Trong các video đang lan truyền trên TikTok gần đây, người thực hiện trào lưu "bắt pen" chủ yếu là học sinh cấp 2. Để thực hiện, một em học sinh được một bạn khác dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ.
Sau thao tác này, người chơi rơi vào trạng thái lơ mơ, phải tác động nhẹ mới tỉnh dậy được. Cảm giác "phê pha" được mô tả lại khiến nhiều em học sinh thích thú và tò mò thực hiện.
Lần đầu xem video và theo dõi quá trình thực hiện "bắt pen" của các em nhỏ, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, không khỏi bất ngờ.
Cơ thể có 2 hệ thống mạch máu chính cung cấp máu lên não bộ: 2 động mạch cảnh (tuần hoàn trước) chịu trách nhiệm 70-80% nhu cầu của não bộ và động mạch sống-nền (tuần hoàn sau) chịu trách nhiệm 20-30% nhu cầu máu còn lại.
Các hệ thống mạch máu phía trước - sau và 2 bên được liên kết với nhau qua đa giác Willis (giống như vòng xoay giao thông), nhằm đảm bảo nhu cầu máu lên não luôn ổn định khi một bên bị sự cố.
Hai động mạch cảnh trong đoạn cổ còn có xoang cảnh có tác động điều chỉnh nhịp tim và huyết áp.
Hành động "bắt pen" nhờ ép chặt 2 bên động mạch cảnh sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng. Nếu bỏ tay nhanh, người thực hiện sẽ có cảm giác chóng mặt, ngất xỉu hoặc mất ý thức thoáng qua.
Trong trường hợp bị ép quá lâu, người thực hiện có thể đột quỵ do thiếu máu, đặc biệt khi đã có sẵn tình trạng tắc hẹp mạch máu trước đó nhưng không biết. Hành động này cũng có thể gây ra tổn thương não do hội chứng tăng tái tưới máu.
Bên cạnh đó, việc ép động mạch quá mạnh tay cũng có thể gây tổn thương động mạch cảnh.
"Chúng tôi gặp một phụ nữ trẻ nhập viện vì yếu nửa người. Khảo sát mạch máu cho thấy hình ảnh bóc tách động mạch cảnh trong. Khai thác bệnh sử trước đó, cô này chỉ bị cậu con trai bé bám vào cổ để đu", PGS Thắng lấy dẫn chứng một trường hợp từng gặp hồi ông còn tu nghiệp tại Mỹ hồi năm 2008.
Ngoài ra, ép cổ gây kích thích xoang cảnh, có thể làm chậm nhịp tim và ngưng tim.
Theo PGS Thắng, "bắt pen" là việc làm nguy hiểm, cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội. Đây hoàn toàn không phải là trò chơi để trẻ em có thể mạo hiểm thử tìm cảm giác.
Học cách già đi
Bước vào tuổi xế chiều, nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Họ không còn công việc để làm, mất đi sự năng động vốn có và trở nên tự ti. Về già, hãy học cách yêu cuộc đời một lần nữa.
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.