Học thêm, dạy thêm vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi thời gian qua. Ảnh: An Khương. |
Những ngày này, sau giờ học trên lớp, con trai chị Giang Q. (phụ huynh tại Hà Nội) lại tất bật với lịch học thêm 3 môn Toán, Lý, Văn để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10.
Học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật, chính đáng…
Chị Q. cho biết con trai không học kém, thậm chí lực học được đánh giá tốt. Tuy nhiên, để đỗ được vào trường chuyên, trường tốt, con cần phải học thêm bởi không phải học sinh nào cũng đủ giỏi để tự học và tự tổng hợp kiến thức ôn luyện chỉ sau những giờ học ít ỏi trên lớp.
“Nếu chỉ học trên lớp, kiến thức chỉ đảm bảo ở mức cơ bản, xét trong đề thi vào trường chuyên chỉ chiếm khoảng 50%. Trong khi đó, khi học thêm, con được bổ trợ kiến thức nâng cao, được rèn luyện với nhiều dạng đề mà học ở trường không có”, chị Q. nhìn nhận.
Như vậy, có thể thấy, nhu cầu học thêm là có thật, xuất phát từ phụ huynh và cả học sinh. Không chỉ học sinh yếu kém mà cả học sinh khá, giỏi cũng có nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Chí Thành (Trưởng khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội) nhận định việc dạy thêm, học thêm được đánh giá là hoạt động có thể bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học sinh với các nhu cầu và năng lực khác nhau.
Ở một khía cạnh khác, việc dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ nhu cầu của gia đình học sinh. Cha mẹ mong muốn và tin tưởng vào nhà trường, thầy cô giúp con em mình tiến bộ hơn và quản lý các em trong thời gian gia đình bận rộn với công việc xã hội, tránh được tình trạng các em tham gia vào các hoạt động không lành mạnh ngoài xã hội.
Như vậy, có thể nói, trên cơ sở đồng thuận giữa gia đình và thầy cô, việc học thêm không có yếu tố tiêu cực, ép buộc. Thầy cô đến với học thêm với động cơ rất minh bạch, nghiêm túc là tăng cường kiến thức cho học sinh và phần nào đó là tăng thu nhập thêm cho bản thân một cách chính đáng.
Một số khảo sát cũng đã chỉ ra việc tham gia học thêm tự nguyện đa số xuất phát từ nhu cầu của những gia đình có điều kiện kinh tế, thu nhập khá giả. Với những gia đình thu nhập thấp, nhu cầu học thêm là thấp và thường là rất khó để tham gia.
Tình trạng học thêm ngày càng phổ biến xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
…nhưng không ít trường hợp học thêm vì bị ép buộc
Tuy nhiên, ông Thành cũng thẳng thắn chỉ ra hiện nay, một số nơi có tình trạng việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, thậm chí đã bị lạm dụng và làm xấu đi hình ảnh do bị xã hội nhìn nhận, đánh giá sai lệch. Lý do là một bộ phận nhà giáo thiếu đạo đức lạm dụng việc dạy thêm để kiếm tiền. Hoạt động dạy thêm, học thêm bị lạm dụng với mục đích không tích cực, không phù hợp với chuẩn mực của nhà giáo.
Cụ thể, có tình trạng giáo viên ép buộc người học phải đi học thêm qua việc cắt xén chương trình chính khóa, không dạy hết trách nhiệm trong giờ học chính khóa. Điều này khiến học sinh không đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra nếu không tham gia học thêm. Hay một số giáo viên có cách phân biệt đối xử với học sinh tham gia và không tham gia lớp học thêm một cách thiếu khách quan và thiếu tính nhân văn.
Học sinh có tham gia lớp học thêm sẽ được giáo viên quan tâm, nâng đỡ một cách thiên lệch, không khách quan. Ngược lại, học sinh không tham gia sẽ không được quan tâm đầy đủ, giáo dục đến nơi đến chốn.
Cá biệt có những trường hợp giáo viên có hành động đe dọa, trù dập khiến học sinh và gia đình phải tham gia vào hoạt động này một cách miễn cưỡng. Một khía cạnh tiêu cực khác từ phía giáo viên đó là việc lạm thu trong hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thu Anh, học sinh lớp 9 tại Bắc Ninh, là một ví dụ. Nữ sinh cho hay từ ngày bắt đầu học tiểu học, em chỉ đi học thêm đúng một năm lớp 3, còn lại là do chị gái kèm cặp. Nhưng đến năm lớp 7, cảm nhận giáo viên môn Toán không hài lòng khi em không đi học thêm, nữ sinh mới chia sẻ với mẹ, rồi đăng ký học đến tận bây giờ.
