Theo The Paper, sau các kỳ thi lớn (thi đại học, thi lên cấp 3), do áp lực giảm đột ngột, nhiều học sinh thả lỏng bản thân quá mức khiến sinh hoạt và cuộc sống các em thay đổi rất lớn. Đồng thời, trong thời gian đợi điểm thi, nộp hồ sơ, chờ xét tuyển, tâm lý thi sinh cũng có sự biến động không nhỏ.
Những lo lắng trong sau kỳ thi tuyển sinh đại học chủ yếu đến từ tâm lý không chắc chắn. Nhiều người rơi vào tình trạng rối loạn sau kỳ thi, bởi kiểm tra nhiều lần vẫn không xác định được điểm thi của mình, lo lắng vì không biết liệu có đủ điểm trúng tuyển.
Nhiều em rơi vào vòng lặp cảm xúc vô tận, không thể tự thoát ra. Tình trạng trầm trọng có thể gây nên tình trạng mất ngủ, rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm ở học sinh.
Sau kỳ thi đại học, nhiều thí sinh rơi vào trạng thái lo âu, sợ mình thi trượt. Ảnh: Scol.com.cn. |
Nếu nhận được kết quả thấp, một số thí sinh có thể rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng về bản thân. Đặc biệt với các em có học lực khá, cảm giác buồn bã có thể trầm trọng hơn, có người thậm chí nghĩ đến việc tự tử.
Nhiều học sinh tự thường cho mình sau thời gian căng thẳng ôn luyện bằng cách vui chơi thỏa thích, phụ huynh cũng dễ dàng đồng thuận với tâm lý này, dẫn đến tình trạng ăn ngủ không điều độ ở các em. Thời gian biểu đảo lộn liên tục khiến đồng hồ sinh học bị phá vỡ, dễ gặp vấn đề về sức khỏe. Một số học sinh dễ có thói quen xấu sau thời gian thi cử.
Lịch học tập căng thẳng đột ngột kết thúc sau kỳ thi đại học, học sinh được hưởng cảm giác thư thái trong những ngày sau đó, tuy nhiên nhiều em lại có cảm giác trống rỗng khi không biết làm gì tiếp theo. Những người bị tâm lý này có thể cảm thấy chán nản, mất mục tiêu.
Học sinh nên nghỉ ngơi hợp lý, dành thời gian cho các "mục tiêu nhỏ" để cuộc sống không bị đảo lộn sau kỳ thi. |
Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, sử dụng ngày nghỉ để hoàn thành các "mục tiêu nhỏ" là cách hiệu quả để vượt qua thời gian "trống rỗng" hậu kỳ thi.
Thư giãn hợp lý sau kỳ thi là điều cần thiết. Sau thời gian vất vả ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi, nghỉ ngơi là cách giúp học sinh tích lũy năng lượng để chuẩn bị cho các kế hoạch mới trong tương lai. Tuy nhiên, các hoạt động vui chơi, thư giãn cũng cần điều độ.
Các em cần lưu ý trong thời gian nghỉ cần đảm bảo ăn uống hợp lý. Không nên bỏ các thói quen có lợi cho thể chất và tinh thần như tập thể dục buổi sáng hay đọc sách mỗi ngày.
Học sinh nên trò chuyện nhiều hơn với bạn bè đồng trang lứa để biết rằng nhiều người cũng rơi vào trạng thái tâm lý như mình.
Thời gian chờ kết quả và đợi nhập học, học sinh có thể tận dụng để rèn luyện thêm kỹ năng mới như bơi lội, chơi đàn, học ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Nhiều người chọn đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm xã hội trước khi bước vào môi trường đại học.