Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học trò của cô giáo chuyển giới nghỉ 4-6 năm vẫn đậu ĐH

Tấm bằng cao đẳng khó xin việc nên nhiều bạn trẻ chọn liên thông hoặc học lại ĐH. Sau vài tháng ôn thi tại lớp học của cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm, họ đều đạt được điểm số cao.

Không chỉ nhận ôn luyện cho học trò lớp 12 thi đại học mà năm nay, cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm (30 tuổi) còn mở lớp ôn thi dành cho những bạn muốn học liên thông, thi lại ĐH. Cả lớp có 26 người, điểm chung đều bỏ quên kiến thức 4-6 năm, không xin được việc hoặc làm đủ mọi nghề để kiếm sống.

Trầy trật với tấm bằng cao đẳng

Tốt nghiệp hệ CĐ ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Tài chính Maketing năm 2013, Mai Chí Trung (22 tuổi, quê Trà Vinh) không nhớ mình đã rải bao nhiêu hồ sơ. Cuối cùng, Trung đành ngậm ngùi đi làm công việc bán vé xe khách.

“Làm được 3 tháng là mình hết chịu nổi. Mình nghĩ với bằng cao đẳng thì rất khó có việc như ý nên quyết định nghỉ bán vé, tập trung ôn thi để liên thông lên đại học”, Trung bộc bạch.

Cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm bên lớp học của mình trên đường Nguyễn Văn Thủ (Q.1). Nhiều thành viên lớp liên thông do mặc cảm nên đã không lên hình.
Cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm bên lớp học của mình trên đường Nguyễn Văn Thủ (Q.1). Nhiều thành viên lớp liên thông do mặc cảm nên đã xin phép không chụp hình.

Học tài chính ngân hàng nhưng ra trường đi làm kế toán, nhận thấy công việc không ổn nên Lý Thị Duyên (21 tuổi, quê Đồng Tháp) chọn cách học liên thông. Duyên tập trung ôn thi vào ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Cô giải thích: “Mình cũng may mắn có được việc làm nhưng chỉ một thời gian thấy không hợp lắm. Mình không thực sự tự tin với bằng cao đẳng nên muốn học nên cao để trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp. Mình muốn xin được đúng việc mình học, dù sao thì trình độ đại học vẫn tốt hơn”. Và tháng 3/2014, Duyên chủ động nghỉ việc để ôn thi lại. Chiều tối học, ban ngày cô lại đi phụ bán hàng, chạy bàn.

Cũng với tấm bằng cao đẳng nhưng thay vì liên thông hệ đại học cùng ngành thì Hoàng Văn Bình (22 tuổi, quê Kiên Giang) lại ôn thi vào ngành khác, trường khác. Bình chọn thi ngành Công nghệ thông tin, ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM. Chỉ khi đi làm một thời gian, anh mới thấy bản thân không hợp với ngành tài chính ngân hàng.

Bình ngậm ngùi nói: “Thực ra mình cũng thích làm đúng ngành nhưng nộp hồ sơ không nơi nào nhận. Mình nộp ở lĩnh vực khác cũng không thấy hồi âm. Không còn cách nào khác, mình đành đi làm phụ quán cà phê, khi thì bán sách… Thu nhập cao nhất cũng ở mức 3 triệu/tháng”.

Nhận thấy bản thân hợp với công nghệ thông tin, lại được gia đình ủng hộ nên Bình quyết định làm lại từ đầu. “Giờ tìm việc khó quá, thôi thì mình học tiếp và chờ đợi cơ hội mới”, Bình nói.

26 con người trong lớp học, là những bạn trẻ mới ra trường. Ở tuổi đời chỉ từ 22-25, họ hào hứng cầm tấm bằng vừa có đươc đi xin việc, mong ước trước mắt là được làm đúng chuyên ngành. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng, cái lắc đầu của nhà tuyển dụng. Tất cả đều hy vọng với trường mới, tấm bằng có giá trị hơn sẽ giúp họ tìm được việc như ý.

