Đây là kết quả của tâm huyết muốn chứng minh môn học tưởng như bị học sinh “quay lưng” như môn lịch sử vẫn có thể trở nên cuốn hút và sinh động như thế nào.
Với độ dài hơn 5 phút, video clip lấy ý tưởng mô tả bài giảng về chiến thắng Điện Biên Phủ trên sách giáo khoa điện tử Classbook đã tái hiện một cách sinh động câu chuyện về 56 ngày đêm chiến dịch. Chỉ trong thời gian ngắn, clip đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, Youtube, và các diễn đàn khác
Xem tại đây.
Cô Minh Đức, giáo viên dạy Sử tại trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết: “Trước đây, học sinh chỉ được tiếp cận về chiến dịch Điện Biên Phủ thông qua những nội dung trong SGK, hình ảnh hầu như không có, chỉ có một vài hình ảnh bản đồ nên việc tiếp thu kiến thức không dễ dàng. Hầu hết các em chỉ học thuộc lòng chứ chưa có cái nhìn tổng quan và hiểu thực sự về chiến dịch. Đoạn clip của Classbook có với cách xây dựng mới lạ, đã tạo được sự thích thú, giúp các em có thể học và hiểu một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều”.
Độc đáo, hấp dẫn là cảm nhận của hầu hết các em học sinh sau khi xem clip. Thu Trang, học sinh THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội chia sẻ: “Clip được xây dựng rất gần gũi và nội dung thông tin dễ hiểu nên em hoàn toàn không có cảm giác là mình đang học mà đơn thuần chỉ là xem để giải trí. Tuy nhiên, sau khi xem xong clip, em cũng đã hiểu thêm được rất nhiều về sự kiện lịch sử quan trọng này”.
Ông Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc công ty CP Sách điện tử Giáo dục (EDC) cho biết: “Đoạn clip được thực hiện gấp rút trong một thời gian khá ngắn, kỹ thuật dàn dựng và xử lý không quá phức tạp. Khâu khó nhất có lẽ là việc chọn lọc nội dung như thế nào để thông tin đầy đủ nhưng vẫn đảm bảo ngắn gọn, súc tích giúp người xem dễ dàng hình dung về sự kiện lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ một cách tổng quan nhất.
Khi làm clip này, chúng tôi đơn giản chỉ muốn trình diễn một bài giảng điện tử có sức truyền thụ như thế nào đối với học sinh, và mong muốn học sinh Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các phương pháp học tập và giảng dạy sinh động như vậy”.
Việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác giảng dạy không còn là vấn đề mới, nhưng triển khai như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất vẫn còn đang là câu hỏi để ngỏ cho các nhà làm giáo dục. Thông qua clip Chiến dịch Điện Biên Phủ - 1954 chúng ta có thể thấy rõ vai trò của công nghệ trong việc tạo nền tảng đổi mới giáo dục, hỗ trợ các thầy cô và học sinh dạy và học một cách nhẹ nhàng nhưng đem lại kết quả cao hơn. Điều này không chỉ thể hiện trong môn Lịch sử nói riêng mà còn ở tất cả các bộ môn khác nói chung.
Ông Lương cũng cho hay, thời gian tới đơn vị này sẽ cho ra mắt phiên bản Classbook 2.0 với sự hợp tác với Intel để giúp phần cứng của máy mạnh hơn. Ngoài nội dung chính trên sách giáo khoa, EDC sẽ liên tục cập nhật miễn phí các bài giảng theo phương thức truyền tải mới, giúp học sinh tiếp cận tốt hơn với các môn học.
Tư liệu: MC Corp