Phải công nhận việc công nghệ hóa những bài tập kích thích trẻ nhiều lắm. Những bài tập toán có hình ảnh động, âm thanh... Còn bài tập tiếng Anh cũng thế, hình ảnh rất trực quan, sinh động, đặc biệt các em được nghe chính giọng của người bản xứ...
Tôi cố tình nói những bài tập mà không nói những vòng thi vì rõ ràng với những bài tập ở mức độ nâng cao như vậy, các em tiếp cận với tâm thế học là phù hợp.
Học trên mạng, các em làm quen với công nghệ thông tin, được làm quen với những bài tập đòi hỏi kỹ năng ở mức độ vận dụng hơn là nhận biết, thông hiểu. Nếu gặp khó khăn, các em sẽ được sự trợ giúp từ phía thầy cô, phụ huynh. Còn bảo là thi e rằng các em sẽ có tâm lý “sợ”...
Con trai tôi học lớp 4, là học sinh giỏi, thầy cô ở trường lập nick cho tham gia các kỳ thi trên mạng.
Học sinh tham gia cuộc thi giải toán qua mạng. Ảnh: ĐH FPT. |
Thú thật, ban đầu thì cu cậu rất hứng thú vì mới, lạ, vì hình thức của các bài tập rất sinh động, hấp dẫn... nhưng sau đó gần như sợ vì bài tập quá khó.
Mỗi lần gọi lên mạng làm bài tập thì cu cậu sẽ lắc đầu và không còn chút tự tin nào nữa, “dõng dạc” bảo: “Con không làm được bài tập trên mạng đâu!”. Nếu ép vào làm thì sẽ loay hoay, mướt mồ hôi.
Cũng đúng thôi, những bài toán không dành cho học sinh khá giỏi thông thường, bên IOE cũng không khác, lượng từ vựng thí sinh gặp hầu như đã hơn phân nửa là từ mới. Nếu không có sự trợ giúp của người lớn sẽ không qua nổi một vòng toán.
Còn bên IOE, cậu con tôi được thầy giáo khen là học tiếng Anh tốt, kỹ năng nghe, đọc, viết khá nhưng khi vào làm ở các vòng thi, phần nhiều là từ mới, kiến thức ngữ pháp cũng mới, cu cậu lại ngơ ngác, vất vả với những bài tập.
Duy trì được một thời gian như vậy, từ chỗ sợ con tôi đâm ra chán nản, nghe nói lên mạng làm bài tập là ớn liền.
Ấy vậy nhưng cách một, hai tuần cô giáo chủ nhiệm gọi và nhắc nhở tôi cho cháu làm bài tập để kịp các vòng thi. Tôi thấy được sức học của con mình không thể tham gia thi và cũng thấy được độ khó của những vòng thi, nhưng theo lời cháu thì thầy cô kêu gọi tất cả học sinh tham gia các kỳ thi trên mạng. Con trai tôi không muốn thi nhưng vẫn sợ vì cô nhắc nhở.
Tôi thấy con của bạn mình đoạt giải ở các kỳ thi trên mạng nên đến hỏi thăm bí quyết. Những người bạn tôi kể rằng họ lập cho con hàng tá nick ảo, bố mẹ cùng con làm nhừ các vòng thi thử rồi mới cho con giải bằng nick thật đã đăng ký ở trường.
Ồ, đó là một cách học, chẳng phải như thế sẽ giúp trẻ rèn kỹ năng giải quyết các bài tập ở cả hai môn toán lẫn tiếng Anh sao. Giá như chỉ dạy trẻ học như thế, còn nếu thi thì hãy mạnh dạn để trẻ tự lực, đừng quan trọng thành tích.
Nói như vậy nhưng đâu dễ làm như vậy, vì hầu như khi trẻ tham gia các vòng thi Olympic toán hay IOE ở nhà thì sẽ có thầy cô hoặc cha mẹ ngồi sau lưng hỗ trợ. Tôi giật mình nghĩ phải chăng người lớn đang vô tình dạy trẻ không thật thà trong thi cử, tệ hơn là tính ỷ lại?