Thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi làm thủ tục thi vào lớp 10. Ảnh: Thái An. |
Sáng 5/6, hơn 96.300 thí sinh thi tại TP.HCM đến điểm thi làm thủ tục dự thi vào lớp 10 để sinh hoạt quy chế thi, kiểm tra thông tin cá nhân.
Theo thông báo, thí sinh cần có mặt lúc 9h30. Nhưng theo ghi nhận của Tri thức trực tuyến, nhiều em được cha mẹ đưa đến trước 1-2 giờ. Một số em vẫn mang theo sách vở, tài liệu để tranh thủ ôn bài, thảo luận với bạn bè.
Học thêm, luyện đề liên tục
Có mặt ở điểm thi từ sáng sớm, Trần Thành Công, học sinh trường THCS Huỳnh Khương Ninh, tranh thủ trao đổi cùng bạn thân về các môn thi vào lớp 10. Nam sinh chia sẻ trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Lê Quý Đôn, nguyện vọng 2 vào trường THPT Marie Curie và nguyện vọng 3 vào THPT Nguyễn Thị Diệu.
Thành Công luyện hơn 30 bộ đề để thi vào lớp 10. Ảnh: Thái An. |
Thành Công cho biết kỳ thi lần này, em gặp áp lực khá lớn khi tự đánh giá học lực của bản thân hơi thấp so với nguyện vọng 1 là trường THPT Lê Quý Đôn. Hiểu rõ khả năng học tập của chính mình, ngay từ đầu năm lớp 9, Công bắt đầu ôn thi.
Để giành suất vào lớp 10 công lập, mỗi ngày, Thành Công dành khoảng 8-10 giờ ôn tập. Cụ thể, ngoài giờ lên lớp, Công học thêm khoảng 3-5 giờ. Sau đó, về nhà, em tiếp tục học thêm 5 giờ. Gần như ngày nào, Công cũng học đến nửa đêm mới đi ngủ. Ngoài ra, em luyện hơn 30 bộ đề thi.
"Nếu dựa trên năng lực bản thân, em muốn đạt 24 điểm trong kỳ thi này. Trong đó, em đặt mục tiêu đạt 7 điểm Ngữ văn, 8 điểm Tiếng Anh và 9 điểm Toán. Toán là sở trường nên em đặt kỳ vọng cao hơn", nam sinh nói.
Không luyện đến 30 bộ đề như Thành Công nhưng Lê Vân Anh, học sinh THCS Võ Trường Toản, cũng dành thời gian để làm hết 15-16 bộ đề nhằm chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.
Ngay từ đầu năm 2023, Vân Anh đã bắt đầu ôn thi để đăng ký nguyện vọng vào 3 trường, lần lượt là THPT Võ Thị Sáu, THPT Nguyễn Thị Diệu và THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao.
Vân Anh học ở trường cả ngày nên ngoài giờ lên lớp, em đăng ký học thêm môn Toán và Tiếng Anh. Ngoài ra, nữ sinh dành khoảng 5-6 giờ tự học tại nhà.
Trong khi đó, Trâm Anh, học sinh trường THCS Trần Văn Ơn, không ôn thi từ sớm mà học chạy nước rút từ sau khi kết thúc thi học kỳ 2 lớp 9.
Nữ sinh đặt mục tiêu thi vào trường THPT Marie Curie, THPT Nguyễn Thị Hồng Gấm hoặc THPT Nguyễn Trãi. Ngoài giờ học trên lớp, em học thêm môn Toán, Tiếng Anh, đồng thời tự luyện đề tại nhà. Dù vậy, Trâm Anh chỉ luyện đề trong khả năng của bản thân, không cố ôn quá nhiều vì sợ bản thân áp lực, làm bài thi không hiệu quả.
"Em đặt mục tiêu thi mỗi môn đạt trên 7 điểm. Thời gian này, em ôn thi, gia đình cũng tạo điều kiện để em có không gian yên tĩnh. Ai cũng đi nhẹ nói khẽ, sợ ảnh hưởng em học bài", nữ sinh tâm sự.
