Theo BSCK 1 Nguyễn Cát Phương Vũ, bệnh nhi là bé trai 5 tuổi ở quận 7, TP.HCM, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị vì đã nuốt chùm chìa khóa từ 2 ngày trước đó.
Theo lời kể của người nhà khi tìm không thấy chìa khóa tủ, vặn hỏi thì cậu con trai cho biết đã nuốt vào bụng rồi. Cậu bé kể rằng em làm theo trò ảo thuật được biểu diễn trên truyền hình, trong đó, ảo thuật gia đã làm biến mất chùm chìa khóa.
Gia đình đưa bé vào một phòng khám tư và được bác sĩ ở đây khuyên về nhà chờ thử 2 ngày, để chìa khóa đi ra bằng con đường tự nhiên khi đại tiện. Tuy nhiên, sau 2 ngày chờ đợi nhưng không thấy chìa khóa được thải ra ngoài, gia đình vội đưa cậu bé đi bệnh viện.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiến hành nội soi cho bệnh nhi. Chùm chìa khóa được kéo ngược lên thành công mà không làm trầy xước bên trong cơ thể. Tuy nhiên, chìa khóa cũng đã rỉ sét.
Chùm chìa khóa được đưa ra khỏi dạ dày bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống. |
Qua trường hợp này, Bác sĩ CKII. Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - khuyến cáo các gia đình nên tránh cho trẻ nhỏ chơi với đồ vật có kích thước nhỏ hơn 5 cm vì trẻ dễ cho vào miệng, dễ nuốt vào bụng, nhất là các đồ chơi tháo lắp. Với trẻ lớn, nên thường xuyên nhắc nhở các em không nuốt đồ vật vào bụng.
Nuốt dị vật là một vấn đề thường gặp với trẻ em ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở những lứa tuổi khác (ví dụ, trẻ dưới 6 tháng đôi khi nuốt phải dị vật do các anh chị của chúng nghịch ngợm khi đang chơi đùa). Việc này có thể xảy ra trước sự chứng kiến của bố mẹ.
Với trẻ lớn và người lớn, nuốt dị vật ít xảy ra hơn nhưng không phải không có. Nó thường xảy ra vô ý nhưng cũng có thể là cố ý, ví dụ ở bệnh nhân có các bệnh về tâm thần, thiểu năng trí tuệ, tù nhân hay người buôn lậu thuốc phiện (những người vận chuyển ma túy bằng cách “giấu thuốc” vào đường tiêu hóa) dễ gặp các vấn đề khi nuốt dị vật cố ý.
Bác sĩ Tiến cũng cho biết thực tế là bất kì vật gì nhỏ có thể đi qua được vùng hầu họng cũng có thể bị nuốt vào. Trẻ em thường nuốt các vật như đồng xu, các đồ chơi nhỏ, bút chì, bút và ngòi bút, pin, kim băng, kẹp tóc và kim khâu - hầu hết đều là các vật cản quang trên phim X quang.
Người lớn và trẻ lớn thường nuốt các vật không cản quang như xương cá hay xương gà. Ở người già, răng giả hay các bộ phận của răng giả có thể bị nuốt vô tình vào thực quản và điều này cũng đã được báo cáo trong y văn. Việc nuốt dị vật khi làm các thủ thuật về răng miệng ít khi xảy ra.
Phần lớn dị vật sẽ đi qua ruột và ra ngoài cùng với phân (những thứ đến được dạ dày có 80-90% cơ hội được thải ra ngoài), nhưng một số ít dị vật có thể gây tổn thương cho đường tiêu hóa và/hoặc gây tắc ruột.
Bệnh nhân nuốt các dị vật thường không có triệu chứng nhưng cũng có thể có các triệu chứng khác nhau, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng do tắc ruột cao hoặc bít tắc đường thở.