Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội chứng khiến bệnh nhân trải nghiệm cái chết dù vẫn sống

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã chia sẻ về trải nghiệm của bản thân về cái chết khi tim ngừng đập. Căn bệnh nào khiến anh phải trải qua giây phút này?

Để tìm hiểu về căn bệnh này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP HCM.

Trải nghiệm về cái chết trong khoảnh khắc tim ngừng đập

"Tôi bỗng hẫng đi như rơi vào một nơi trống rỗng. Mọi thứ đột ngột biến mất"- nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ.

Khi tim bỗng ngừng đập

“Thực chất nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đang mắc hội chứng Brugada. Đây là rối loạn nhịp tim có khả năng đe dọa tính mạng. Đối với một số người, hội chứng Brugada gây ra nhịp tim bất thường nguy hiểm, có thể gây ngất xỉu hoặc ngừng tim đột ngột.

Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh dù không có bất kỳ triệu chứng, nên không biết tình trạng này, dẫn tới nhiều nguy hiểm”, PGS Hoài Nam cho hay.

Dấu hiệu hoặc triệu chứng quan trọng nhất của hội chứng Brugada là nhịp tim bất thường (loạn nhịp) được nhìn thấy trên điện tâm đồ - ECG. Một số dấu hiệu dễ thấy hơn bao gồm: ngất xỉu, tim đập không đều hoặc đánh trống ngực và ngừng tim đột ngột.

“Những dấu hiệu này không đặc trưng và tương tự như một số vấn đề về nhịp tim khác, vì vậy, người bệnh cần gặp bác sĩ để nhận định chính xác nếu mang hội chứng Brugada”, PGS Hoài Nam thông tin thêm.

Vẫn theo vị chuyên gia, hội chứng Brugada mới được phát hiện gần đây. Vì vậy, nhiều trường hợp khi bệnh nhân tử vong đột ngột mới nghĩ đến căn bệnh này.

“Mỗi nhịp đập tim được kích hoạt bởi một xung điện do các tế bào đặc biệt trong buồng trên bên phải của tim tạo ra. Trong hội chứng Brugada, khiếm khuyết có thể gây ra nhịp tim bất thường.

Tim bơm không hiệu quả dẫn tới việc không đủ máu cần thiết đến các phần còn lại của cơ thể. Điều này có thể gây choáng ngất, rối loạn nhịp tim khác, hoặc trong trường hợp nặng nhất, bệnh nhân đột ngột ngừng tim”, PGS Nam phân tích nguyên nhân gây bệnh.

Hội chứng Brugada thường do di truyền, thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên và người lớn, hiếm khi xảy ra ở trẻ nhỏ.

Theo PGS Hoài Nam, biến chứng nghiêm trọng nhất của hội chứng Brugada là ngừng tim đột ngột, mất đột xuất bất ngờ của chức năng tim, hơi thở và ý thức. Đó là một cấp cứu y tế. Nếu bệnh nhân không được điều trị khẩn cấp, sẽ dẫn đến cái chết đột ngột.

Mô phỏng sự hoạt động của máy rung khử tim khi lắp vào cơ thể bệnh nhân. Hình minh họa
Mô phỏng sự hoạt động của máy rung khử tim khi lắp vào cơ thể bệnh nhân.

Tại sao phải thử nghiệm ngừng tim

Đáng lo ngại, PGS Hoài Nam cho hay, với bản chất của nhịp tim bất thường, thuốc không thể chữa trị hội chứng Brugada.

Biện pháp duy nhất hiện nay là sử dụng thiết bị y tế cấy ghép gọi là máy khử rung tim (ICD) cấy dưới da người bệnh.

Khi bệnh nhân được lắp thiết bị này, nếu tim ngừng đập, chúng sẽ tự động thực hiện những cú sốc điện khi cần thiết để kéo bệnh nhân trở về từ cõi chết.

Trả lời lý do nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần phải thực hiện cuộc trải nghiệm ngừng tim trước khi lắp ICD, bác sĩ Hoài Nam cho hay đây là một trong những quy trình bắt buộc cần thực hiện trước khi tiến hành lắp thiết bị này.

“Các bác sĩ phải kiểm tra từng bước giảm dần cho bệnh nhân khi tiến hành thủ tục cấy máy. Trong thủ thuật này, họ sẽ tạo ra một cơn rung thất, từ đó máy sẽ phát hiện cơn loạn nhịp và phát sốc phá cơn loạn nhịp. Đôi khi, họ phải làm nhiều lần để tìm ngưỡng khử rung thất thích hợp cho bệnh nhân”, PGS giải thích.

Đó chính là lý do, bệnh nhân có thể có những trải nghiệm về sự sống và cái chết.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm