Khi tương lai cần những người có thể ứng dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề phức tạp, việc nhớ và lưu trữ kiến thức là việc của những robot.
Với chiếc điện thoại thông minh, chúng em có thể truy cập thông tin bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. Thế tại sao thầy cô vẫn bắt chúng em phải bỏ thời gian học thuộc lòng những kiến thức mà nhiều lúc chúng em không biết dùng nó như thế nào?
Khi tương lai cần tinh thần cộng tác, trong lớp, chúng em phải tranh đua với nhau để có điểm tốt.
Khi tương lai cần con người có kỹ năng phản biện, trong lớp, chúng em phải ngoan ngoãn lắng nghe và tốt hơn hết không nên có ý kiến trái chiều.
Khi tương lai cần những con người sáng tạo, trong lớp, chúng em phải thuộc lòng những giải pháp mẫu, bài mẫu. Thế khi phải giải quyết những vấn đề mà không nằm trong các giải pháp mẫu nào đã học, chúng em phải làm gì đây? Phải chăng đó là lý do bạn bè chúng em khi ra trường đại học khó kiếm việc làm?
GS Trương Nguyện Thành chụp ảnh cùng sinh viên. Ông từng "chiếm sóng" mạng xã hội hồi tháng 4/2017 với hình ảnh mặc quần đùi, áo thun lên lớp giảng bài cho sinh viên ở ĐH Hoa Sen, TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Thưa quý thầy cô, môi trường sống của chúng em ngày nay thay đổi rất nhiều so với lúc thầy cô lớn lên. Ngày xưa, thầy cô không bị phân tâm bởi công nghệ. Trong khi ấy, tuổi trẻ chúng em có quá nhiều thứ chi phối độ tập trung, chưa nói đến yêu đương tuổi học trò.
Khi ngồi yên lặng để lắng nghe những thông tin thầy cô đọc từ các trang powerpoint trên máy tính, thật sự, chúng em cảm thấy chán ngấy và buồn ngủ khi phải học một cách thụ động như thế. Thầy cô có thể phê phán chúng em thiếu thái độ nghiêm túc trong việc học.
Thưa thầy cô, nếu thầy cô lớn lên trong môi trường sống như hôm nay, thầy cô cũng không khác hơn chúng em đâu. Thế thầy cô có thấu cảm được những thử thách của chúng em ngày hôm nay không? Nếu có thì làm sao để chúng em có thể cảm thấy thích thú khi vào lớp học của thầy cô?
Nếu mục tiêu của giáo dục là đạo tạo những con người có giá trị cho cá nhân, gia đình và xã hội, hiệu quả của giáo dục nên đánh giá bằng giá trị của những con người mà thầy cô đào tạo. Thành công của thầy cô là những con người mà 10, 20 và có thể 50 năm nữa quay lại tìm thầy cô để nói lời cảm ơn "Nhờ thầy cô mà em có ngày hôm nay".
Học là một quy trình chuyển giao kiến thức từ người dạy cho người học. Hiệu quả của quy trình này được đánh giá bằng khả năng ứng dụng kiến thức của người học trong môi trường sống thực tế.
Quy trình này chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống của người học. Và nếu chúng ta đánh giá hiệu quả việc học như trên, việc thầy cô dạy như thế nào, ứng dụng công nghệ hay không, xây dựng không khí lớp học như thế nào... để đạt được mục tiêu ấy là trách nhiệm của thầy cô.
Trong khi thầy cô khuyên bảo chúng em phải phát triển khả năng học suốt đời, thế thầy cô đã học được gì trong việc học hỏi các phương pháp giảng dạy mới để đào tạo con người của tương lai chứ không phải cho quá khứ?
Có lẽ, việc dạy học ngày nay cũng cần phải học dạy.
Cảm ơn sự quan tâm của quý thầy cô. Cảm ơn quý thầy cô đã chọn nghề trồng người và xin chúc quý thầy cô một ngày nhà giáo thật đầy ý nghĩa.
Đại diện cho tất cả học sinh, sinh viên Việt Nam.
Em Trương Nguyện Thành!
GS Trương Nguyện Thành hiện là Phó hiệu trưởng ĐH Văn Lang, TP.HCM. Trước đó, ông từ ỹ về Việt Nam đảm nhiệm vị trí phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen từ năm 2016 đến tháng 4/2018. Việc ông không đủ tiêu chuẩn theo Luật Giáo dục Đại học để được công nhận hiệu trưởng ĐH Hoa Sen từng gây ồn ào, chú ý trong dư luận.
GS Trương Nguyện Thành là nhà khoa học thành danh ở Mỹ, với nhiều công trình nghiên cứu và hàng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.