Theo chuyên gia Anthony Seldon, Phó hiệu trưởng Đại học Buckingham, Anh, Trung Quốc cần thay đổi hệ thống giáo dục nhằm đảm bảo tương lai cho giới trẻ, cũng như nền kinh tế. Ông cho rằng, học sinh nước này cần bỏ lối học vẹt và thay đổi theo hướng toàn diện hơn, theo BBC.
Lớp học ở Trung Quốc bắt đầu từ 7h, học sinh học ở trường 12 tiếng mỗi ngày. Ảnh: AFP. |
Giờ học tại trường ở Trung Quốc thường kéo dài 12 tiếng. Lớp học bắt đầu từ 7h sáng bằng các bài tập thể dục. Học sinh chỉ được nghỉ vào giờ ăn trưa và gần như không có thời gian để thư giãn, giải trí.
Phương pháp giảng dạy tập trung việc đọc - chép, hình thành nên lối học vẹt. Người Trung Quốc cho rằng, thuộc lòng giúp các em học nhanh và tốt hơn.
Trong khi đó, trường học ở Anh đề cao tính tương tác. Giáo viên khuyến khích học sinh tham gia vào bài học và chủ động tìm hiểu kiến thức.
Việc Trung Quốc thực hiện chính sách một con cũng gây áp lực học tập lớn lên trẻ em.
Phụ huynh quan niệm, kết quả cao trong mỗi kỳ thi sẽ mang lại sự thành công cũng như địa vị xã hội tốt. Họ đặt mọi kỳ vọng lên đứa con duy nhất.
Học sinh Trung Quốc trong giờ học. Ảnh: AFP. |
Nguyện vọng của cha mẹ khiến nhiều đứa trẻ chỉ biết vùi đầu vào học với mục tiêu đạt điểm cao, đỗ đại học danh tiếng. Lối học này không chỉ khiến các em không có tuổi thơ mà còn mất cơ hội phát triển kỹ năng mềm và bản sắc riêng của mỗi người.
Ông Seldon khẳng định, Trung Quốc có những trường đại học hàng đầu thế giới và chiếm ưu thế về Toán và Khoa học. Tuy nhiên, giáo dục nước này xem nhẹ yếu tố "kỹ năng con người".
"Nhiều trường đang đánh cắp cơ hội hình thành bản sắc cá nhân của giới trẻ khi giáo viên chỉ cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh. Họ xem kết quả thi là tiêu chí duy nhất để đánh giá mức độ thành công của giáo dục. Trong khi đó, những công việc lương cao chủ yếu đòi hỏi kỹ năng xã hội chứ không phải điểm số hay bằng cấp", ông nói.
Anthony Seldon ủng hộ việc bảo vệ và tạo môi trường học tập vui vẻ, thoải mái nhằm mang lại cho học sinh cơ hội tìm hiểu và thể hiện bản thân một cách tự tin.