Học sinh tranh biện tiếng Anh về đồng tiền chung ASEAN
Thứ hai, 14/1/2019 12:17 (GMT+7)
12:17 14/1/2019
Các bạn đến từ Hàn Quốc cho rằng cần có đồng tiền chung ASEAN để đảm bảo hội nhập, trong khi học sinh Việt Nam nêu quan điểm việc này không khả thi, nhiều bất lợi.
"It is very impractical for them to actually create a single currency for every ASEAN countries. Even if they actually kinda create or able create, they would do more harm than good" - (tạm dịch: Việc tạo đồng tiền chung châu Á rất không khả thi. Kể cả có áp dụng được, việc này cũng hại nhiều hơn lợi), thành viên đội MetaSDT 1 nói về tính bất khả thi của đồng tiền chung Đông Nam Á.
Trong trận chung kết giải vô địch tranh biện Hà Nội mở rộng (HN-VSDC) lần hai diễn ra ngày 13/1 tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội, 2 đội UK và MetaSDT 1 có phần tranh biện gay cấn xung quanh vấn đề nên có đồng tiền chung ASEAN hay không.
Với 4 thành viên người Hàn Quốc đang học tại trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (Jiyoon Kang, Suebin Yang, JeongHa Kim, Sungeun Kim), đội UK cho rằng đồng tiền chung ASEN là cần thiết nhằm đảm bảo sự hội nhập khu vực và thống nhất xã hội.
Đội UK thảo luận phần tranh biện về đề tài đồng tiền chung ASEAN. Ảnh: B.C.
Nhóm tranh luận từ Hàn Quốc giải thích việc có một đồng tiền chung sẽ giúp cộng đồng ASEAN trở nên mạnh hơn và có thể phát triển sánh ngang với các khu vực khác trên thế giới. Ngoài ra, việc có một đồng tiền chung sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các nước trong khu vực. Các quốc gia giàu có thể giúp đỡ nước nghèo hơn khi tỷ giá đồng tiền chênh lệch không tồn tại như trước.
Nhóm cũng lấy ví dụ từ kinh nghiệm áp dụng đồng tiền chung euro của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để khẳng định lại quan điểm nên áp dụng đồng tiền chung cho khu vực ASEAN.
Trong khi đó, MetaSDT 1 với 4 thành viên Đỗ Quốc Bình (THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội), Phạm Quỳnh Anh (THPT Chu Văn An), Nguyễn Ngọc Hà (THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) và Đoàn Trọng Sang(THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra quan điểm ngược lại.
MetaSDT 1 cho rằng thành lập một đồng tiền chung ASEAN rất khó và không khả thi khi nó cần một cơ chế để vận hành. Để đưa ra đồng tiền chung, ASEAN cần giải quyết nhiều vấn đề như ngân hàng khu vực ở đâu, quốc gia nào sẽ in tiền, chính sách tài khóa giữa các quốc gia khác nhau sẽ thống nhất ra sao.
Thành viên đội MetaSDT 1 tự tin đưa ra quan điểm để phản đối việc áp dụng đồng tiền chung ASEAN. Ảnh: BC.
Từ đó, nhóm khẳng định việc sử dụng đồng tiền chung là không khả thi trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, nó cũng gây ra nhiều điểm bất lợi hơn có lợi. Khối ASEAN khó có thể thông qua một chính sách tiền tệ dễ dàng như vậy.
Các thành viên MetaSDT 1 nói thêm việc lấy đồng tiền của châu Âu làm so sánh chưa thực sự ổn khi nhiều vấn đề vẫn tồn tại quanh đồng euro, đặc biệt là câu chuyện khủng hoảng nợ công ở một vài nước trong khu vực. Ngoài ra, EU áp dụng đồng tiền chung vì họ là một khối thống nhất từ trước, các nước thành viên có nền kinh tế không cách biệt quá lớn.
Trong khi đó, sự chênh lệch giữa các nước Đông Nam Á còn rất lớn. Việc áp dụng đồng tiền chung sẽ gây thiệt thòi cho một vài nước. Ngoài ra, vì sự chênh lệch và khác biệt lớn nên không thể dùng một đồng tiền chung để phù hợp với tất cả nền kinh tế.
“ASEAN là liên minh còn non trẻ nên không thể phát triển đồng tiền chung trong thời điểm hiện tại”, nhóm kết luận.
Sau gần một tiếng tranh biện gay gắt, đội MetaSDT 1, với những quan điểm rõ ràng cùng kỹ năng tranh luận tốt, đã thành công thuyết phục các thành viên ban giám khảo đến từ nhiều quốc gia và trở thành nhà vô địch HN-VSDC năm nay.
HN-VSDC là giải đấu tranh biện dành cho học sinh phổ thông, thu hút 171 thí sinh với nhiều quốc tịch khác nhau từ 44 đội tham gia, đồng thời mời gần 40 giám khảo quốc tế đến từ 9 quốc gia như Mỹ, Malaysia, Nam Phi, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Các cuộc tranh biện xoay quanh những lĩnh vực khoa học, nhân văn, kinh tế, văn hóa, chính trị, tôn giáo, môi trường với nhiều vấn đề thiết thực như chảy máu chất xám, cách mạng công nghiệp 4.0 hay trí tuệ nhân tạo.
Những năm đầu của con là khoảng thời gian tuyệt vời với phụ huynh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, có lúc, cha mẹ mắc phải sai lầm đáng tiếc khi dạy con.