Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh tỉnh lẻ không thể đi du học?

Trong xu thế hội nhập, ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm kiếm cơ hội du học. Tuy nhiên, câu hỏi "Du học có khó không?" vẫn còn khiến nhiều người e dè, lo ngại.

Thiếu thông tin

“Ba mẹ chỉ định hướng cho em vào đại học, nếu rớt đại học thì nộp nguyện vọng 2 đi học cao đẳng, cùng lắm là đi học nghề. Có đúng là chỉ có học sinh thành phố học giỏi mới có thể đi du học?”là câu trả lời của Lâm Huệ, học sinh lớp 12A2 trường THPT Đức Huệ, Long An, khi được hỏi em có ý định du học không. Không riêng gì Huệ, nhiều học sinh khác đến từ Tây Ninh, Tiền Giang tại ngày hội tuyển sinh 2015 ở Đại học Bách Khoa TP HCM cũng cho rằng du học là điều gì đó rất xa xỉ. Do thiếu thông tin và cách nhìn phiến diện, học sinh ở các tỉnh luôn cho rằng chỉ có học sinh thành phố mới có thể đi du học. Trong khi đó, cánh cửa du học luôn rộng mở với bất kỳ ai có quyết tâm và được định hướng đúng đắn.

Ngày hội tuyển sinh là cơ hội để học sinh và phụ huynh trường tỉnh biết thông tin du học.
Ngày hội tuyển sinh là cơ hội để học sinh và phụ huynh trường tỉnh biết thông tin du học.

Yếu ngoại ngữ

Ngoài thiếu thông tin, nhiều người còn e dè với du học bởi do yếu ngoại ngữ. Minh Hưng, học sinh lớp 11A2 trường THPT Tân Phú chia sẻ: “Dù được gia đình định hướng cho đi du học, em vẫn không thấy tự tin vào khả năng tiếng Anh. Khoản đọc, viết còn tàm tạm; nhưng nghe, nói rất hạn chế”.

Đây không chỉ là thực trạng chung của học sinh trong nước mà còn cả du học sinh Việt Nam đang theo học ở nước ngoài. Chương trình dạy ngoại ngữ trong nước chỉ tập trung vào ngữ pháp, thiên về đọc hiểu chứ không chú trọng kỹ năng nghe nói, vốn rất quan trọng trong việc tiếp thu kiến thức, giao tiếp hàng ngày. Chính vì vậy, để tăng cơ hội nhận học bổng, học sinh Việt Nam cần rèn luyện kỹ năng nghe nói, xem ngoại ngữ như sinh ngữ chính của mình, có như thế mới mở được cánh cửa du học.

Chỉ chuộng các nước tiếng Anh

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có trên 100.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại 49 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó có khoảng 90% đi học bằng kinh phí tự túc; Mỹ, Anh, Úc, Singapore là các quốc gia có số lượng du học sinh đông nhất. Chi phí học tập ở Mỹ và Anh thuộc vào nhóm cao nhất thế giới. Tại Mỹ, học phí dao động 10.000-55.000 đô la một năm. Học phí các trường đại học ở Anh thấp hơn ở Mỹ, nhưng chi phí sinh hoạt cao nên số tiền bỏ ra không chênh lệch nhiều. Với con số trên, nếu các bạn trẻ không xin được học bổng, thường từ bỏ luôn giấc mơ du học. Trong khi đó, nền giáo dục trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Để giải quyết tình trạng “đi không được, ở không xong”, ông Phan Minh Đàn - Giám đốc Tuyển sinh Hệ thống phát triển Giáo dục Quốc tế Đông Dương - chia sẻ: “Do hạn chế thông tin, các bạn trẻ chỉ biết đến du học bằng hai con đường học bổng và tự túc. Trong khi đó còn có một con đường du học khác giúp giảm bớt áp lực kinh tế, đó là du học miễn phí thực tập hưởng lương ở nước ngoài. Mặt khác, do môn học ngoại ngữ của các em học sinh Việt Nam là tiếng Anh, nên các em có xu hướng du học đến các nước nói tiếng Anh. Việc e ngại tiếp nhận một ngôn ngữ khác khiến các em mất cơ hội du học miễn phí đến các nước có nền giáo dục tiên tiến như Đức, Phần Lan… Ví dụ như chương trình du học miễn phí và thực tập hưởng lương tại Đức, các em sẽ được doanh nghiệp trả học phí trong suốt 3 năm tại Đức và trả thêm chi phí ăn, ở với tổng số tiền khoảng 2.000 euro/tháng”.

Học sinh hứng thú với chương trình du học miễn phí, thực tập hưởng lương tại Đức.
Học sinh hứng thú với chương trình du học miễn phí, thực tập hưởng lương tại Đức.

Trong xu thế toàn cầu hóa, du học không còn khó với những ai có quyết tâm, ngay cả khi kinh tế gia đình không dư dả. Chỉ cần chịu khó tìm kiếm thông tin, rèn luyện ngoại ngữ và tìm được ngành học phù hợp với năng lực, sở trường; giấc mơ du học luôn trong tầm tay.

IED Group

Tư liệu: IED Group

Bạn có thể quan tâm