói.
Ông Thái cho rằng nếu thi tuyển sinh vào lớp 10 như Hà Nội vừa qua, chương trình môn Toán sẽ "chết từ trong trứng". Ảnh: Q.Q. |
Phải biến kiến thức thành hành động
Trong quá trình tập huấn cho giáo viên, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho hay ông muốn được nói và thầy cô nghe những gì hiệu quả. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là khung của nền giáo dục phổ thông sau năm 2020. Giáo viên phải nắm được ý tưởng, triết lý quan trọng nhất.
“GS Nguyễn Minh Thuyết nói điều quan trọng nhất không phải dạy cho học sinh biết mà phải biến cái biết đó thành cái gì. Kiến thức không mất đi mà phải biến thành hành động. Nếu kiến thức chỉ phục vụ cho kỳ thi là không ăn thua”, ông Thái bày tỏ.
Từ bức tranh tổng thể của chương trình mới, GS Thái nói cho giáo viên hiểu về “căn phòng riêng” là chương trình môn Toán. Giáo viên bất cứ cấp học nào, nếu hiểu được ý tưởng, sẽ giúp tạo dựng niềm tin.
Người giành huy chương đồng IMO 1978 cũng cho rằng cải cách nhanh nhất trong giáo dục là... đi từ từ, không thể đốt cháy giai đoạn. Chúng ta không thể đuổi một lúc 400.000 giáo viên tiểu học để đòi hỏi bằng đó con người được thay mới hoàn toàn, truyền tải được những điều thú vị của chương trình mới. Đây là điều hoang đường với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chương trình mới thực chất vẫn là “con đường xưa” nhưng có thêm vài vách ngăn.
“Tôi rất sợ thầy giáo tham gia tập huấn kẻ bảng bao gồm cột một về chương trình lớp 1, lớp 6 hiện hành. Cột hai là chương trình mới và chỉ ra những chỗ được bổ sung. Các thầy dạy như vậy là ‘giết chết’ chương trình Toán từ trong trứng”, GS Đỗ Đức Thái nói.
Vấn đề ở đây không phải chương trình Toán có nội dung thêm bớt thế nào. Chương trình đã được thiết kế theo ý tưởng hoàn toàn khác và giáo viên phải thấy được điều đó.
Giáo viên dạy không cần sách giáo khoa là lý tưởng
Chủ biên chương trình môn Toán cho rằng trình độ nói chung của giáo viên tiểu học không cao. Họ muốn được cầm tay chỉ việc cụ thể kiến thức mới trong sách giáo khoa sẽ phải dạy ra sao. Ở chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là công cụ, phương tiện dạy học.
Thậm chí, giáo viên không cần sách vẫn dạy được. Thầy cô phải phân tích, hiểu chương trình, sau đó mới quy ra năng lực sẵn có trong con người để triển khai chương trình mới. Ngoài ra, phía nhà xuất bản cần có trách nhiệm trong việc tập huấn chương trình sách giáo khoa.
“Lý tưởng nhất là khi chúng ta không còn sách giáo khoa nữa, mỗi giáo viên là một cuốn sách của chính mình”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái nói.