Điểm thi cao hơn mong đợi

Trước khi đến với lớp học của cô giáo Quỳnh Trâm thì Duyên chưa dám nghĩ sẽ đăng ký vào ĐH Ngân hàng TP.HCM. Ban đầu, cô tính chọn một trường tiêu chuẩn thấp hơn nhưng “sau khi vô học chừng hơn tháng là mình lấy lại căn bản kiến thức đã bỏ gần 4 năm. Cô dạy dễ hiểu, nhiệt tình khiến mình tự tin vào bản thân hơn nên mới chọn trường này”, Duyên cho biết. 

Kết quả, sau gần 4 tháng ôn luyện, Duyên đã đạt được 19 điểm (khối A) trong khi ở lần thi 4 năm trước cô chỉ được 13,5 điểm. Cô nói: “Năm ngoái ngành này lấy 17 điểm, nếu cộng cả thêm điểm ưu tiên thì mình hy vọng sẽ trúng tuyển”.

Cô giáo hỏi thăm điểm số từng học trò.
Cô giáo hỏi thăm điểm số từng học trò.

Bỏ quên kiến thức phổ thông cả 6 năm, việc đạt số điểm 19 (khối A) của Nguyễn Trung Tính (24 tuổi, TP.HCM) là một thành tích hơn cả mong đợi. Cũng như Uyên, học tài chính ngân hàng của trường ĐH Ngân hàng là mục tiêu của Tính. Anh hy vọng, sau 1,5 học sẽ có một vị trí tốt hơn so với công việc hiện tại.

“Mấy năm trước mình cố gắng hết sức mới thi được 13 điểm. Vừa rồi thi được 18 điểm khiến mình khá bất ngờ. Vì thi xong, mình dự tính cao cũng chỉ 16 điểm”, Mai Chí Trung cho biết. Trong khi đó, Hoàng Văn Bình cũng được 20 điểm (khối A). Cậu chia sẻ: “Với điểm số này hoàn toàn ngoài mong đợi của mình. Những năm trước điểm chuẩn của ngành mình chọn cũng không cao nên mình tự tin sẽ trúng tuyển”.

Không chỉ giảng bài theo phương pháp riêng, giúp người học dễ tiếp thu mà cô giáo Quỳnh Trâm cũng thường xuyên thăm hỏi cuộc sống học trò. Với những trường hợp khó khăn như Uyên, Bình, Trung cô giáo đều nhiệt tình giúp đỡ tài chính. Có trường hợp, cô còn ủng hộ cả tiền mua xe để đi làm. Thời gian qua, cô Trâm thường xuyên theo dõi tin tức điểm thi. Mỗi khi học trò có điểm, cô đều gọi điện chia sẻ, chúc mừng. Cô tự tin cả 26 em thi liên thông, ôn luyện tại lớp đều sẽ trúng tuyển.

“Hầu hết những em học liên thông đều có cuộc sống khá chật vật nhưng rất khát khao tìm kiếm cơ hội mới bằng con đường học tập. Cái khó là nhiều em đã mất kiến thức căn bản. Tuy nhiên, sau vài tháng học thì đều có kết quả thi khả quan khiến tôi rất hạnh phúc”, cô giáo chuyển giới chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, nhiều em vừa học xong lớp 12 tại lớp cô cũng có những thành tích hơn mong đợi. Như trường hợp em Trương Quốc Vinh (THPT Tenloman, Q.1, TP.HCM) vốn chỉ là một học sinh trung bình năm lớp 10, 11. Sau khi đi học với cô giáo chuyển giới, Vinh được học sinh giỏi lớp 12. Niềm vui lớn nhất của cậu là trúng tuyển vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM với điểm số 22 (điểm chuẩn 21). “Em thích kinh tế từ lâu nhưng từng nghĩ sẽ không thể vào được ĐH kinh tế. Em vẫn chưa chia sẻ kết quả này với gia đình để giữ sự bất ngờ”, Vinh chia sẻ.

 

 

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm