UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục, đề xuất nhiều nội dung liên quan việc tạo cơ chế mở cho giáo dục TP.HCM.
Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia giáo dục, đội ngũ giáo viên (GV) và phụ huynh học sinh (HS). Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc triển khai do tính liên thông giữa các trường, các cấp học ở bậc phổ thông chưa được Luật Giáo dục cho phép.
Mở thời gian, thời lượng học
Một trong những đề xuất đáng chú ý là có định hướng mở trong biên chế năm học thay vì học đủ 9 tháng/năm như hiện nay. Ngoài ra, cơ cấu giờ, tiết học cũng được linh hoạt: Học một buổi, 2 buổi hoặc cả ngày… Hình thức giáo dục mới này gần giống loại hình đào tạo tín chỉ đang được áp dụng tại các trường ĐH.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, ngoài đề xuất biên chế trong năm học mở, TP cũng đề xuất hình thức học được mở: HS học tại trường, nhà, trực tuyến; thời lượng giảng dạy các môn học cũng mở, ít hay nhiều tùy từng trường, từng môn học. Ngoài ra, còn đề xuất được đa dạng việc kiểm tra, đánh giá: Đánh giá qua kết quả học tập, các kỹ năng đạt được, kết quả nghiên cứu khoa học…
TP.HCM cũng đề xuất được tự công nhận tốt nghiệp THPT cho HS. Nếu đề xuất được thông qua, ngay trong năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ triển khai thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện trên nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh, HS.
TP.HCM đề xuất được tự công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh. Ảnh: Người Lao Động. |
Nhận xét về những đề xuất trên, nhiều nhà giáo và chuyên gia giáo dục cho rằng đó là những đề xuất hoàn toàn hợp lý với một đô thị phát triển như TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), cho rằng trước đây, nhà trường từng có ý tưởng cho HS học theo tín chỉ nhưng không thể thực hiện được do vướng nhiều thứ.
Dễ thấy nhất là tính liên thông hiện nay giữa các trường, các cấp học ở bậc phổ thông chưa được Luật Giáo dục cho phép. Nếu đề xuất này được thông qua, ngay trong năm học 2018-2019, trường đã có thể thực hiện được.
Nhiều nước đã thực hiện
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, TP hiện có nhiều loại hình trường: Chuyên, tiên tiến theo xu thế hội nhập và phổ thông đại trà. HS ở từng loại trường sẽ có trình độ khác nhau. Thế nhưng, bất cập nhất là tất cả HS ở các trường đều phải học cùng một chương trình, cùng một thời lượng, cùng một cách kiểm tra, đánh giá…
Một HS có năng lực học tập tốt, chỉ cần 6 tháng để hoàn thành chương trình cho cả năm nhưng vẫn phải học đủ 9 tháng mới được công nhận. Cũng có những trường, những HS không cần nghỉ hè 3 tháng như hiện nay mà rút ngắn lại.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết những đề xuất của TP.HCM rất đáng hoan nghênh và kịp thời bởi trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện.
"Nếu thành hiện thực, giáo dục TP.HCM sẽ có thêm nhiều điều kiện để phát triển, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục", PGS.TS Tống nói.
Theo phân tích của PGS.TS Tống, với việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở bậc phổ thông sẽ tạo điều kiện linh hoạt trong học tập của HS. Tùy theo điều kiện, khả năng HS có thể hoàn thành các tín chỉ sớm hay muộn. Như vậy, những HS giỏi có thể học nhanh hơn, đủ điều kiện thì tốt nghiệp.
"Nhân đây, tôi cũng muốn đề xuất những HS giỏi, tài năng có thể ghi danh một số tín chỉ ở bậc ĐH nếu các em muốn. Và khi lên ĐH, các trường ĐH có đào tạo ngành nghề liên quan phải chấp nhận những tín chỉ này. Việc công nhận tín chỉ cũng nên mở ra ở hệ nghề để tạo điều kiện cho nhiều đối tượng khác", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đề xuất.
Ông Nguyễn Thành Phát cho biết để những đề xuất này được thực hiện tốt, ngoài điều kiện chuẩn bị kỹ thì việc trao thêm quyền tự chủ cho các trường phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đó là việc các trường được quyền chủ động chương trình dạy, thời lượng dạy, đồng thời được giao quyền chủ động kiểm tra, đánh giá.
Ông Phát cũng cho biết việc công nhận tín chỉ giữa các trường, địa phương với nhau phải được thông suốt, hiệu trưởng, GV các trường phải được nắm kỹ. Tránh tình trạng HS hoàn thành tín chỉ của môn này ở trường này nhưng sang trường khác lại không được công nhận.
