Uống recotus vì áp lực học tập?!
Là con trai duy nhất trong gia đình nên bố mẹ rất kì vọng vào việc học tập của em H. 12 tuổi, học sinh trường một THCS tại Q.11. Tuy nhiên, sức học của H chỉ xếp vào loại kha khá trong lớp. Để vui lòng bố mẹ, H. luôn cố gắng trong học tập, ngoài học ở trường, em còn học thêm một số trung tâm. Chính vì vậy mà bài vở lúc nào cũng ngập đầu khiến H. thường xuyên lên lớp với vẻ mặt bơ phờ.
Để giúp bạn hưng phấn hơn, N. học cùng lớp đã “hiến” cho H. một loại thuốc được giới học sinh coi là “thần dược”, tên thuốc ho recotus để quên đi mọi lo âu, mệt mỏi.
“Thấy hay quá nên em cũng mua về dùng thử. Ban đầu thấy người cũng tươi tỉnh hẳn lên, học bài vào hơn nên em dùng tăng đô hơn. Từ 3 – 4 viên/lần nay tăng thành 6 – 7 viên/lần”, H. ngây thơ nói.
Thế nhưng, chỉ sau một vài lần dùng thuốc, H. rơi vào trạng thái lơ mơ, tinh thần sa sút, luôn có cảm giác thèm và nhớ đến cảm giác "phê" của thuốc. Và vào cuối tháng 10 vừa qua khi thấy H. có nhiều biểu hiện lạ khi đến lớp như mặt lờ đờ, nói năng lắp bắp, không kiểm soát được hành vi của mình, giáo viên tức tốc kiểm tra cặp sách của H. Kết quả, giáo viên đã phát hiện ra 2 vỉ thuốc ho recotus trong cặp đang dùng dở.
“Nhà trường đã yêu cầu bố mẹ em đến để làm việc. Cũng may khi hiểu được nguyên nhân vì sao em lại dùng thuốc này, mẹ đã an ủi em rất nhiều. Từ đó mẹ cũng không ép em học nhiều quá nữa và bây giờ em thấy yêu đời hơn rất nhiều”, H. tâm sự.
Còn với Q., 15 tuổi, học sinh lớp 11 tại Q.2 TP.HCM tìm đến thuốc ho recotus do cách cư xử thiếu tế nhị của một số giáo viên. Q. giải thích lý do khiến mình từng chán học, sợ giáo viên: “Có một lần, cô đang giảng bài thì mấy bạn trong nhóm em mất trật tự. Cô quay xuống, không hỏi ai là người nói chuyện đã ném ngay một viên phấn vào mặt em. Dĩ nhiên hôm đó em cũng bị ghi vào sổ đầu bài vì cái tội thiếu tôn trọng giáo viên”.
Buồn hơn là sau lần đó, cô giáo cũng không có mấy thiện cảm đối với Q.. Sau những tháng ngày chán chường, Q. cũng được bạn bè rỉ tai nhau dùng thuốc ho recotus sẽ không sợ giáo viên nữa. Q. nói thêm, thuốc này mua dễ như rau ngoài chợ vì chẳng cần xét đến độ tuổi, cũng chẳng cần đến kê toa của bác sĩ, cứ ra nhà thuốc tây hỏi mua là có liền. Giá loại thuốc này cũng khá mềm chỉ 8.000 đồng/vỉ 20 viên, muốn mua bao nhiêu có bấy nhiêu. Sự việc chỉ bị vỡ lở khi bố mẹ phát hiện biểu hiện lạ từ con nên đã thông báo với nhà trường.
Tình trạng học sinh sử dụng thuốc ho recotus ngày càng đáng báo động. |
Bị “đàn chị” ép dùng thuốc
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thừa nhận, tình trạng lạm dụng thuốc tân dược recotus trong học sinh trên địa bàn thành phố không phải mới xảy ra mà xuất hiện từ năm 2009.
Mới đây nhất là vào cuối tháng 9 và cuối tháng 10/2013, tại 3 trường THCS Tăng Bạt Hổ, Q.4 và THCS Lữ Gia, Q.11, THCS Lê Quý Đôn, Q.11 cũng đã phát hiện nhiều học sinh sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, người phát hiện ra học sinh sử dụng thuốc không phải là nhà trường mà từ phụ huynh. Do đó, nhiều bố mẹ đã tìm đến nhà trường cảnh báo, cùng theo dõi chặt chẽ những học sinh có biểu hiện khác thường khi đến trường.