Phụ huynh "đi nhẹ nói khẽ", nấu nhiều món bồi bổ để con đủ sức khỏe ôn thi. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Phụ huynh cũng áp lực theo con
Không riêng học sinh, nhiều phụ huynh ở TP.HCM cũng áp lực khi con chuẩn bị thi vào lớp 10 công lập. Chị Như Ý, phụ huynh có con học trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết con chị lên kế hoạch ôn thi từ đầu năm nên tự giác học, không cần bố mẹ nhắc nhở.
Năm nay, con chị Như Ý đăng ký 2 nguyện vọng tích hợp vào trường THPT Gia Định và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ngoài ra, em đăng ký thêm 3 nguyện vọng thường là THPT Bùi Thị Xuân, THPT Thực hành (Đại học Sư phạm TP.HCM) và THPT Hùng Vương.
Theo dõi quá trình con ôn thi vào lớp 10, bản thân chị Như Ý lo lắng nhưng không dám bộc lộ ra ngoài vì sợ con áp lực. Chị cũng chỉ hy vọng con đậu vào trường con mong muốn, không đặt mục tiêu hay ép con phải làm theo nguyện vọng của cha mẹ.
Con ôn thi nhưng cha mẹ thấp thỏm lo lắng cũng là tâm trạng của chị Nguyễn Thu, phụ huynh học sinh trường THCS Trần Văn Ơn. Năm nay, con chị Thu đặt mục tiêu vào trường THPT Võ Thị Sáu, THPT Phan Đăng Lưu và THPT Nguyễn Thị Diệu.
Chị Thu cho biết THPT Võ Thị Sáu là trường mơ ước của nên con bắt đầu ôn thi từ sớm, học liên tục vì sợ không đậu.
Nhiều lúc, chị Thu lo "sốt vó" vì con học không chịu nghỉ. Cứ có thời gian rảnh, con lại lôi sách vở ra học bài. Mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, con chưa kịp nghỉ đã chạy vội lên phòng để học bài. Chị Thu thương con, lo con ốm nhưng không dám nói gì nhiều, chỉ để con tập trung học.
Để con có đủ sức khỏe ôn thi, chị Thu cũng đầu tư hơn vào bữa cơm hàng ngày, nấu nhiều món bổ não và tốt cho sức khỏe. Hai ngày sát kỳ thi, chị Thu khuyên con dừng học để đầu óc thoải mái, như vậy làm bài thi sẽ hiệu quả hơn.
"Con tôi đặt nguyện vọng vào trường Võ Thị Sáu nên muốn đạt 7 điểm mỗi môn trở lên. Cá nhân tôi không đặt mục tiêu gì vì sợ con áp lực. Con đậu nguyện vọng 1 thì tốt, không đậu cũng không sao, tôi sẽ không trách mắng con", chị Thu nói.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, 96.325 học sinh trên địa bàn thành phố đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập. Trong đó, số học sinh chỉ đăng ký xét 3 nguyện vọng thường là 88.237, số học sinh đăng ký xét nguyện vọng tích hợp là 1.147.
Với hơn 96.000 thí sinh dự thi vào lớp 10, Sở GD&ĐT TP.HCM bố trí 158 điểm thi toàn thành phố, trong đó 147 điểm thi thường và 11 điểm thi chuyên.
Tổng cộng, TP.HCM có 4.102 phòng thi vào lớp 10, 3.778 phòng thi trong số đó dành cho kỳ thi vào lớp 10 thường. Mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, mỗi điểm thi có thêm 3 phòng thi dự phòng.
Ngày 6/6, thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn (buổi sáng) và môn Ngoại ngữ (buổi chiều). Thời gian làm bài thi hai môn này lần lượt là 120 phút và 90 phút.
7/6 là ngày thi môn Toán (buổi sáng) và môn chuyên/tích hợp (buổi chiều). Thời gian làm bài thi môn Toán là 120 phút, môn chuyên là 150 phút.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.