"Ví dụ, dù trường được Hội đồng Anh công nhận là trường học hợp tác quốc tế tích cực (Danh hiệu ISA) nhưng ngay trong quận 10, nhiều trường và GV không biết ISA là gì" - ông Phát nói.
Trong khi đó, theo hiệu trưởng một trường THCS tại quận 3, nếu HS TP.HCM được học theo tín chỉ, đồng thời cũng phải có quy định khống chế thời gian học vượt, tránh tình trạng HS học giỏi cứ lao vào học mãi. Chẳng hạn, bậc THCS lâu nay đào tạo 4 năm, nếu HS học vượt thì cũng chỉ cho phép hoàn thành trong 3 năm.
"Nếu chỉ học và học, mà không có những kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần thiết thì không đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện nhân cách, phẩm chất HS" - vị này nói.
Chấp nhận sự không đồng đều
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho hay nếu đề xuất được thông qua, ngay tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung phải chấp nhận sự không đồng đều trong giáo dục.
Chẳng hạn, TP.HCM có điều kiện thì phát triển trước các địa phương. Quận nội thành có điều kiện hơn ngoại thành thì cũng phát triển trước. Giáo dục không thể dàn hàng ngang để cùng phát triển được. Đây cũng là biện pháp tránh đào tạo lãng phí khi có nhiều kiến thức ở bậc học này các em đã học rồi nhưng khi lên bậc khác lại phải học lần nữa.
Phải điều chỉnh Luật Giáo dục
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM: Những đề xuất trên nằm trong đề án phát triển giáo dục của TP.HCM từ nay đến năm 2030. Nếu đề xuất trên được phê duyệt, lúc đó mới bắt đầu có đề án chi tiết, cụ thể. Nhiều ngành, đơn vị, nhiều cấp học... phải ngồi lại bàn kỹ. Tuy nhiên, việc khó nhất là phải điều chỉnh nhiều nội dung trong Luật Giáo dục.
Ngành giáo dục TP cũng đã lường trước những khó khăn trong từng ý kiến đề xuất. Chẳng hạn, đề xuất cho HS tự do lựa chọn loại hình học tập đồng nghĩa với việc HS sẽ tốt nghiệp THPT trước thời gian quy định rất nhiều. Nhưng hiện luật quy định từ 18 tuổi mới được công nhận tốt nghiệp THPT thì cho dù HS học sớm, học vượt bao nhiêu cũng… thua.
"Mục đích cao nhất của những đề xuất trên là vì HS, HS được lựa chọn loại hình học tập phù hợp, HS khuyết tật, vùng sâu, vùng xa cũng được chọn cách học thuận tiện nhất.
Phù hợp với trường chuyên
Cô Vũ Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM): Ở góc độ nhà trường và GV, chúng tôi quan tâm chuyện dạy và học cái gì quan trọng hơn loại hình hay thời gian học tập. Học 3 hay 4 năm, tốt nghiệp sớm cũng được nhưng vấn đề là trong thời gian đó, các em được học những gì, chuẩn bị những kỹ năng gì? Và điều quan trọng nhất là cách kiểm tra, đánh giá, thi cử như thế nào, có đổi mới hay không, có vì HS hay không?
Hiện nay, nhiều trường rất muốn tổ chức giáo dục toàn diện cho HS, muốn đổi mới, tổ chức nhiều hoạt động, chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, dạy học dự án, sáng tạo… nhưng thi cử hiện nay không đổi mới thì biết làm sao. Nói thật, bản thân các trường chỉ dám đổi mới, sáng tạo ở khối 10, 11 chứ lên khối 12 thì dù muốn thế nào vẫn phải tập trung cho HS lo thi cử.
Với những đề xuất trên của TP, trước mắt thấy hợp với HS các trường chuyên hơn là HS trường phổ thông đại trà.
Giờ học cố định rất bất tiện
Chị Trần Thị Ngọc Hòa, mẹ của một học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM): Nếu HS được tự do lựa chọn hình thức học tập thì không còn gì bằng. Hãy mạnh dạn cho các em được lựa chọn môn học phù hợp với năng khiếu, sở trường của bản thân, bên cạnh những môn bắt buộc.
Thời gian học tập được linh hoạt cũng phù hợp với nhiều gia đình TP hiện rất bận rộn. Học cố định giờ giấc như hiện nay, mọi hoạt động của gia đình đều phụ thuộc vào lịch học của con thì rất bất tiện.