Đặc biệt, có 7 trường hợp nữ sinh trường THCS Tăng Bạt Hổ cất giữ 2 vỉ recotus hơn 20 viên. Các em này cho biết, trong những lần ngồi ở quán nước trước cổng trường, họ bị một nữ sinh đã nghỉ học dụ uống thuốc recotus sẽ có cảm giác lạ, gây hưng phấn, không sợ trả bài, không sợ giáo viên. Các học sinh này cho biết bị ép mua 2 viên với giá 5.000 đồng.
Không chỉ bị ép mua, các “đàn chị” còn bắt nữ sinh phân công nhiệm vụ mang thuốc vào cho các bạn khác trong trường. Sau đó, chuyện bị vỡ lở do các học sinh nữ trong lớp T. bị giáo viên kiểm tra cặp và phát hiện thuốc ho nên đã thông báo về cho gia đình.
Theo bà Thanh, nguyên nhân học sinh sử dụng thuốc là do ở lứa tuổi các em có nhiều biến động về tâm lý, rất dễ bị tổn thương hoặc dễ bị lôi kéo vào những trò nguy hiểm. Ở lứa tuổi này, các em thường chơi theo nhóm, nghe lời bạn bè hơn gia đình, thầy cô. Giai đoạn này cần có sự quan tâm, yêu thương của người lớn nhưng đôi khi người lớn lại ít quan tâm hơn hoặc quan tâm không đúng cách.
Bà Thanh cho biết thêm: “Một số học sinh tìm đến các loại thuốc này có thể do các em không chia sẻ được cảm xúc với ai nên tự đi tìm cách riêng. Khi uống, thuốc tạo cảm giác thoải mái, hưng phấn nên các em cứ tìm đến thuốc mà không đủ hiểu biết về những tác hại sau này của thuốc, hoặc biết nhưng vẫn bất chấp hậu quả”.
Nguy cơ tử vong cao
Theo ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, thuốc ho recotus là loại thuốc làm giảm ho do cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản lao hoặc ho do hút thuốc hay hít phải các chất kích thích. Trong một viên recotus chứa dextromethorphan HBr 30mg là dẫn xuất của morphin. Chất này tuy ít gây nghiện hơn heroin, morphin, ma túy tổng hợp nhưng lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc vào thuốc.
Dù chất này không gây ra tình trạng nghiện vật vã như ma túy, nhưng chúng khiến người uống bị lệ thuốc, tinh thần lơ mơ, giảm ý thức. Người uống luôn có cảm giác thèm và nhớ đến cảm giác “phê” của thuốc. Nếu dùng recotus quá liều có thể bị ngộ độc với các triệu chứng buồn nôn, ngủ gật, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực, lơ mơ, ảo giác, có thể dẫn đến suy hô hấp, co giật và thậm chí là tử vong.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại ngành y tế vẫn chưa có một nghiên cứu nào cụ thể để có thể liệt thuốc ho recotus vào loại thuốc gây nghiện. Do đó, các nhà thuốc vẫn vô tư bán mà không sợ bị “sờ gáy”.
Thậm chí, theo tiết lộ của một vị lãnh đạo làm trong ngành dược, có những loại thuốc tân dược khi vừa mới chế xong chưa kịp đưa ra thị trường đã được các đầu nậu đặt hàng lấy hết. Qua đó, chúng sẽ chế ra một loại ma túy tổng hợp từ những loại thuốc tân dược này.
Trước tình trạng trên, ông Phong cho biết, thời gian tới ngành y tế sẽ siết chặt việc quản lý các nhà thuốc tây. Đồng thời sẽ đưa ra chế tài xử lý mạnh đối với các hiệu thuốc bán không theo quy định.
Về phía ngành giáo dục, bà Thanh cũng cho hay, hiện Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo các quận, huyện về phòng chống lạm dụng thuốc ho recotus và công tác đảm bảo an toàn trường học. Thế nhưng, theo bà Thanh: “Bộ Y tế phải hết sức nghiêm túc và khoa học trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc như thế nào cho đúng. Phải có vă bản ban hành các nhà thuốc chỉ bán khi có đơn của bác sĩ, không bán cho trẻ dưới 18 tuổi, phải có biện pháp đồng bộ chứ ngành giáo dục chúng tôi chỉ phát hiện, tuyên truyền, báo cáo chứ không có chuyên môn y tế”.