“Hồi đó, cứ đến tiết Toán là em sợ, sau đi học thêm rồi mới đỡ. Tất nhiên, học thêm giúp em học tốt hơn, nhưng em không toàn toàn muốn. Hiện tại, học thêm 6 buổi/tuần, em ‘siêu mệt’, muốn nghỉ bớt nhưng cũng sợ cô ghim”, Thu Anh chia sẻ.
Ngoài việc bị giáo viên tác động, lôi kéo như trên, không ít trường hợp, học sinh đi học thêm chỉ vì nhu cầu, kỳ vọng của cha mẹ, muốn con mình không thua kém bạn bè thay vì xuất phát từ nhu cầu tự thân của các em.
Chị Nguyễn An (phụ huynh ở Hà Nội) thừa nhận điều này. Chị cũng cho con đi học thêm từ năm lớp 1 đến nay, khi con đã học lớp 7. Con trai chị thực sự đã tiến bộ trong một số môn học nhờ học thêm.
Nhưng ở những môn không đúng sở trường, con rất uể oải, bày tỏ không tiếp thu, mệt mỏi mỗi lần đi học và thường xuyên xin mẹ cho nghỉ. Tuy nhiên, chị Anh vẫn cho con theo học bởi nếu không học, con không thể nắm hết kiến thức. Ở lớp, bạn nào cũng đi học thêm, con không tham gia thì cũng không theo kịp.
“Nhiều khi đi học thêm rồi, con cũng không nắm hết kiến thức, nhưng con nhà người ta đi, con mình cũng phải đi”, chị An nói.
Như vậy, hiện nay, tình trạng học thêm ngày càng phổ biến xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo ông Thành, áp lực từ các kỳ thi đầu vào, đặc biệt là thi vào lớp 10 khiến học sinh và phụ huynh tìm đến các lớp học thêm như một giải pháp tất yếu.
Thực tế cho thấy chương trình học chính khóa chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu kiến thức cho các kỳ thi quan trọng này. Bên cạnh đó, tâm lý của phụ huynh không muốn con thua kém bạn bè cũng là một yếu tố đáng kể.
Đặc biệt, trong bối cảnh các phụ huynh có thời gian làm việc kéo dài, việc gửi con đến các lớp học thêm còn được xem như một giải pháp để đảm bảo con được học tập và sinh hoạt trong môi trường an toàn.
Để đảm bảo việc học thêm thực sự mang lại hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Để học thêm đúng mục đích, đúng nhu cầu
Ông Thành cho rằng để đảm bảo việc học thêm thực sự mang lại hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Nhà trường cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ việc dạy thêm của giáo viên, đồng thời tăng cường các kênh đối thoại chính thức giữa phụ huynh và nhà trường.
Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng dạy thêm một cách rõ ràng, minh bạch cũng rất quan trọng. Bên cạnh các lớp học thêm truyền thống, cần khuyến khích mô hình học nhóm, kèm cặp giữa các học sinh với nhau để tạo môi trường học tập tích cực, hiệu quả.
Trong khi đó, cha mẹ cũng cần có ý thức rõ về học lực của con em mình, không tạo áp lực về thành tích học tập và chạy đua thành tích một cách không thực tế. Phụ huynh cũng cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích việc tham gia học thêm, đồng thời thể hiện rõ và có các hành động cụ thể xóa bỏ các biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm diễn ra trong lớp của con em mình.
Vị trưởng khoa cũng khuyến khích phụ huynh nên dành thời gian hơn trong việc đồng hành, động viên hỗ trợ học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập của nhà trường, không nên có tư tưởng giao phó toàn bộ trách nhiệm giáo dục học sinh cho nhà trường.
Các cấp quản lý cần thiết lập một khung pháp lý chặt chẽ với các quy định rõ ràng về thời lượng học thêm phù hợp cho từng cấp học. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở dạy thêm cần được tăng cường, đặc biệt là với các cơ sở hoạt động không phép.
Các trường hợp ép buộc học sinh đi học thêm cần được xử lý nghiêm minh để tạo môi trường giáo dục lành mạnh. Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm. Song song với đó, cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi cho những học sinh không tham gia học thêm, đảm bảo họ không bị phân biệt đối xử trong quá trình học tập chính khóa.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.